Vay tiền ngân hàng để mua nhà ở Hà Nội cần lưu ý những gì?

Lựa chọn được ngân hàng tốt để vay vốn sẽ là một yếu tố quan trọng giúp cho việc mua nhà Hà Nội của các gia đình suôn sẻ hơn.

Một trong những việc quan trọng khi quyết định mua nhà Hà Nội là việc lựa chọn ngân hàng để vay tiền và cách vay sao cho thuận lợi nhất. Đặc biệt là những người mua nhà lần đầu thì có rất nhiều băn khoăn, thắc mắc.

Chia sẻ với phóng viên Gia Đình Mới, bà Vũ Thu Hằng – Giám đốc Khối Khách hàng Cá nhân ABBANK cho hay, khi lựa chọn Ngân hàng để vay tiền mua nhà, khách hàng cần tham khảo kỹ thông tin về lãi suất, tài sản đảm bảo, thời hạn vay, các chính sách về trả nợ trước hạn, các chương trình ưu đãi theo từng thời kỳ…

1. Tìm hiểu về điều kiện cho vay mua nhà của các ngân hàng:

Dù các ngân hàng rất muốn tìm nguồn khách hàng là những người vay tiền để mua nhà ở, nhưng để tránh rủi ro cho họ, mỗi ngân hàng đều có những yêu cầu riêng để thẩm định xem cho khách hàng của mình vay tiền thì có an toàn không?

Hiện có các khối ngân hàng thương mại nhà nước, khối ngân hàng thương mại cổ phần và khối ngân hàng nước ngoài để bạn tham khảo.

Thông thường điều kiện chính được vay tiền ngân hàng là từ thu nhập của bạn. Hãy liên hệ tới các ngân hàng để xem thu nhập hàng tháng của mình phù hợp và thỏa mãn điều kiện cho vay tiền của ngân hàng nào.

2. Đánh giá và so sánh về lãi suất:

Khi đã lựa chọn được ngân hàng mình sẽ vay (ngân hàng nhà nước, ngân hàng thương mại hay ngân hàng nước ngoài) thì bạn sẽ liệt kê một số ngân hàng trong cùng hệ thống để tìm hiểu, so sánh về lãi suất.

- Mức lãi suất đó là cố định hay chỉ là mức lãi suất ưu đãi trong một thời gian

- Cách tính lãi suất cho vay của từng ngân hàng cũng khác nhau

- Biên độ cộng lãi suất khi thả nổi

- Lãi suất cơ sở để tính lãi suất cho vay

Vay tiền ngân hàng để mua nhà ở Hà Nội cần lưu ý những gì? 0

Mỗi ngân hàng đều có một mức lãi suất vay riêng, và mỗi ngân hàng cũng đua nhau tung nhiều chiêu ưu đãi hấp dẫn để cạnh tranh, thu hút khách hàng tham gia. Đây chính là những cái "bẫy lãi suất" mà ngân hàng giăng ra, khách hàng thì đa số đều không biết đến những bẫy này.

Ví dụ, các ngân hàng thường quảng cáo có các chương trình ưu đãi lãi suất như: 6 tháng - 1 năm đầu tiên khách hàng được hưởng lãi suất thấp, chỉ từ 6-7,5%/năm.

Sau thời gian ưu đãi mới phải trả lãi suất thông thường được tính theo công thức: Lãi suất = Chi phí vốn + biên độ lãi suất cố định hoặc bao gồm: Chi phí vốn cố định + biên độ lãi suất thay đổi.

Khách hàng cần nhớ không phải cứ ngân hàng tung các chiêu ưu đãi là mình được hưởng ưu đãi đó thật. Bởi vì, theo các chuyên gia tài chính, lãi suất ban đầu thấp chỉ là chiêu trò hút khách, để bù vào phần lãi suất thấp thì ngân hàng sẽ tính mức phí phạt trả nợ trước hạn hoặc lãi suất giao động cao để bù vào.

Có 3 loại lãi suất:

Lãi suất cố định: Cách tính lãi suất vay vốn ngân hàng cho loại lãi suất này là như nhau cho từng tháng. Có nghĩa là lãi suất cho khoản vay của bạn sẽ không thay đổi trong suốt thời hạn vay. Lãi suất này không có biến động nên sẽ giảm áp lực cũng như tránh được những rủi ro do biến động về lãi suất.

Lãi suất thả nổi: Mức lãi suất áp dụng thay đổi tùy theo quy định và chính sách của các ngân hàng theo từng thời kỳ. Mức lãi suất này thông thường sẽ bao gồm: Chi phí vốn + biên độ lãi suất cố định hoặc bao gồm: chi phí vốn cố định + biên độ lãi suất thay đổi. Nếu vay trong một thời gian dài, rủi ro là điều có thể xảy ra với loại lãi suất vay thả nỗi này.

Lãi suất hỗn hợp: Với cách tính lãi suất vay vốn ngân hàng theo trường hợp này, lãi suất của bạn sẽ bao gồm lãi suất cố định được áp dụng trong một khoản thời gian đã thỏa thuận, sau đó lãi suất thả nổi sẽ được áp dụng.

Vay tiền ngân hàng để mua nhà ở Hà Nội cần lưu ý những gì? 1

Khách hàng lưu ý, mức lãi suất thấp không có nghĩa đây là gói vay an toàn và mức lãi suất cao thì cần cân nhắc các ưu đãi kèm theo.

Cũng theo bà Thu Hằng, khách hàng nên lựa chọn những Ngân hàng có chính sách cho vay mua nhà tốt với tỷ lệ cho vay cao, hoặc tham khảo các Ngân hàng đang tài trợ cho dự án nhà ở mà mình muốn mua để được hỗ trợ tốt hơn về thủ tục hồ sơ...

2. Giá trị khoản vay:

Các ngân hàng đều đang quảng cáo rầm rộ là sẽ hỗ trợ tối đa 70% giá trị căn hộ. Tuy nhiên, các ngân hàng đều kèm theo điều kiện để được vay số tiền đó.

Đa số là sẽ yêu cầu khách hàng chứng minh thu nhập hàng tháng, từ đó, phía ngân hàng sẽ tính xem bạn có thể được vay bao nhiêu tiền, chứ không phải bạn muốn vay bao nhiêu cũng được.

Do đó, hãy tham khảo vài ngân hàng, xem ngân hàng nào có thể xét duyệt số tiền mình định vay. Chưa kể, có ngân hàng tối đa cho vay tới 70% giá trị căn hộ, nhưng cũng có ngân hàng duyệt vay cho khách hàng chỉ 50% căn hộ. 

3. Thời gian vay:

Dựa vào khả năng chi trả của bạn để lựa chọn ngân hàng. Bởi có những ngân hàng cho vay thời hạn dài tới 20 năm, nhưng có ngân hàng chỉ giới hạn trong thời gian 10 - 15 năm. 

4. Điều kiện duyệt hồ sơ:

Nếu gặp những ngân hàng yêu cầu điều kiện quá cao hoặc quá rườm rà, bạn không nên lựa chọn bởi sẽ mất rất nhiều thời gian không cần thiết.

Hãy tìm các ngân hàng có nhân viên hướng dẫn cặn kẽ, kỹ lưỡng từng điều khoản trong hợp đồng vay, các điều kiện phù hợp với từng giá trị khoản vay.

Nếu thu nhập hàng tháng của bạn là chuyển khoản qua mức lương cố định thì việc xét duyệt hồ sơ không quá phức tạp nhưng nếu thu nhập của bạn chủ yếu từ nguồn thu bên ngoài, không qua giấy tờ, sổ sách thì ngân hàng nào có thể hỗ trợ tốt nhất?

5. Chi phí làm hợp đồng, phí phạt trả trước hạn...

Trong quá trình làm hợp đồng, bạn sẽ phải chịu các chi phí như phí quản lý hợp đồng tín dụng, phí công chứng, phí thẩm định tài sản thế chấp.

Nếu trả tiền vay trước hạn hợp đồng, bạn phải chịu phí phạt.

Nếu trả chậm hàng tháng, bạn cũng sẽ phải chịu phí phạt.

Hãy so sánh các chi phí này ở từng ngân hàng, lựa chọn ngân hàng có các chi phí thấp nhất.

Tốt nhất là bạn nên yêu cầu nhân viên tín dụng liệt kê các loại phí này của các ngân hàng để biết tiện so sánh, đối chiếu.

Tham khảo trước từ bạn bè, người quen để lựa chọn ngân hàng nào thẩm định hồ sơ diễn ra nhanh chóng để tránh trường hợp hồ sơ bị chậm trễ. Bởi thực tế có một số ngân hàng luôn tồn đọng hồ sơ vay vốn của khách hàng.

Vay tiền ngân hàng để mua nhà ở Hà Nội cần lưu ý những gì? 2

Chuyên gia tài chính khuyên rằng, sau khi tìm hiểu, phân tích các yếu tố trên, khách hàng nên chọn:

- Ngân hàng có lãi suất thấp nhất

- Phù hợp với ngân hàng xét duyệt của ngân hàng

- Phù hợp với nhu cầu riêng của bạn.

Với mong muốn giúp những người đang và sẽ có nhu cầu mua nhà Hà Nội có cái nhìn thực tế hơn cũng như có thêm động lực thực hiện ước mơ của mình, Tạp chí điện tử Gia Đình Mới phát động cuộc thi “Hành trình mua nhà Hà Nội của tôi”.

Trong đó nội dung tập trung:

• Chia sẻ bước ngoặt nào khiến bạn đi đến quyết định mua nhà? Những khó khăn phải đối mặt khi mua nhà, cách giải quyết các vấn đề đó như thế nào?

• Kinh nghiệm tính toán chi tiêu, kế hoạch trả nợ sau khi đã vay tiền mua nhà Hà Nội?

• Làm thế nào tìm được một dự án nhà đầy đủ tính pháp lý, đúng tiến độ, chọn ngân hàng nào để có lãi suất tốt khi mua nhà?

• Cảm xúc về ngôi nhà đó ra sao? Kỷ niệm vui, buồn sâu sắc nhất trải nghiệm trong quá trình mua ngôi nhà của mình

Ngoài được hưởng nhuận bút trị giá 500.000 đồng/bài, các tác giả còn có cơ hội nhận giải thưởng tuần, quý, chung cuộc lên hàng chục triệu cùng các chuyến nghỉ mát ở resort 5 sao và tặng phẩm.

Chi tiết TẠI ĐÂY

Cuộc thi được tài trợ, đồng hành bởi các thương hiệu:

Vay tiền ngân hàng để mua nhà ở Hà Nội cần lưu ý những gì? 3
Việt An

Tin liên quan

từ khóa Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO Bất động sản- Tài chính