Xem nguyệt thực một phần dài nhất thế kỷ ngày nào, mấy giờ ở đâu rõ nhất?
Theo Livescience, nguyệt thực một phần dài nhất thế kỷ sẽ diễn ra vào ngày 19/11 tới (theo giờ Việt Nam).
NASA dự báo nguyệt thực lần này sẽ kéo dài trong khoảng 3 giờ 28 phút 23 giây - bắt đầu từ lúc 14h19 ngày 19/11; đạt cực đại vào khoảng 16h00 và kết thúc lúc 17h47 cùng ngày (theo giờ Việt Nam).
Mặc dù giai đoạn đầu của nguyệt thực xảy ra trước khi mặt trăng mọc ở Đông Á, Australia và New Zealand, những người theo dõi nguyệt thực ở những khu vực này sẽ có thể nhìn thấy nguyệt thực khi nó đạt cực đại. Ngược lại, những người quan sát ở Nam Mỹ và Tây Âu sẽ nhìn thấy mặt trăng lặn trước khi nguyệt thực lên đến đỉnh điểm.
Tại Việt Nam có thể quan sát một phần diễn biến của Nguyệt thực lần này, bắt đầu từ 17h21 khi Mặt trăng mọc lên từ đường chân trời cho đến khi kết thúc, theo trang Vật Lý Thiên Văn đưa tin.
Hiện tượng nguyệt thực một phần lần này xảy ra khi bóng của Trái đất che 97% Mặt trăng, là nguyệt thực dài nhất thế kỷ cho đến nay.
Theo Đài quan sát Holcomb tại Đại học Butler, Indiana (Mỹ), đây cũng là nguyệt thực một phần dài nhất trong 580 năm.
Nguyệt thực là hiện tượng thiên văn khi Mặt trăng đi vào hình chóp bóng của Trái đất, đối diện với Mặt trời.
Điều này chỉ có thể xảy ra khi Mặt trời, Trái đất và Mặt trăng thẳng hàng hoặc xấp xỉ thẳng hàng với nhau, với Trái đất ở giữa.
Do vậy, nguyệt thực chỉ có thể xảy ra vào những ngày trăng tròn. Kiểu và chiều dài của nguyệt thực phụ thuộc vào vị trí của Mặt trăng so với các điểm nút quỹ đạo của nó.
Link xem trực tiếp nguyệt thực một phần dài nhất thế kỷ ngày 19/11
Người yêu thiên văn vẫn có thể xem hiện tượng nguyệt thực một phần dài nhất thế kỷ qua livestream của timeanddate.com bắt đầu từ 13h00 ngày 19/11 theo giờ Việt Nam.
Xem trực tiếp nguyệt thực một phần dài nhất thế kỷ ngày 19/11 tại ĐÂY
Hoàng NguyênBạn đang xem bài viết Xem nguyệt thực một phần dài nhất thế kỷ ngày 19/11 mấy giờ, ở đâu rõ nhất? tại chuyên mục Tin mới của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].