[Nơi tôi sống] Khóm hoa dừa cạn nơi ban công lộng gió

Đó là một sự thay đổi không hề nhỏ đối với người già. Cuộc sống ở chung cư khác hẳn ở quê nhưng đó là sự cần thiết cho bố mẹ tôi và cả lũ trẻ.

Ước mơ đối với những sinh viên quê nghèo lên Hà Nội học đó là sau này sẽ kiếm được một công việc ổn định, có thu nhập tốt và tậu nhà ở thủ đô. Ở quê gọi đó là sự đổi đời thành công từ dân vùng quê thành dân đô thị, điều mà bao đứa trẻ quê khác ngưỡng mộ. Và các dòng người cứ ùn ùn về trung tâm như thế làm cho vùng quê ngày càng vắng vẻ và đô thị ngày càng thêm đông đúc.

Sẽ là sự thay đổi rất lớn về mọi mặt và yêu cầu một sự thích nghi cao. Lần đưa ra ý kiến đón bố mẹ từ quê lên ở cùng vợ chồng chúng tôi, mẹ dứt khoát không, vì ngôi nhà quê cùng mảnh vườn nho nhỏ đã gắn bó với bố mẹ cả cuộc đời, rồi thêm cả phần mộ của ông bà ai sẽ rẫy cỏ hằng ngày. Trên phố khói bụi hơn là điều khó tránh nhưng chủ yếu ở ngoài đường giao thông, còn một số “công viên xanh” mà bố mẹ chưa từng biết.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Tuổi trẻ dễ thích nghi với mọi thứ hơn cả, đó như tờ giấy trắng muốn tô vẽ gì tùy thích, còn đối với người già thì ngược lại. Nhưng chúng tôi cần bố mẹ ở gần vì ông bà sẽ chăm sóc cháu cho chúng tôi đi làm và chúng tôi sẽ chăm sóc ông bà mỗi khi đau lưng mỏi gối, trái nắng trở trời. Thuyết phục mãi cuối cùng ông bà cũng chịu chuyển lên và tạm khóa lại nhà cửa, ruộng vườn ở quê, một quyết định khó khăn với những người đã có tuổi.

Quả không sai. Cuộc sống ở khu chưng cư khác hẳn với lối sống trước kia của ông bà. Mỗi sáng, ông bà đều thức dậy từ rất sớm nhưng không phải là đi cho gà ăn hay bắt sâu trong vườn nữa mà sẽ tập thể dục dưỡng sinh cùng các cụ khác trong chung cư. Khu đất trống giữa chung cư khá rộng, ban đầu hai cụ cũng phải khó khăn lắm mới hòa nhập được vì ở quê làm gì có khái niệm tập thể dục hay điệu nhảy dưỡng sinh, thái cực gì đó, thậm chí còn bị cho là lố nếu không thấy rất đông người cùng tập.

Khu chung cư cao vút mà trước bố tôi từng gọi là tổ chim, lồng chim khi nhìn qua tivi giờ cũng dần có quan niệm khác mỗi tối lên đèn. Đó như những ánh sao đêm bừng sáng thắp lên những tổ ấm khi cả nhà cùng ăn cơm tối. Khu cây xanh trong chung cư về đêm mát như cánh đồng ở quê, dưới mỗi gốc cây là một bóng đèn như chú đom đóm khổng lồ.

Thang máy ban đầu gây khó khăn cho hai ông bà khi ở quê mới ra chưa bao giờ tiếp xúc. Cảm giác đi vào thang máy rồi cánh cửa khép lại di chuyển làm ông bà sợ, rồi lúc thang hẫng xuống làm bà cứ bíu chặt tay ông vì sợ một điều gì đó, nhưng khi cánh cửa mở ra đã là nhà và tiếng cười của các cháu bà mới cảm thấy an tâm và tự tin để đi một mình.

Hôm đó, bà mang về một khóm hoa dừa cạn, và thật bất ngờ đó là món quà của bà hàng xóm cũng mới dọn từ quê lên ở cùng con. Bà rất yêu hoa, kể cả những bông hoa dại tự mọc lên quanh nhà, bà luôn nâng niu và chăm sóc chúng. Tôi còn nhớ cửa sổ chỗ tôi hồi nhỏ, hoa dừa cạn mọc cao chìa cả vào giường, thơm ngào ngạt, chăm sóc hoa là một sở thích của bà từ thời con gái đến nay càng thêm mặn mà.

Cánh hoa dừa cạn mỏng manh, tim tím đúng như màu áo bà mặc, nhà vẫn còn một số chậu để không, bà trồng dừa cạn vào đó. Ở quê, dừa cạn mọc quanh nhà, tím biếc không cần chăm sóc, lên đây bà bảo đúng là tấc đất tấc vàng, bỏ đi là khó mà kiếm được. Bà bắt đầu thích cái cảm giác chăm sóc từng cánh hoa mỏng manh, tỉa tót từng chút một để mỗi sáng dừa cạn đón ánh nắng mặt trời ở ngoài ban công.

Chỉ trong một thời gian ngắn, hoa đã đẻ nhánh rất nhiều. Bà hàng xóm ẵm cháu sang chơi mà hai bà như tâm đắc về sản phẩm hoa của mình, tự nhiên những người già xa quê lại tìm được bầu bạn của mình thông qua những cây hoa mỏng manh.

Một khóm hoa nở vào ban sáng như liều thuốc tình thần vô giá.

Một khóm hoa nở vào ban sáng như liều thuốc tình thần vô giá.

Ông thì khác. Ông mê chơi cờ tướng. Lúc chuyển lên đây ông chỉ sợ nhất là không ai cùng chơi, mấy ông bạn già cũng tiếc vì mất bạn chơi nhưng không sao giữ chân ông lại được. Ông mang bàn cờ từ quê lên, bày một số thế cờ ở dưới sảnh, chỉ trong chốc lát đã thu hút được người cùng sở thích và chơi ván khai màn, chỉ thiếu chiếc điếu cày nữa là giống hệt ở quê, nhưng vậy thôi cũng đủ làm cho ông vơi nỗi nhớ nhà.

Cuộc sống chung cư cũng không quá khó để ông bà hòa nhập và có thêm những người bạn mới. Ông bà quen dần với các công việc nhận thư tín, đổ rác, sinh hoạt cộng đồng hay đi thang máy. Khu ban công từ khi có bà xanh tươi hẳn, mỗi hàng xóm cho một loại hoa khiến khu vườn nhỏ đủ sắc màu, tận hưởng những không gian xanh mát nho nhỏ ngay trong nhà. Chiều đến ông chơi thêm cầu lông, môn mà ông chưa từng chơi, ông thấy rằng môn thể thao đó thật thú vị, ai cũng có thể chơi chứ không phải một trò chơi thượng lưu gì mà ông chỉ được nhìn thấy trên tivi. Đứa cháu đưa mắt theo từng đường cầu ông đánh, mồm hớn hở trong sự ngây thơ vốn có.

Chỉ duy có việc ra vào cần đóng cửa là ông bà không quen lắm. Bà bảo, đi khắp làng có nhà ai đóng cổng đóng cửa bao giờ đâu. Còn ở đây đi sang nhà khác cũng cần đóng, âu sao thì cũng nên cẩn thận một chút vì đôi khi chính sự lơ là lại làm người tốt bỗng nảy ý định xấu mà trộm đồ hay làm điều gì đó không nên. Nhưng bù lại, tối ở quê đi ngủ phải khóa cửa nẻo cẩn thận, còn ở trên này thì đã có bộ phận an ninh canh gác từng giấc ngủ cho cư dân.

Trường học và bệnh viện rất có sẵn trong khu chung cư, mỗi sáng ông đưa cu cháu lớn đi học rồi ngồi ở nhà có khi vẫn nhìn thấy cháu mình trong lớp. Nhiều hôm không ai chơi, ông bắt chuyến xe buýt đi chơi phố, lang thang như một khách du lịch nước ngoài trải nghiệm phố cổ. Thi thoảng gọi về quê thăm mấy ông bạn già lại được họ trêu là người phố, lúc nhớ quá hay có giỗ chạp gì ông bà lại rủ nhau bắt xe khách về quê, đôi bữa lại lên với con với cháu.

Tuy ở cùng một nhà nhưng vẫn là những gia đình hạt nhân, gia đình của bố mẹ, gia đình của các con và cháu. Hai ông bà lần đầu tiên trong đời có phòng riêng, đêm nằm tâm sự chuyện thời trẻ với nhau, trước ở quê đêm nói to sợ con nghe thấy nên thường ngủ sớm hay cháu nhỏ có khóc thì cũng chỉ nghe hơi âm ỉ con dâu có nhờ thì bà mới sang.

Cứ đến ngày lễ, giỗ hay hội làng cả nhà lại cùng nhau về quê, cho các con tìm hiểu về cội nguồn tổ tiên và thử cảm giác thay đổi không khí. Ông bà tuy vẫn còn chút gì đó lưu luyến nhưng cũng không nằng nặc đòi ở quê như trước nữa, bà còn bảo “nhanh nhanh để mẹ còn lên tưới hoa không mấy hôm đi nó héo, nó chết mất”.

Với mong muốn cổ vũ những giá trị sống nhân văn, tốt đẹp; tuyên truyền về văn hóa sống mới: sống xanh – sống đẹp; nhân rộng những điển hình phát triển bất động sản biết chăm lo, hướng tới các giá trị sống đích thực cho cư dân, lấy cư dân làm trung tâm; phát hiện tôn vinh những cộng đồng cư dân, những không gian sống kiểu mẫu, những tấm gương tập thể/cá nhân có nhiều đóng góp hình thành nên các khu đô thị đáng sống đồng thời mong muốn tạo lập một diễn đàn cho mọi tầng lớp cư dân chia sẻ suy nghĩ, cảm nhận, mong đợi về “Nơi tôi sống” của chính mỗi người… Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam (www.reatimes.vn) và Tạp chí điện tử Gia Đình Mới (www.giadinhmoi.vn) quyết định tổ chức Cuộc thi mang tên: Nơi Tôi Sống.

Gửi bài dự thi kèm thông tin: Tên, tuổi, địa chỉ, số điện thoại, email, Facebook cá nhân.

Email: [email protected]

Điện thoại: 0986 321 888; 024 6666 0899

Fanpage:https://www.facebook.com/NoiToiSongPage/

Để biết thêm chi tiết và thể lệ cuộc thi, mời bạn xem tại trang web chính thức cuộc thi www.noitoisong.net.vn

Nguyễn Văn Công

Tin liên quan

từ khóa Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO Bất động sản- Tài chính