Một bệnh nhi 12 tháng tuổi, nặng 11kg, được người nhà đưa vào khoa Nhi, BV Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí trong tình trạng lơ mơ, quấy khóc, sốt cao, nôn nhiều. Theo gia đình chia sẻ, trẻ sốt cao 39 độ C khoảng 3 ngày trước vào viện. Gia đình đã cho trẻ uống thuốc Hapacol (paracetamol) liều dùng 400mg/lần. Trong 3 ngày trẻ uống với số liều vượt quá liều cho phép. Sau khi được các bác sĩ thăm khám và làm các xét nghiệm kiểm tra cho thấy trẻ có tình trạng viêm gan cấp với chỉ số men gan tăng rất cao, kèm theo rối loạn đông máu. Ngay lập tức được cấp cứu và điều trị giải độc. Hiện sức khỏe trẻ ổn định và đã được xuất viện.
Theo các bác sĩ, paracetamol là loại thuốc hạ sốt được dùng phổ biến hiện nay. Tuy nhiên, nếu dùng quá liều lượng và không đúng chỉ định thì nguy cơ ngộ độc cho người bệnh rất cao. Ở trẻ em, khi sử dụng paracetamol để hạ sốt cho trẻ, cha mẹ cần lưu ý:
- Tuyệt đối không tự ý dùng thuốc hạ sốt cho trẻ nhỏ dưới 3 tháng tuổi khi chưa có ý kiến của bác sĩ.
- Loại thuốc hạ sốt sử dụng cần phù hợp theo nhóm tuổi của trẻ và “khả năng uống thuốc của trẻ”, đây là cách giúp trẻ có thể nhận đủ lượng thuốc hạ sốt cần thiết trong quá trình hạ sốt cho trẻ.
- Liều lượng thuốc hạ sốt cơ bản cần dựa trên cân nặng thực tế của trẻ để đảm bảo tính an toàn và hiệu quả hạ sốt nhanh cho trẻ. Theo đó, trẻ uống đúng liều theo chỉ định là 10mg - 15mg/kg/lần khi sốt trên 38,5 độ C.
- Cha mẹ cần tuân thủ khoảng cách an toàn giữa 2 lần sử dụng thuốc hạ sốt cho trẻ để phòng ngừa tình trạng quá liều lâu dần có thể dẫn đến ngộ độc cấp tính rất nguy hiểm đến tính mạng của trẻ, chỉ lặp lại liều tiếp theo sau 4 giờ nếu trẻ còn sốt, thường dùng 3 - 4 lần/ngày, tổng liều tối đa không quá 60mg/kg/24 giờ.
- Thuốc hạ sốt dùng cho trẻ phải còn hạn sử dụng rõ ràng.
Thời tiết miền Bắc đang rất lạnh khiến trẻ dễ bị ốm, sốt. Các bác sĩ khuyến cáo cha mẹ, khi trẻ có biểu hiện sốt, cha mẹ cần tiến hành hạ sốt cho trẻ bằng cách: Lau cơ thể trẻ bằng khăn ấm; Cho trẻ mặc quần áo thoáng mát, rộng rãi, cho trẻ uống nhiều nước; Ăn đầy đủ các chất dinh dưỡng và sử dụng thuốc hạ sốt... Tuy nhiên việc sử dụng thuốc hạ sốt cho trẻ cần tuân thủ hướng dẫn sử dụng tránh lạm dụng và sử dụng quá liều có thể gây hại cho gan của trẻ. Nếu trẻ không hạ sốt cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được các bác sĩ thăm khám, tìm nguyên nhân sốt.
Các dạng thuốc hạ sốt hiện có trên thị trường
- Paracetamol (còn gọi là acetaminophen): đây là loại thuốc hạ sốt được dùng phổ biến hiện nay. Khoảng cách giữa 2 liều dùng thông thường là mỗi 4 giờ, tuy nhiên trường hợp trẻ bị suy thận, khoảng cách giữa các lần dùng thuốc tối thiểu phải là 8 giờ.
- Ibuprofen: tác dụng hạ sốt mạnh hơn paracetamol, tuy nhiên việc dùng Ibuprofen phải có chỉ định và sự theo dõi chặt chẽ của bác sĩ vì thuốc hạ sốt dạng này có rất nhiều tác dụng phụ. Liều dùng 20 - 30mg/kg/ngày hoặc 7 - 10mg/kg mỗi 6 - 8 giờ đường uống. Những trường hợp sau này tuyệt đối không được sử dụng Ibuprofen để hạ sốt:
- Không sử dụng cho trẻ dưới 6 tháng tuổi.
- Không được dùng khi trẻ bị loét dạ dày, xuất huyết tiêu hóa, sốt xuất huyết.
- Trẻ bị dị ứng với Ibuprofen, với Aspirin và với các thuốc chống viêm không steroid khác.
- Trẻ bị hen/suyễn hay bị co thắt phế quản, rối loạn chảy máu, bệnh tim mạch, suy gan hoặc suy thận.
- Aspirin: được khuyến cáo không sử dụng cho trẻ em vì những tác dụng bất lợi cho sức khỏe, nhất là những trường hợp trẻ đang bị nhiễm virus như: bị nhiễm cúm hoặc đang mắc thủy đậu sẽ làm gia tăng nguy cơ mắc hội chứng Reye - một biến chứng rất nguy hiểm đối với trẻ, có thể dẫn đến tử vong.
An AnBạn đang xem bài viết Uống thuốc hạ sốt quá liều, bé 12 tháng tuổi bị viêm gan, rối loạn đông máu tại chuyên mục Tin y tế của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].