Viêm phế quản ở trẻ là gì?
Viêm phế quản là một tình trạng viêm ở ống thở lớn bên trong phổi (còn gọi là phế quản). Bệnh có thể xảy ra ở dạng cấp tính hoặc mãn tính. Viêm phế quản cấp có nghĩa là dấu hiệu thường phát triển nhanh và không kéo dài. Hầu hết các trường hợp đều nhẹ và thường ít gây biến chứng.
Nguyên nhân gây bệnh viêm phế quản cấp ở trẻ
Viêm phế quản cấp thường là do nhiễm vi rút. Nó có thể gây ra bởi các vi khuẩn hoặc một số yếu tố khác như bụi bẩn, các chất gây dị ứng, khói hoặc khói thuốc.
Nó có thể phát triển sau khi bị cảm lạnh hoặc nhiễm vi rút ở mũi, miệng hoặc họng. Bệnh này thường lây dễ dàng qua đường tiếp xúc.
Nguy cơ gây bệnh viêm phế quản cấp ở trẻ
Trẻ em sẽ có nguy cơ cao mắc bệnh viêm phế quản cấp nếu có những tiền sử bệnh như:
- Viêm xoang mãn tính
- Dị ứng
- Hen suyễn
- Cắt amiđan hoặc nấm V.A
- Hít phải khói thuốc
Dấu hiệu của viêm phế quản cấp ở trẻ là gì?
Những dấu hiệu dễ nhận biết nhất của viêm phế quản cấp ở trẻ đó là:
- Ho khan hoặc ho có đờm
- Buồn nôn
- Chảy nước mũi, đặc biệt là trước khi bắt đầu cơn ho
- Tức ngực hoặc đau ngực
- Cảm thấy khó chịu hoặc không khỏe
- Rùng mình, ớn lạnh
- Sốt nhẹ
- Đau lưng và đau cơ
- Thở khò khè
- Đau họng
Những dấu hiệu này thường kéo dài từ 7- 14 ngày. Nhưng ho có thể kéo dài từ 3- 4 tuần. Những triệu chứng đó có thể nhầm lẫn với những bệnh khác. Do vậy, bạn nên cho bé đi khám để xác định đúng nguyên nhân và tìm cách điều trị kịp thời.
Chẩn đoán bệnh viêm phế quản cấp ở trẻ như thế nào?
Các bác sĩ có thể chẩn đoán bệnh thông qua tiền sử bệnh và kiểm tra về thể chất. Trong một vài trường hợp, con bạn có thể cần kiểm tra nhiều hơn để loại trừ viêm phổi hoặc hen suyễn.
- Chụp X quang ngực: cho thấy những hình ảnh bên trong của các tế bào, xương và các cơ quan.
- Đo nhịp tim: một máy đo nhỏ giúp bác sĩ đánh giá được lượng oxy trong máu. Bằng cách này, các bác sĩ thường cho một chiếc cảm biến nhỏ (giống như chiếc kẹp) lên trên ngón tay hoặc ngón chân của trẻ.
Khi bật máy lên, chúng ta có thể thấy ánh sáng đỏ ở trên thiết bị cảm biến đó. Nó thường không gây đau và ánh sáng đỏ đó cũng không gây nóng.
- Kiểm tra đờm: xét nghiệm đờm có thể tìm ra mầm bệnh.
Điều trị viêm phế quản cấp ở trẻ
Việc điều trị sẽ phụ thuộc vào những triệu chứng của trẻ, độ tuổi và sức khỏe tổng thể. Ngoài ra, nó còn phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh như thế nào.
Đối với viêm phế quản cấp, các bác sĩ thường không dùng kháng sinh bởi nó gây ra bởi vi rút. Ngay cả khi trẻ ho lâu hơn, từ 8- 10 ngày, cha mẹ cũng không nên tự dùng kháng sinh cho trẻ.
Mục đích của việc điều trị là giảm những triệu chứng bệnh viêm phế quản. Vì vậy, các bác sĩ có thể khuyên bạn nên thực hiện một số cách như sau:
- Nghỉ ngơi nhiều để lấy lại sức
- Sử dụng thuốc acetaminophen hoặc ibuprofen để hạ sốt và giảm đau nhẹ
- Sử dụng thuốc ho cho trẻ trên 4 tuổi
- Uống nhiều nước
- Cho trẻ ở phòng mát, không quá nóng, không quá lạnh
Trước khi sử dụng bất kỳ loại thuốc nào, bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ là cách tốt nhất để không gây ra những vấn đề đáng tiếc.
- Theo Học viện nhi Khoa Hoa Kỳ, chúng ta không nên dùng những thuốc trị ho hoặc trị cảm lạnh cho trẻ dưới 4 tuổi vì nó có thể gây ra những tác dụng phụ.
- Đối với trẻ từ 4-6 tuổi, chỉ sử dụng những loại thuốc được kê đơn.
- Trong hầu hết các trường hợp, chúng ta cũng không sử dụng antihistamines (thuốc chống dị ứng) vì nó có thể làm khô mũi và có thể gây ho nhiều hơn.
- Ngoài ra, không nên sử dụng aspirin hoặc thuốc có chứa aspirin cho trẻ dưới 19 tuổi cho đến khi được các bác sĩ cho phép. Lý do là vì sử dụng aspirin có thể khiến trẻ có nguy cơ cao mắc hội chứng Reye gây tổn thương gan và não.
Biến chứng của viêm phế quản cấp ở trẻ là gì?
Hầu hết trẻ bị viêm phế quản cấp sẽ khỏe trở lại mà không gây biến chứng. Ty nhiên, nó cũng có thể biến chứng sang viêm phổi nếu không điều trị kịp thời.
Cách phòng bệnh viêm phế quản cấp ở trẻ
Bạn có thể phòng bệnh viêm phế quản cấp ở trẻ bằng cách dập tắt sự lây lan của vi rút.
- Dạy con cách che mũi, miệng khi ho, hắt hơi
- Luôn rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh, và chơi đồ chơi…
- Tiêm phòng đầy đủ, đặc biệt là mũi cúm
- Tránh ở những nơi quá đông người hoặc tiếp xúc với người bệnh
Như vậy, bệnh viêm phế quản cấp ở trẻ không đáng lo ngại vì trẻ có thể khỏi nếu được chăm sóc hợp lý. Tuy nhiên, có một số trường hợp có thể nặng nếu chăm sóc sai cách và dẫn đến viêm phổi. Do đó, cha mẹ cần chú ý những triệu chứng và sự hướng dẫn của bác sĩ.
(Theo Standforchildren)
Minh TrầnBạn đang xem bài viết Viêm phế quản cấp ở trẻ: Nguyên nhân, dấu hiệu, cách phòng và điều trị bệnh hiệu quả tại chuyên mục Sống khỏe của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].