Vitamin D rất cần thiết cho sự hấp thu canxi và phát triển hệ xương của cơ thể. Thiếu hụt vitamin D có thể gây mềm xương, gãy xương ở trẻ em hoặc nhuyễn xương ở người lớn. Nhiều nghiên cứu cho thấy người thiếu vitamin D có nguy cơ bị ung thư vú, ung thư đại tràng, ung thư tiền liệt tuyến, bệnh tim mạch,… cao hơn những người bình thường.
Một số nghiên cứu tại Việt Nam cho thấy tỉ lệ thiếu vitamin D ở nữ giới khoảng 46% và ở nam là 20%. Tại một số quốc gia châu Á khác như Malaysia, tỉ lệ thiếu vitamin D được ghi nhận khá cao, khoảng 67,4%.
Tuy nhiên, từ nhận thức về tầm quan trọng của vitamin D chưa cao, cũng như số liệu về tình trạng thiếu hụt vitamin D tại Việt Nam chưa được công bố rộng rãi nên vấn đề bổ sung vitamin D trong cộng đồng chưa được quan tâm đúng mức.
PGS TS BS. Nguyễn Thị Băng Sương – Trưởng khoa Xét nghiệm, Bệnh viện Đại học Y dược (ĐHYD) TP HCM cho biết: “Tình trạng thiếu hụt vitamin D lâu dài sẽ gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng. Vì vậy, việc thực hiện xét nghiệm huyết học để phát hiện kịp thời tình trạng thiếu hụt vitamin D có nhiều ý nghĩa to lớn trong điều trị.
Đặc biệt là đối với người bệnh thận mạn, suy chức năng gan, hội chứng chuyển hóa, lao, lymphoma; người đang dùng thuốc chống động kinh, glucocorticoid, thuốc kháng nấm, thuốc điều trị AIDS, cholestyramine; phụ nữ mang thai và cho con bú, người lớn tuổi có tiền sử ngã nhiều lần, gãy xương mà không do chấn thương, người béo phì…"
Để phát hiện thiếu vitamin D, người bệnh cần được làm xét nghiệm đánh giá nồng độ vitamin D trong máu bằng cách định lượng 25-Hydroxyvitamin D.
Có nhiều hướng dẫn khác nhau về định nghĩa giảm hay thiếu vitamin D trong máu, phổ biến là thiếu hụt vitamin D có thể dẫn đến còi xương ở trẻ em và nhuyễn xương ở người lớn với nồng độ 25-Hydroxyvitamin D <12ng/ml, nồng độ 25-Hydroxyvitamin D từ 12 ng/ml đến < 20 ng/ml được xem là chưa đủ cho xương và các cơ quan khác của cơ thể,...
Hồng NgọcBạn đang xem bài viết Việt Nam: Khoảng 46% nữ giới bị thiếu, hụt vitamin D tại chuyên mục Sống khỏe của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].