Chăm sóc khách hàng cũ: Cam kết sống còn để đi tiếp
- Khi VinFast công bố sẽ chỉ tập trung cho xe điện từ sau năm 2022, nhiều người lo ngại việc này sẽ ảnh hưởng quyền lợi của khách hàng đang sử dụng xe xăng VinFast. Theo kinh nghiệm của ông, hãng xe Việt sẽ phải giải quyết vấn đề này ra sao?
Tôi cho rằng, VinFast quá hiểu, nếu vì quyết định này mà quyền lợi của người dùng bị ảnh hưởng thì chính họ đang tự xóa sổ ngành công nghiệp ô tô của mình. Chúng ta phải nhớ rằng, đang có hàng chục nghìn ô tô VinFast chạy ngoài đường và nếu VinFast quay lưng với những con người này, đồng nghĩa, VinFast đang đóng cơ hội mở rộng khách hàng mới.
Vì thế, với những khách hàng cũ, tôi tin rằng, VinFast không những sẽ tiếp tục chăm sóc chu đáo, giống như cách làm lâu nay mà thậm chí sẽ càng tốt hơn, vì đó là cam kết, là uy tín sống còn của chính họ.
- Nhưng vẫn có quan ngại về hệ thống linh kiện, phụ tùng hay đội ngũ kĩ thuật của VinFast liệu có được đảm bảo trong suốt thời gian dài?
Về phụ tùng linh kiện, tôi nghĩ đây không phải vấn đề bởi khách hàng của VinFast hiện chỉ tập trung ở Việt Nam nên việc dự trữ, phân phối không khó. Về thời gian sử dụng, thông thường, vòng đời sử dụng một chiếc xe ở châu Âu hay Mỹ là 5 năm và khoảng 10 năm với những nước như Việt Nam.
Về vấn đề này, VinFast đã cam kết đã dự trù lượng linh kiện gấp 1,5 lần thông lệ thị trường. Theo tôi đây là sự chuẩn bị kĩ lưỡng. Riêng về hệ thống nhân sự kĩ thuật, đây lại càng là vấn đề không đáng lo vì dừng sản xuất không đồng nghĩa đội ngũ này biến mất.
Hãy nghĩ đơn giản như các hãng ô tô khác dừng sản xuất một mẫu xe nào đó thôi, không có gì phải nghiêm trọng cả.
Thời điểm vàng để bước ra “võ đài” thế giới
- Trở lại với màn trình diễn của VinFast tại CES 2022 khi 5 mẫu xe điện Việt Nam xuất hiện trên đất Mỹ, xin được hỏi, ông có suy nghĩ gì vào thời điểm đó?
Vô cùng tự hào. Bản thân tôi đã có những trải nghiệm nhiều năm ở nước ngoài về công nghệ ô tô và thực sự tự hào bởi chúng ta đã có những bước nhảy vọt khi làm chủ được công nghệ thông minh trên xe điện như hỗ trợ lái nâng cao (ADAS), trợ lí ảo…
Tôi vẫn nhớ, khoảng năm 2007, tại một hội nghị quốc tế ở Hàn Quốc, vị Chủ tịch Hội khoa học kỹ thuật điều khiển tự động đã tưởng tượng về mẫu ô tô của tương lai “sẽ là cái bàn làm việc, cái giường của bạn, thang máy của bạn được gắn bánh xe và nó di chuyển trên đường”, tức là mọi nhu cầu của người dùng sẽ có ngay trên xe.
Với màn ra mắt của ô tô điện VinFast và đối chiếu với những gì VinFast đang làm như ứng dụng Smart Home, Mobile Office… chúng ta có thể tự tin nói rằng Việt Nam có thể biến tưởng tượng ấy thành sự thực.
- Sự tự tin như lời ông nói có phải là lí do khiến VinFast quyết định dừng sản xuất xe xăng ngay từ cuối năm nayđể tập trung cho xe thuần điện, sớm hơn rất nhiều so với các hãng xe truyền thống?
Chuyển đổi sang thuần điện là xu hướng tất yếu. Về phía các hãng xe, phải nói thật, dù muốn nhưng chính họ đang bị “tảng đá” níu chân bởi sự lệ thuộc vào nền tảng xe xăng.
Nhìn vào Thái Lan hay Indonesia, chúng ta có thể thấy rõ điều ấy. Đó là những nơi có nền công nghiệp ô tô rất phát triển nhưng họ chưa thể chuyển đổi sang xe điện thời điểm hiện tại vì nỗi lo đứt gãy nền công nghiệp. Sự thiệt hại không chỉ ở hàng tỉ đô la mà còn nhiều hậu quả nặng nề khi phải dịch chuyển đội ngũ sản xuất lớn, cơ cấu lại ngành nghề…
Đó là vì sao riêng với Việt Nam, tôi coi đây là thời cơ hội vàng với VinFast. Bởi trong khi các hãng trên thế giới bị níu kéo bởi những tảng đá lớn, chúng ta gần như không vì đã sớm có định hướng và sẵn sàng xuất phát. Vậy nên, với tôi việc chuyển hướng sang thuần điện nên đến càng sớm càng tốt vì khi không bị níu chân, chúng ta sẽ “chạy” nhanh hơn rất nhiều.
- Nhưng, thực tế thì dung lượng thị trường ô tô điện vẫn rất nhỏ bé. VinFast hoàn toàn có thể chọn hướng đi kinh tế hơn là vừa bán xe xăng, vừa phát triển xe điện thay vì chuyển sang thuần điện?
Tôi không nghĩ vậy. Thứ nhất là về nguồn lực, VinFast sẽ phải trải dài ở cả hai mặt trận và khó có được sự đột phá cần thiết. Ngoài ra, tôi vẫn đánh giá, sản xuất và phát triển xe xăng là quá trình làm quen, tích lũy kinh nghiệm về quản lý, sản xuất cần có để VinFast bước ra võ đài thế giới.
Không chỉ VinFast, Tesla cũng từng phải bắt tay với hãng ô tô khác để có những bài học tương tự và sau đó lớn mạnh như hiện tại. VinFast khác biệt là tự mình tiếp cận ngành ô tô theo cách riêng và hiện tại là lúc để VinFast hoàn toàn chuyển hướng.
- Ông cho rằng tương lai của xe điện VinFast tại thị trường quốc tế sẽ ra sao?
Tôi luôn tin rằng, với sự đầu tư bài bản, hệ sinh thái đầy đủ, đặc biệt là việc tập trung vào làm chủ công nghệ pin - vấn đề cốt lõi của xe điện, VinFast có thể tiếp cận được người dùng thế giới.
Tất nhiên, VinFast sẽ vấp phải sự cạnh tranh khốc liệt bởi đây là cuộc đua tầm cỡ thế giới. Thế nhưng, với những chính sách đột phá như bảo hành, cho thuê pin, VinFast sẽ có lợi thế cạnh tranh của riêng mình và tôi tin người đi tiên phong sẽ là người dẫn dầu.
- Xin cảm ơn ông!
Mẫu ô tô của tương lai “sẽ là cái bàn làm việc, cái giường của bạn, thang máy của bạn được gắn bánh xe và nó di chuyển trên đường”, tức là mọi nhu cầu của người dùng sẽ có ngay trên xe.
Với màn ra mắt của ô tô điện VinFast và đối chiếu với những gì VinFast đang làm như ứng dụng Smart Home, Mobile Office… chúng ta có thể tự tin nói rằng Việt Nam có thể biến tưởng tượng ấy thành sự thực.
Yến AnhBạn đang xem bài viết VinFast sẽ chăm sóc khách cũ tốt hơn để mở rộng khách mới tại chuyên mục Tiêu dùng Gia đình của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].