1. Nín thở
Trẻ từ 6 tháng đến 2 tuổi đôi khi có thể khóc rồi nín thở tạm thời trong khoảng 1 phút, trong thời gian đó trẻ trở nên cứng đờ, mặt chuyển sang màu xanh hay xám, thậm chí ngất đi.
Đây là hành vi trẻ không kiểm soát được. Chứng nín thở thạm thời có thể xảy ra do trẻ tức giận, buồn bã, sợ hãi, shock hay đau.
Dù trông rất đáng sợ nhưng việc bé nín thở khi giận dữ là một phản ứng khá thông thường và vô hại, thường khỏi khi trẻ được 4 hoặc 5 tuổi.
2. Liên tục cởi quần áo
Trẻ không cảm thấy xấu hổ khi khoog mặc đồ. Do đó việc cởi quần áo với trẻ là bình thường dù ở bất kỳ đâu, lúc nào, kể cả ở nơi công cộng.
Lý do có thể là quần áo mặc không thoải mái hoặc trẻ thấy nóng. Ngoài ra có thể trẻ vừa học được cách cởi quần áo nên kỹ năng mới này khiến trẻ thấy mình tự lập hơn.
3. Uống nước tắm
Trẻ nhỏ có thể không hiểu nước tắm khác với nước uống như thế nào. Vì đang chơi trong bồn tắm nên trẻ có thể thấy uống nước tắm cũng là một trò nghịch vui mà thôi.
4. Tự đập vào đầu
Một số trẻ thích tự đập đầu vào cũi, gối hay giường khi đang ngủ. Hiện tượng này gặp ở khoảng 15% các bé.
Một số quan niệm cho rằng đây là một kiểu rối loạn, nhưng ý kiến khác cho rằng đây là thói quen bình thường cũng giống như mút tay.
Hành vi này thường vô hại và hầu hết sẽ tự bỏ khi đã ngoài 3 tuổi nên không cần điều trị.
5. Cho mọi thứ vào tai, mũi, miệng
Trẻ nhỏ thích khám phá, cho nên trẻ có thể cho những vật nhỏ vào tai, mũi,... Trẻ muốn biết chúng hoạt động như thế nào và điều gì sẽ xảy ra.
Tuy nhiên việc nhét dị vật vào tai, mũi, miệng có thể gây thương tích cho trẻ. Cha mẹ cần lưu ý rà soát xem tất cả đồ chơi trong nhà có phù hợp với lứa tuổi của bé hay không.
Khi bé chơi đùa cần chú ý quan sát, dạy trẻ nhận thức được không nên nhét đồ vật linh tinh vào tai, mũi,...
Luôn hỏi han trẻ có khó chịu gì khi đi chơi hay đi học về không để phát hiện dị vật kịp thời.
6. Ăn gỉ mũi và những thứ kỳ quặc khác
Trẻ nhỏ có thể ăn mọi thứ từ gỉ mũi, côn trùng đến đất cát. Đó là do bản tính ưa khám phá và hay tò mò của trẻ. Gỉ mũi gây ngứa ngáy cho trẻ nên theo phản xạ, trẻ sẽ lấy gỉ mũi ra và khám phá ngay bằng cách... cho vào miệng xem có vị ngon lành không.
Trong thực tế, rất nhiều trẻ khi lớn lên có nhận thức hoặc được bố mẹ giải thích đã bỏ được thói xấu.
Nhưng không phải hoàn toàn 100%, nên có trường hợp khi lớn hơn, hành động ăn gỉ mũi được lặp lại thường xuyên hơn vì gỉ mũi xuất hiện với tần suất cao hơn khi còn nhỏ.
7. Tự giật tóc mình
Trẻ dưới 2 tuổi có thể thích nghịch, giật tóc để bình tĩnh lại hoặc do trẻ đang chán.
Lên 3 tuổi, trẻ học được cách quan sát phản ứng của cha mẹ với hành động này và có thể giật tóc để thu hút sự chú ý của người lớn hoặc tỏ thái độ phản nghịch.
Trong một số trường hợp, hành động tự giật tóc của bé có thể báo hiệu bé đang bị một chứng bệnh đáng lưu tâm hơn, chứng nghiện giật tóc – trichotillomania, thường xảy ra khi trẻ 9-13 tuổi. Cha mẹ nhất định nên chú ý sát sao để ứng phó kịp thời.
8. Thích đọc đi đọc lại một một cuốn truyện
Nghe lại những cuốn truyện trẻ đã biết rõ sẽ khiến trẻ cảm thấy mình đang nắm kiểm soát. Điều đó giúp trẻ thấy thoải mái.
Trẻ biết cha mẹ sẽ đọc cho mình một cuốn truyện trước khi đi ngủ, biết câu chuyện sẽ diễn biến ra sao, do đó trẻ có thể thư giãn và đi vào giấc ngủ ngon.
(Theo Bright Side)
Bạn đang xem bài viết Ý nghĩa đằng sau 8 hành vi kỳ quặc của trẻ nhỏ bậc cha mẹ nên biết tại chuyên mục Dạy con của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].