Đó là khuyến cáo được kiến trúc sư (KTS) Phạm Thanh Tùng, Chánh văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam đưa ra tại tọa đàm “Nhận diện tiêu chí chung cư an toàn và hạnh phúc cho trẻ em” do Tạp chí Trẻ em Việt Nam tổ chức.
Tại Điều 4, Luật Trẻ em Việt Nam ban hành năm 2016 đã nhấn mạnh “Bảo vệ trẻ em là việc thực hiện các biện pháp phù hợp để bảo đảm trẻ em được sống an toàn, lành mạnh…”. Tuy nhiên, thời gian qua, nhiều câu chuyện, trường hợp đáng tiếc đã xảy ra liên quan đến việc mất an toàn của trẻ em tại các chung cư khiến dư luận không khỏi xôn xao, lo lắng.
Chia sẻ về vấn đề này, KTS Phạm Thanh Tùng cho biết, việc xây dựng các chung cư, nhà cao tầng ở Việt Nam đều có quy chuẩn, tiêu chuẩn rõ ràng, không kém gì ở nước ngoài.
“Đối với nhà cao tầng, quy định từ 9 tầng lan can phải cao ít nhất 1m, từ 9 tầng trở lên lan can phải cao 1,4m. Các khe hở giữa các lan can cần có khoảng cách dưới 10cm và không được làm thanh ngang để đề phòng việc trẻ chui, trèo qua lan can” - KTS Tùng nói.
Vị chuyên gia này cũng khuyến cáo, các gia đình lưu ý không nên để nhiều đồ đạc như bàn ghế, hộp xốp trồng rau xanh, bình cây cảnh, bình hoa… tại khu vực ban công, lô gia, để tránh tình huống trẻ nhỏ leo trèo lên những đồ đạc này và trèo qua lan can. Cha mẹ phải có kiến thức an toàn ở chung cư để giảm thiểu rủi ro.
KTS Thanh Tùng chia sẻ thêm, việc trẻ em rơi từ tầng cao nhà chung cư ngoài những nguyên nhân từ sự chủ quan, lơ là của người lớn không trông nom trẻ cẩn thận thì vẫn còn có lỗi đến từ việc thiết kế hoặc thi công chưa đảm bảo của đơn vị thi công và chủ đầu tư công trình.
Mặc dù chúng ta đã có những quy định, quy chuẩn nghiêm ngặt nhưng nhiều đơn vị thi công, chủ đầu tư vẫn không thực hiện nghiêm túc. Đây cũng là nguyên nhân khiến nhiều công trình chưa đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn trong thiết kế nhưng đã đưa người dân vào ở. Chính vì vậy, các cơ quan chức năng cần kiểm tra, rà soát lại lan can ban công, lô gia… thiết kế có đúng quy định hay không.
Đồng quan điểm đó, TS.Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cũng cho rằng, vấn đề nghiệm thu, kiểm tra từ các đồ án thiết kế quy hoạch đến các công trình đã đưa vào sử dụng cũng chưa có yếu tố riêng biệt dành cho đối tượng là trẻ em. Đặc biệt, trong quá trình làm dự án chung cư, rất nhiều chủ đầu tư, nhà phát triển đã ưu tiên lợi nhuận kinh doanh, đặt lợi ích lên hàng đầu mà quên mất những điều kiện để tạo ra chất lượng cho toàn dân, trong đó có trẻ em. Thậm chí, có một số chủ đầu tư bất chấp, tìm mọi cách để cắt xén, lấn chiếm những khu vực mà đáng ra để tạo nên tiện ích phục vụ cho cộng đồng thì lại chuyển sang mục đích cá nhân.
Vị chuyên gia bất động sản này cho rằng, ngay trong thiết kế căn hộ vẫn rất ít tư duy dành cho trẻ em thì làm sao nhận diện được những tiêu chí trong tòa nhà, khu dân cư có thể đảm bảo cho an toàn trẻ em cũng như hệ thống không gian giao thông, thang máy, hệ thống phòng cháy chữa cháy... để trẻ em dễ dàng sử dụng khi xảy ra sự cố.
Do đó, ngay trong tư duy ban đầu của các chủ đầu tư, các nhà phát triển dự án phải được trang bị, đào tạo kiến thức liên quan đến trẻ em. Có như vậy, khi thiết kế và làm dự án, trẻ em sinh sống trong các tòa nhà chung cư mới được đảm bảo về sự an toàn, về cuộc sống hạnh phúc.
Ngoài ra, TS.Nguyễn Văn Đính cũng đánh giá cao những khu đô thị của các chủ đầu tư uy tín, có chất lượng kiểm duyệt tốt, tuân thủ các quy định của pháp luật như các dự án của Vinhomes, Ecopark... Cùng với đó là hệ thống hạ tầng, tiện ích đa dạng, phục vụ cho nhu cầu của người dân, đặc biệt là trẻ em như trường học, khu vui chơi... Điều đó cho thấy, những chủ đầu tư có ý thức, tư duy quan tâm đến trẻ em thì các công trình, dự án mới đảm bảo được các tiêu chuẩn an toàn, người dân cũng mới tin tưởng và an tâm lựa chọn.
Nói về môi trường sống hạnh phúc cho trẻ, KTS Phạm Thanh Tùng cho rằng, môi trường sống hạnh phúc cho trẻ không phải là căn hộ to, tiện nghi mà nó phải phù hợp điều kiện kinh tế, tạo không gian sống tối giản để an toàn cho trẻ, đảm bảo các tiện ích như trường học, y tế, không gian vui chơi cho trẻ, khu mua sắm để đảm bảo nhu cầu sinh hoạt… Quy chuẩn về kiến trúc hiện nay là khi quy hoạch đất để xây dựng, không được phép quá 40%, còn lại phải để đất để trồng cây xanh, công viên, khu vui chơi giải trí... đáp ứng nhu cầu của dân cư, đặc biệt là trẻ em. Tuy nhiên, khi triển khai trên thực tế, các khu chung cư đang bị quy hoạch và bị đẩy ra khỏi những nơi rất thiếu tiện ích cho các em.
Để cha mẹ lựa chọn được chung cư an toàn và hạnh phúc cho trẻ em, ông Tùng đưa ra lời khuyên, khi chọn nơi ở, yếu tố an toàn và phù hợp với khả năng tài chính là ưu tiên hàng đầu. Tiếp đó, cha mẹ cần đảm bảo rằng môi trường sống phải đáp ứng đầy đủ các nhu cầu thiết yếu của con trẻ như học tập, vui chơi, được chăm sóc sức khỏe và được bảo vệ theo đúng quy định của pháp luật.
“Tổ ấm là nơi chúng ta tìm thấy sự bình yên và hạnh phúc. Chúng ta không nên quá cầu toàn, hãy tập trung vào những yếu tố cơ bản để đảm bảo cuộc sống thoải mái. Khi điều kiện kinh tế được cải thiện thì có thể nâng cấp nơi ở của mình tiện nghi hơn” – KTS Thanh Tùng nhấn mạnh.
An AnBạn đang xem bài viết Xanh hóa ban công chung cư có thể gây nguy hiểm cho trẻ em tại chuyên mục Bất động sản của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].