Theo thống kê mới nhất của Bộ Y tế, tính đến những ngày cuối của năm 2017, cả nước ghi nhận 181.054 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 30 trường hợp tử vong.
Trong đó số trường hợp nhập viện là 152.659 trường hợp. Tăng cao so với năm 2016.
Mười tỉnh có số ca mắc cao nhất cả nước là Hà Nội, Nam Định, Thanh Hóa, Đà Nẵng, Quảng Nam, TP HCM, Đồng Nai, Bình Dương, An Giang, Đồng Tháp.
Đặc biệt, Hà Nội có 7 trường hợp tử vong, các tỉnh, thành còn lại có 2-3 trường hợp tử vong.
Tuy vậy, qua phân tích 30 trường hợp tử vong cho thấy sốt xuất huyết ở trẻ em, trẻ sơ sinh, người lớn, những bệnh nhân béo phì, bệnh nhân sốt xuất huyết trên nhiều bệnh nền khác nhau…
Theo chia sẻ của BSCK II Nguyễn Hồng Hà, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, qua 40 năm làm công tác liên quan đến các bệnh dịch, thì năm 2017 vụ dịch sốt xuất huyết ở Hà Nội chưa từng xảy ra, với tỷ lệ người mắc thực tế rất lớn.
Chỉ riêng tại bệnh viện đã khám và điều trị cho 29.000 lượt bệnh nhân, tiếp nhân điều trị nội trú 5.200 bệnh nhân, 199 bệnh nhân sốc nặng, tử vong tại bệnh viện 5 ca.
Theo khuyến cáo của BS. Hà, cần theo dõi sát diễn biến các ca sốt xuất huyết có dấu hiệu cảnh báo, tuân thủ hướng dẫn của Bộ Y tế, phát hiện chuyển tuyến chuyên khoa sớm các ca sốt xuất huyết nặng.
Bên cạnh đó, các cơ sở khám, chữa bệnh phải tập huấn rộng rãi các đối tượng trong bệnh viện và tăng cường trao đổi ca bệnh và cách xử trí bệnh nhân sốt xuất huyết nặng.
Còn theo TS. Nguyễn Văn Thường, Phó Giám đốc Bệnh viện Xanh Pôn, Hà Nội năm 2017, bệnh viện đã điều trị 6.000 ca sốt xuất huyết, trẻ em 800 ca.
Đặc biệt, trong đó lần đầu tiên bệnh viện có 8 trẻ sốt xuất huyết sơ sinh từ 4 - 7 ngày tuổi. Theo TS Nguyễn Văn Thường sốt xuất huyết ở trẻ sơ sinh có biểu hiện lâm sàng hết sức đa dạng, từ nhẹ không có triệu chứng tới Dengue nặng có sốc.
Bên cạnh đó, cơ chế lây truyền từ mẹ sáng con chưa rõ ràng; giảm tiểu cầu dai dẳng mặc dù được truyền tiểu cầu/có bằng chứng tràn dịch là các yếu tố tiên lượng bệnh nặng.
Do đó, trẻ sơ sinh nhiễm sốt xuất huyết cần được giữ theo dõi ít nhất 2 tuần từ khi được chẩn đoán/có biểu hiện đầu tiên của bệnh
Theo TS Đỗ Duy Cường, Trưởng khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Bạch Mai, đây không phải là bệnh dịch lạ mới nổi. Tuy nhiên, trước tình trạng số ca mắc bất thường như năm 2017 thì phải có sự chuẩn bị tốt cho các mùa dịch sau.
Vấn đề quan trọng hàng đầu là phát hiện sớm; phân loại bệnh nhân ngay từ đầu, khi xử trí sốc cần phải có sự phối hợp của các chuyên khoa cùng hỗ trợ.
Bên cạnh đó, cần xây dựng mạng lưới sốt xuất huyết, phát huy vai trò điều trị sốt xuất huyết dựa vào cộng đồng tại các bệnh viện tuyến cơ sở và bệnh viện tư nhân.
Ngọc NgaBạn đang xem bài viết Mùa sốt xuất huyết 2017: Hơn 180.000 ca mắc, 30 người tử vong tại chuyên mục Muôn màu của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].