Báo Điện tử Gia đình Mới

Việt Nam với vấn đề bình đẳng giới

Thảo luận kinh tế - xã hội tại kỳ họp thứ Bảy, Quốc hội Khóa XV có hai vấn đề được nhấn đậm, đó là: bình đẳng giới và chống lãng phí, thực hành tiết kiệm. Đây là nét đổi mới hoạt động của Quốc hội, nhằm kiến giải sâu hơn, đầy đủ hơn những vấn đề quan trọng, thiết thực trong đời sống xã hội.

Riêng vấn đề bình đẳng giới, đã có nhiều đại biểu đề cập (một số đại biểu phát biểu lồng quyện vào các vấn đề kinh tế, xã hội; một số đại biểu khác lại phát biểu thành chuyên đề khá sâu sắc). Dẫu ý kiến có thể còn có khía cạnh khác nhau, nhưng ở Việt Nam, bình đẳng giới đã có bước tiến đáng trân trọng so với nhiều quốc gia trên thế giới.

Một vài nét về lịch sử bình đẳng giới

Thế giới nói chung, mãi tới ngày 18.12.1979 Đại hội đồng Liên hiệp quốc mới thống nhất được các ý kiến để ban hành Công ước “Xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ” (tiếng Anh viết tắt là CEDAW) được coi như một đạo luật và có hiệu lực thi hành từ ngày 5.9.1981. Công ước có 30 điều, chia làm 6 phần, xin được nhấn đậm một số phần:

Từ Điều 7 đến Điều 9 quy định các quyền của phụ nữ trong đời sống và nhấn mạnh đời sống chính trị của phụ nữ;

Từ Điều 10 đến Điều 14 mô tả các quyền kinh tế và xã hội của phụ nữ, đặc biệt tập trung vào giáo dục, việc làm và sức khỏe; những biện pháp đặc biệt để bảo vệ phụ nữ nông thôn và giải quyết các vấn đề phụ nữ nông thôn gặp phải;

Từ Điều 15 đến Điều 16 quy định về quyền bình đẳng của phụ nữ trong đời sống hôn nhân và gia đình cùng với quyền bình đẳng trước pháp luật...

Đến nay đã có 189 nước ký tham gia Công ước, trong đó Việt Nam là một trong 35 quốc gia ký đầu tiên.

Quang cảnh Kỳ họp thứ Bảy, Quốc hội Khóa XV. Ảnh: Hồ Long

Quang cảnh Kỳ họp thứ Bảy, Quốc hội Khóa XV. Ảnh: Hồ Long

Ở Việt Nam, quyền bình đẳng nam, nữ đã được ghi nhận đậm nét từ Hiến pháp đầu tiên năm 1946, đặc biệt là Điều 9 đã khẳng định “Đàn bà ngang quyền với đàn ông về mọi phương diện”. Như vậy, quyền bình đẳng nam, nữ ở Việt Nam được luật hóa trước CEDAW tới 34 năm. Trên cơ sở Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi, bổ sung ngày 25.12.2001), Quốc hội khóa XI đã xây dựng và ban hành  Luật Bình đẳng giới số 73/2006/QH11 ngày 29.11.2006, trong đó đã nội luật hóa những quy định của CEDAW phù hợp với điều kiện Việt Nam. Tiếp đó, quyền bình đẳng nam, nữ càng được thể hiện sâu sắc hơn ở Hiến pháp năm 2013, đó là bảo đảm bình đẳng thực chất, triệt để xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ; tiếp tục ghi nhận quyền bình đẳng trước pháp luật của nam, nữ (khoản 1, Điều 16); bình đẳng trong kết hôn và ly hôn (khoản 1, Điều 35); vai trò của Nhà nước, xã hội và gia đình trong việc bảo vệ phụ nữ và trẻ em (khoản 2, Điều 26 và khoản 2, Điều 36); không phân biệt đối xử giữa nam và nữ (khoản 2, Điều 16). Điều này quy định cụ thể “Không ai bị phân biệt đối xử trong đời sống chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội”)...

Những thành tựu bình đẳng giới của Việt Nam

Từ báo cáo của Chính phủ và các ý kiến thảo luận của đại biểu cùng những thông tin chính thống đã được công bố, chúng ta có thể điểm qua một số thành tựu chính đã đạt được. Trước hết, trên phương diện lãnh đạo, chỉ đạo, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm chăm lo thúc đẩy công tác bình đẳng giới, bảo vệ quyền và tăng cường vai trò hoạt động của phụ nữ trong mọi mặt đời sống chính trị, kinh tế, xã hội. Chiến lược bình đẳng giới của Việt Nam được thể hiện qua nhiều chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Từ đây, công tác bình đẳng giới đã đạt được những thành tựu đáng trân trọng. Xin được điểm lại một vài mục tiêu “thời sự” nhất của bình đẳng giới.

Về mục tiêu phụ nữ tham chính

Đây là mục tiêu đặc biệt quan trọng, nói đến bình đẳng giới là phải nói phụ nữ tham chính. Nhưng đánh giá mục tiêu này là phải xem xét cả thời kỳ với thời gian tương đối dài. Sau 10 năm thực hiện Chiến lược bình đẳng giới theo Chương trình mục tiêu quốc gia bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020, về tỷ lệ phụ nữ tham gia các cơ quan dân cử  Việt Nam xếp thứ 60 trên thế giới, đứng thứ 4 ở châu Á và đứng đầu trong Hội đồng Liên minh Nghị viện Hiệp hội các nước Đông Nam Á; Về tham chính và quản lý, Việt Nam đứng thứ 3 trong khu vực ASEAN và đứng thứ 47/187 quốc gia trên thế giới tham gia xếp hạng.

Thực thi Chiến lược quốc gia bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030 bước đầu cho thấy tỷ lệ cán bộ lãnh đạo, quản lý trong các cơ quan Đảng và Nhà nước ngày càng được nâng cao cả về số lượng và chất lượng. Trong Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII có 19 đồng chí nữ, chiếm 9,5% tổng số Ủy viên Trung ương. Quốc hội khóa XV đạt tỷ lệ 30,26% đại biểu nữ (cao nhất kể từ Khóa VI - Khóa Quốc hội thống nhất cả nước đến nay). Tỷ lệ các bộ, cơ quan ngang bộ có lãnh đạo chủ chốt (là Bộ trưởng, Thứ trưởng và tương đương) tham gia lãnh đạo, quản lý cơ quan là nữ đạt 50%.

Ban Chấp hành Đảng bộ cấp tỉnh có 16% là các đồng chí nữ; Hội đồng nhân dân cấp tỉnh có 29% là đại biểu nữ. Có 47/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có lãnh đạo chủ chốt là nữ (bao gồm Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh), chiếm 74,6%.

Theo thống kê của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về lãnh đạo chủ chốt cấp huyện: có 12 tỉnh, thành phố, ở cấp huyện có nữ lãnh đạo chủ chốt đạt 60% trở lên; có 11 tỉnh, thành phố ở cấp huyện có lãnh đạo chủ chốt là nữ đạt từ 50% đến dưới 60%.

Về lãnh đạo chủ chốt là nữ của cấp xã: Có 10 tỉnh, thành phố ở cấp xã có nữ là lãnh đạo chủ chốt đạt 60% trở lên và 8 tỉnh, thành phố đạt từ 50% đến dưới 60%...

Các số liệu trên cho thấy, so với mục tiêu đến năm 2025 đạt 60% các cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền các cấp có lãnh đạo chủ chốt là nữ thì hầu như đến hết năm 2023 mục tiêu này đã vượt.

Về mục tiêu kinh tế, lao động - việc làm

Ảnh minh hoạ: Quế Chi/Báo Lao Động

Ảnh minh hoạ: Quế Chi/Báo Lao Động

Mục tiêu này có 3 chỉ tiêu cụ thể:

Chỉ tiêu 1 là tăng tỷ lệ lao động nữ làm công ăn lương lên đạt 50% vào năm 2025: Kết thúc năm 2023, trên tổng số 23,98 triệu lao động làm công ăn lương, thì số lao động nữ là 12,21 triệu, chiếm 50,9%. Nghĩa là chỉ tiêu này về đích trước 2 năm.

Chỉ tiêu 2 là giảm tỷ trọng lao động nữ làm việc trong khu vực nông nghiệp trong tổng số lao động nữ có việc làm xuống dưới 30% vào năm 2025: Hiện nay có gần 24 triệu lao động nữ có việc làm, trong đó lao động nữ thuộc khu vực nông, lâm, thủy sản chiếm gần 6,29 triệu người, chiếm hơn 26,2% . Chỉ tiêu này cho thấy sự dịch chuyển lao động nữ từ nông nghiệp sang các ngành nghề phi nông nghiệp đang diễn ra tương đối nhanh.

Chỉ tiêu 3 là tỷ lệ nữ Giám đốc, Chủ doanh nghiệp đạt ít nhất 27% vào năm 2025: Chỉ tiêu này được công bố 5 năm 1 lần từ kết quả Tổng điều tra kinh tế. Năm 2020, tỷ lệ nữ giám đốc, Chủ doanh nghiệp đã đạt 28,2%, nghĩa là đã đạt được mục tiêu chiến lược đến năm 2025.

Về mục tiêu giáo dục, đào tạo

Mục tiêu này có 4 chỉ tiêu.

Chỉ tiêu 1 là đưa nội dung về giới, bình đảng giới vào chương trình giảng dạy trong hệ thống giáo dục quốc dân và được giảng dạy chính thức ở các trường sư phạm từ năm 2025 trở đi: Thực hiện chỉ tiêu này, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành quyết định số 4247/QĐ-BGDĐT, ngày 12.12.2023 phê duyệt Đề án với các nội dung: Đánh giá thực trạng đưa nội dung về giới, bình đẳng giới vào chương trình giảng dạy chính thức ở các cơ sở đào tạo giáo viên theo yêu cầu thực hiện mục tiêu của Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030. Và đề xuất các giải pháp đưa nội dung về giới, bình đẳng giới vào chương trình giảng dạy chính thức ở các cơ sở đào tạo giáo viên từ năm 2025.

Việc ban hành và triển khai Đề án này cho thấy Chính phủ chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết tâm thực hiện thành công mục tiêu Chiến lược bình đẳng giới (phần giáo dục, đào tạo) đã được đề ra kể từ năm 2025 trở đi.

Chỉ tiêu 2 là tỷ lệ trẻ em (cả trai và gái) các dân tộc thiểu số vào năm 2025 hoàn thành giáo dục tiểu học đạt 90%, tỷ lệ hoàn thành cấp trung học cơ sở đạt 85%: Báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho thấy,  năm học 2021-2022, tỷ lệ trẻ em trai dân tộc thiểu số hoàn thành giáo dục tiểu học đạt 98%, năm học 2022-2023 là 96%. Tỷ lệ học sinh hoàn thành cấp trung học năm học 2021-2022 là 89%, năm học 2022-2023 đạt 90%. Nhìn chung đến hết năm học 2022-2023 chỉ tiêu này đã đạt và vượt kế hoạch đề ra cho năm 2025.

Chỉ tiêu 3 là tỷ lệ nữ học viên, học sinh, sinh viên được tuyển mới thuộc hệ thống giáo dục nghề nghiệp đạt trên 30% vào năm 2025: Theo số liệu của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, năm 2023 có khoảng 500 nghìn phụ nữ nông thôn được học nghề, chiếm 45,4% tổng số lao động nông thôn được học nghề. Ở 21 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương số nữ học sinh, sinh viên được tuyển sinh vào hệ thống các trường nghề khoảng 127.370 học viên, đạt 41%. Các số liệu trên cho thấy chỉ tiêu này cũng đã vượt kế hoạch đặt ra cho năm 2025.

Chỉ tiêu 4 là từ năm 2025 trở đi, tỷ lệ nữ Thạc sĩ trong tổng số người có trình độ thạc sĩ đạt không dưới 50%, tỷ lệ nữ Tiến sĩ trong tổng số người có trình độ Tiến sĩ đạt 30%: Chỉ tiêu này được tổng hợp 5 năm 1 lần theo kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở (cả kỳ và giữa kỳ). Theo số liệu năm 2019 thì nữ thạc sĩ đã đạt 44,2%, nữ Tiến sĩ đạt 28%. Với xu thế phụ nữ tham gia các bậc cao học ngày càng nhiều thì khả năng chỉ tiêu này sẽ đạt và vượt vào năm 2025 là hoàn toàn hiện thực...

Vấn đề bình đẳng giới - nam nữ bình đẳng, bình quyền thuộc phạm trù quyền con người. Đó là một nội dung cách mạng vô cùng quan trọng nên Đảng ta đã nhìn nhận từ sớm, từ xa và đã đưa vào điểm thứ 5 trong Chính sách 10 điểm của Nghị quyết Quốc dân Đại hội Tân Trào với nội dung “Dân tộc bình quyền, nam nữ bình đẳng”. Và 80 năm qua, Đảng, Nhà nước ta liên tục lãnh đạo, chỉ đao bồi dưỡng, đào tạo, phát huy mạnh mẽ vai trò quan trọng của phụ nữ trong từng giai đoạn cách mạng. Phát huy kết quả đã đạt được, với những giải pháp mới, cụ thể, sát thực, chắc chắn chúng ta sẽ tiếp tục thực thi Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030 đạt được các mục tiêu chiến lược đã hoạch định.  

Theo TS. Bùi Ngọc Thanh - Nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội

Tin liên quan

Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO