Vì sao trẻ dễ bị ốm trong mùa đông?
Giải đáp những thắc mắc của cha mẹ, bác sĩ chuyên khoa nhi Phí Xuân Thi, BV Sản Nhi Quảng Ninh chia sẻ, có một lầm tưởng rằng, khi thời tiết lạnh có thể khiến trẻ bị ốm, nhưng điều đó không đúng.
Bản thân bị lạnh không gây bệnh, nhưng khi ngoài trời lạnh hơn, trẻ em có xu hướng ở trong nhà nhiều hơn, dễ lây nhiễm các vi khuẩn, virus.
Chơi cùng nhau trong nhà có nghĩa là trẻ ở gần nhau hơn, cũng nhau hít thở một bầu không khí trong một không gian có thể dễ lây và mắc các bệnh lý nhiễm trùng.
Một số virus phát triển nhanh và mạnh, thậm chí có thể lây lan tốt hơn khi không khí mát và ít ẩm hơn. Chất nhầy ở mũi có thể khô hơn, dính hơn trong những ngày mùa đông, điều này có thể ảnh hưởng đến sự lây lan của virus.
Ngoài ra, các thói quen ăn uống, ngủ nghỉ thường xuyên bị thay đổi, gián đoạn trong khi du lịch vào mùa đông, có thể dẫn đến hệ thống miễn dịch dễ bị tổn thương hơn và kém hiệu quả trong việc chống lại nhiễm trùng.
Các bệnh thường gặp trong mùa đông ở trẻ
1. Nhiễm virus hô hấp hợp bào (RSV)
Virus RSV là một căn nguyên gây virus gây nhiễm trùng đường hô hấp phổ biến, nhất là ở trẻ dưới 2 tuổi, có thể gây ra viêm phổi, viêm tiểu phế quản. Nó có thể gây ra các triệu chứng nặng và nguy hiểm ở trẻ sơ sinh.
Các triệu chứng liên quan tới nhiễm RSV như: Ho, sổ mũi, sốt, tắc nghẽn đường hô hấp trên như ngạt mũi, thở khò khè, thở nhanh, ở trẻ sơ sinh có thể gây ngừng thở…
Các triệu chứng của RSV thường bắt đầu sau 1-2 ngày đầu tiên và nặng lên vào khoảng ngày 3 đến ngày 7. RSV có thể kéo dài tới 2 tuần, và một số trẻ có các triệu chứng có thể lên tới 3 tuần.
Để làm giảm được các triệu chứng, cha mẹ nên thường xuyên nhỏ nước muối sinh lý vào mũi để làm ẩm, thông thoáng mũi, tránh tình trạng tắc mũi, giúp trẻ dễ thở hơn.
2. Cúm
Là một virus gây nhiễm trùng đường hô hấp rất dễ lây lan. Sự khởi phát của bệnh thường đột ngột và có các triệu chứng đi kèm như: Sốt cao, ho, chảy mũi, ngạt mũi, đau nhức cơ, mệt mỏi, viêm kết mạc mắt nhẹ (đỏ mắt, ngứa), có thể kèm theo nôn ói/ tiêu chảy…
Nếu các triệu chứng của cúm được phát hiện sớm, một số loại thuốc kháng virus như Tamiflu có thể hữu ích. Thuốc hoạt động tốt nhất khi được sử dụng trong 48 giờ đầu của các triệu chứng. Cách phòng ngừa và giảm các biến chứng của cúm tốt nhất là tiêm phòng cúm.
3. Cảm lạnh thông thường
Là một bệnh do virus gây ra, các triệu chứng thường nhẹ. Trẻ có thể bị sốt nhẹ ngay từ khi mắc bệnh. Mặc dù cảm lạnh có vẻ xảy ra thường xuyên hơn vào những tháng mùa đông, nhưng chúng có thể xảy ra quanh năm. Có nhiều loại virus gây ra cảm lạnh, có thể kéo dài 5-14 ngày.
Các triệu chứng của cảm lạnh thường gặp gồm: Chảy mũi, tắc mũi, ho, đau họng, sốt…
Khi trẻ bị cảm lạnh, cha mẹ cần cho trẻ nghỉ ngơi, có được sự thoải mái và điều trị hỗ trợ các triệu chứng là quan trọng. Luôn giúp cho trẻ được duy trì đủ nước. Thuốc ho và cảm lạnh thường không được khuyến cáo cho trẻ dưới 6 tuổi.
4. Viêm họng do vi khuẩn
Là một bệnh lý nhiễm trùng do vi khuẩn gây ra, dễ lây lan, hay gặp vào mùa thu, mùa đông và đầu mùa xuân, đặc biệt ở trẻ nhóm từ 5 đến 15 tuổi.
Khi bị viêm họng trẻ thường có các triệu chứng như: Đau họng, khó nuốt, sốt, đau bụng, đau đầu, đôi khi có thể phát ban đỏ ở trẻ viêm họng do liên cầu khuẩn.
Viêm họng do vi khuẩn có thể điều trị dễ dàng và nhanh chóng bằng thuốc kháng sinh. Có những biến chứng tiềm ẩn của Strep throat như áp xe vùng hầu- họng, hay sốt thấp khớp.
5. Viêm dạ dày- ruột
Viêm dạ dày ruột do virus là một bệnh nhiễm trùng đường ruột hay gặp. Nó thường không liên quan tới cảm lạnh hoặc cúm. Nguyên nhân quan trọng nhất, hay gặp là norovirus.
Bệnh thường rất dễ lây và có thể có những triệu chứng nặng trong thời gian bị bệnh. Điển hình, nôn có thể 1-2 ngày, nhưng triệu chứng liên quan tới đường tiêu hóa có thể lên tới 1 tuần.
Các triệu chứng của viêm dạ dày ruột do virus bao gồm: Nôn, tiêu chảy nhiều nước, đau bụng, sốt nhẹ, đau đầu, mệt mỏi
Những virus này phát triển rất nhanh, trong 12-48 giờ. Vì vậy cha mẹ nên đảm bảo rửa tay cho trẻ sạch sẽ và thường xuyên.
Để giúp trẻ vượt qua các triệu chứng của bệnh, cha mẹ nên hỗ trợ bằng cách cung cấp đầy đủ nước và các loại thức ăn dễ tiêu. Trong những trường hợp nặng, thuốc chống tiêu chảy và chống nôn có thể phải sử dụng và việc sử dụng thuốc cần có sự chỉ định, hướng dẫn của bác sĩ.
Làm thế nào để dự phòng các bệnh hay gặp ở trẻ vào mùa đông?
Để giúp trẻ phòng bệnh, cha mẹ nên chú ý những điều sau cho con:
- Rửa tay thường xuyên với xà phòng và nước, đặc biệt là sau khi đi vệ sinh và trước các bữa ăn
- Tiêm phòng cúm
- Ăn các loại thực phẩm lành mạnh và uống nhiều nước
- Nghỉ ngời nhiều
- Ở nhà nếu cảm thấy không khỏe để ngăn ngừa virus lây lan.
An AnBạn đang xem bài viết Vì sao trẻ dễ bị ốm vào mùa đông và những bệnh nào trẻ dễ mắc? tại chuyên mục Tư vấn chuyên gia của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].