Tết xưa và Tết nay
Khi so sánh Tết xưa và Tết nay nhiều người tỏ ra tiếc nuối cho những truyền thống đậm chất Việt Nam bị mai một. Tết xưa mang hương vị ấm áp, đầy đủ, trẻ nhỏ háo hức vì được mặc quần áo đẹp, được ăn những món ngon thường ngày không có…
Còn Tết nay dường như lũ trẻ mất hẳn niềm vui hóng Tết bởi đã được ăn ngon, mặc đẹp quanh năm, nếu có cũng chỉ là mong Tết để được nghỉ học đi chơi cùng người thân, bạn bè.
Lý giải về sự khác biệt giữa Tết xưa và Tết nay, TS. Đinh Đức Tiến (Bộ môn Văn hóa học và Lịch sử văn hóa Việt Nam, Khoa Lịch sử, Trường ĐH KHXH&NV) cho rằng, các hoạt động văn hóa của con người không bao giờ tĩnh tại mà nó luôn vận động và biến đổi.
Sự vận động, biến đổi này là quy luật tất yếu và chính sự biến đổi này mà Tết xưa và Tết nay có sự khác biệt rõ rệt.
Có nhiều nguyên nhân dẫn tới sự khác biệt giữa Tết xưa và Tết nay, trong đó nguyên nhân cơ bản phải kể đến là sự thay đổi về đời sống kinh tế của người Việt; Giao lưu hội nhập văn hóa cũng có nhiều thay đổi; Đồng thời, nhận thức của con người hiện nay cũng khác so với ngày xưa rất nhiều hay có thể nói là khác ở hệ tư tưởng.
Tại sao ngày xưa người ta coi trọng Tết và gọi là ăn Tết? Điều này có thể giải thích là do ngày xưa người Việt chúng ta còn khổ, nhiều người còn bị đói, với hơn 90% người dân sinh sống ở nông thôn, làng xã, kinh tế khó khăn nên họ không có điều kiện để ăn uống no đủ hàng ngày.
Do đó, với người dân nghèo họ chỉ mong đến Tết để có bữa ăn no nê hơn, ngon hơn và được nghỉ ngơi, không phải đi làm.
Nhưng đến thời điểm hiện nay, kinh tế phát triển, mặt bằng chung của xã hội được nâng lên một mức mới. Người dân không phải quá đau đáu về chuyện miếng cơm manh áo hàng ngày nữa.
Việc ăn uống hàng ngày quá đầy đủ, không còn thiếu thốn như trước, có những thứ trước kia chỉ đến Tết mới có, mới được ăn thì bây giờ có thể ăn hàng ngày. Chính vì vậy mà Tết bây giờ người ta không gọi là ăn Tết như trước nữa mà người ta gọi là chơi Tết.
Bên cạnh sự khác nhau giữa Tết xưa và Tết nay còn có sự khác nhau trên bình diện Tết ở nông thôn và Tết ở thành thị, khác nhau giữa Tết các vùng miền của đất nước.
Nhưng tất cả sự khác biệt đó đều là những biến đổi phù hợp với quy luật của xã hội. Bởi, trước đây là đói cả năm no 3 ngày Tết, còn nay thì no đủ cả năm.
Vậy nên, Tết bây giờ cũng là dịp để người ta vui chơi, nghỉ ngơi thay vì ăn uống. Đó chính là sự thay đổi mạnh mẽ theo hướng tích cực.
Với nhiều người Tết thật đáng sợ!
Mặc dù nói Tết bây giờ là dịp để người ta vui chơi, nghỉ ngơi, phục hồi sức khỏe, giảm căng thẳng… nhưng thực tế vẫn có rất nhiều người sợ Tết. Bởi, với họ, chuẩn bị Tết mất quá nhiều công sức dẫn đến mệt mỏi và không vui vẻ.
Chia sẻ quan điểm của mình về vấn đề này TS. Đinh Đức Tiến cho hay: “Quan niệm Tết là để sum vầy, là dịp để vui chơi, nghỉ ngơi có từ lâu và nét đẹp văn hóa đó vẫn được duy trì đến ngay nay.
Tuy nhiên, thực tế nhiều người lại cảm thấy mệt mỏi vì quá tất bật chuẩn bị tết và dẫn đến sợ Tết. Tôi cũng gặp nhiều người bạn của mình phàn nàn về chuyện sợ mấy ngày Tết, có người còn bị khủng hoảng.
Nhất là những người phụ nữ, nhiều người chia sẻ ngày Tết ở với bố mẹ chồng họ phải làm cơm triền miên từ tất niên 30 Tết đến hết ngày mùng 3 Tết.
Sáng nào họ cũng phải dậy sớm để làm cơm cúng ông bà, tổ tiên, ăn xong lại dọn dẹp, rồi lại chuẩn bị bữa tiếp theo. Vòng luẩn quẩn như vậy làm những cô dâu, nhất là những cô mới về nhà chồng thấy sợ hãi và khủng hoảng tinh thần.
Dịp lễ tết chúng ta hướng về ông bà, tổ tiên, cội nguồn thì đó là những giá trị văn hóa tốt đẹp. Nhưng nếu quá nặng nề về lễ nghi, yêu cầu quá khắt khe, chỉn chu quá mức cũng khiến người tuân thủ quy tắc thêm phần mệt mỏi.
Tuy nhiên, những lễ nghi này còn tùy thuộc hoàn cảnh của từng gia đình. Bởi có gia đình vẫn giữ theo nếp truyền thống, làm cơm cúng đủ mấy ngày Tết, nhưng cũng có gia đình, trong đó có gia đình tôi sau rất nhiều năm mệt mỏi, bản thân những người cao tuổi trong nhà cũng thấy mệt mỏi và rồi tự cắt giảm những lễ nghi không cần thiết.
Đó cũng là một sự thay đổi, phần lễ được lược bớt đi nhờ những người cao tuổi trong gia đình có suy nghĩ cấp tiến hơn”.
Sự thay đổi này theo TS. Đinh Đức Tiến cũng làm giảm đi sự lãng phí. Vì thực tế nhiều gia đình nấu nướng, bày biện nhiều món nhưng không ăn đến và để hỏng.
Truyền thống văn hóa của mỗi gia đình, dòng họ, dân tộc vẫn cần tôn trọng, nhưng cần một lối suy nghĩ mở hơn, cấp tiến hơn, để ngày Tết đối với mọi người là niềm vui, không cảm thấy áp lực, sợ hãi.
Vậy làm thế nào để có một cái Tết chu đáo, vui vẻ, không mất quá nhiều thời gian và không cảm thấy quá mệt mỏi? TS. Đinh Đức Tiến cho rằng, giải pháp cho vấn đề này rất khó, bởi hoàn cảnh, điều kiện của từng người, từng gia đình là khác nhau, do đó, khó có thể đưa ra giải pháp chung.
Tuy nhiên, “theo tôi, cách hiệu quả nhất vẫn là thông qua truyền thông đại chúng tuyên truyền đến người dân, đặc biệt là những thế hệ người cao tuổi trong xã hội để họ xem, nghe, đọc và dần dần thay đổi quan điểm, để cái Tết truyền thống dần bớt đi một chút sự nặng nề.
Bên cạnh đó, bản thân mỗi người, mỗi gia đình nên điều chỉnh lại để phù hợp hơn với lối sống hiện đại trên cơ sở vẫn giữ gìn những giá trị văn hóa tích cực, những tinh hoa của truyền thống dân tộc.
Với những người trẻ tuổi, nhất là những nàng dâu trong gia đình, cần học cách cảm thông và chia sẻ với hoàn cảnh, điều kiện của nhà chồng. Bởi nếu gia đình nhà chồng là trưởng thì sẽ không tránh được chuyện họ hàng từ xa về chúc tết, lễ tết.
Và cả năm họ hàng mới đến thăm được một lần thì việc làm cơm tiếp đãi họ hàng cũng là việc nên làm.
Do đó, thay vì chỉ đòi hỏi người lớn tuổi có suy nghĩ cấp tiến thì người trẻ tuổi cũng cần học cách thích nghi với những giá trị truyền thống để tiếp thu được những cái hay, cái đẹp của văn hóa dân tộc.
Nếu chúng ta coi đó là việc nhẹ nhàng, là nét đẹp văn hóa cần gìn giữ thì mọi chuyện sẽ nhẹ nhàng hơn rất nhiều và sẽ không thấy áp lực” - TS. Đinh Đức Tiến cho hay.
Linh NhiBạn đang xem bài viết Vì sao người dân ngày càng sợ Tết? tại chuyên mục Tin tức của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].