Sáng 31/1, Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389) đã tổ chức họp báo thông tin về kết quả công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả 2017 và phương hướng nhiệm vụ năm 2018.
Trả lời báo chí về tiến độ xử lý vụ bắt giữ lô hàng mỹ phẩm giả của một “quý bà” với thương hiệu TS cuối năm 2017, ông Trần Hùng, Phó cục trưởng Cục quản lý thị trường, Bộ Công Thương, cho biết vụ việc vẫn đang được Công an TP. Hà Nội điều tra.
Theo ông Trần Hùng, vụ việc bắt giữ lô mỹ phẩm giả trị giá hơn 11 tỷ đồng với thương hiệu TS là rất nghiêm trọng, gây bức xúc trong dư luận.
Cơ quan chức năng sẽ tích cực điều tra một cách rất trách nhiệm, cùng phòng chống hàng giả và hàng kém chất lượng.
Lãnh đạo Cục quản lý thị trường nhấn mạnh thêm vụ quý bà bán mỹ phẩm mang thương hiệu TS là điển hình của việc lừa đảo, gian lận thương mại qua mạng Internet đang tràn lan hiện nay. Đây là phương thức mới, cần nhận diện, đấu tranh và xử lý nghiêm khắc.
Chánh văn phòng Ban chỉ đạo 389 quốc gia Đàm Thanh Thế cũng khẳng định: Các vụ việc mỹ phẩm giả thương hiệu TS, vụ Khaisilk, xe BMW nhập lậu tại cảng Cát Lái (TP.HCM)... đều phải được xử lý theo pháp luật.
PGS.TS Đàm Thanh Thế cũng cho hay, năm qua đã có hơn 225.000 vụ buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (tăng 1,15% so với cùng kỳ năm 2016), thu nộp ngân sách nhà nước đạt hơn 23.101 tỷ đồng (tăng 7,17% so với cùng kỳ năm 2016), khởi tố 1.637 vụ (tăng 4,87% so với cùng kỳ) với 2.118 đối tượng vi phạm”.
Cũng theo ông Thế, tuy kết quả đấu tranh của cơ quan chức năng đã góp phần làm ổn định tình hình kinh tế, xã hội nhưng vẫn chưa tương xứng với tình hình thực tế.
Bởi sự quan tâm, vào cuộc của các ngành chưa đồng bộ, hơn thế nữa các đối tượng hoạt động phạm tội thường hoạt động theo đường dây ổ nhóm với nhiều đối tượng nên việc truy tìm đối tượng gặp nhiều khó khăn.
Và đặc biệt các mặt hàng buôn lậu vẫn tập trung chủ yếu vào những mặt hàng thực phẩm, ma túy, thuốc lá….
Nhiều tuyến biên giới Tây Nam Bộ tình hình buôn lậu thuốc lá vẫn còn phức tạp khi mà trước đây các đối tượng còn dè chừng vận chuyển với số lượng ít, nhưng nay tình trạng vận chuyển bằng xe tải, ghe tàu với số lượng lớn.
Bên cạnh đó, theo ông Thế, để khắc phục tình trạng “trên nóng, dưới lạnh” trong chống buôn lậu và gian lận thương mại, năm 2018, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đã giao Văn phòng thường trực 389 và các lực lượng chức năng kiểm tra, kiểm soát lực lượng thi hành công vụ, xác định đơn vị, cá nhân nào tốt, chưa tốt.
Theo bộ tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ đã được Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình ký, một trong những điểm đáng chú ý là khi có ý kiến chỉ đạo về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại thì các cơ quan có trách nhiệm phải triển khai và báo cáo đúng định kỳ nội dung yêu cầu theo tiến độ để từ đó có sự kiểm tra, giám sát.
Ngọc NgaBạn đang xem bài viết Vụ mỹ phẩm thương hiệu TS là điển hình của việc lừa đảo, gian lận thương mại qua mạng tại chuyên mục Tin tức của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].