Trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước
Đến Ninh Thuận những ngày này, dọc các cung đường ven biển, đi đâu cũng thấy các cánh quạt gió khổng lồ quay mải miết ngày đêm.
Sức hút của Ninh Thuận không chỉ đến từ những cung đường ven biển đẹp như mơ, cánh rừng già trầm mặc, những rặng san hô nhiều ngàn năm tuổi, đồng cừu, đồi cát, những công trình kiến trúc Chăm huyền bí… mà còn đến từ những cánh đồng điện gió đặc trưng.Điện gió đã trở thành đặc sản, địa điểm check in độc đáo của vùng đất nhiều gió này.
Theo nghiên cứu của Ngân hàng thế giới (WB), Ninh Thuận là tỉnh có tốc độ gió lớn nhất cả nước, trung bình 7,5 m/s, ở độ cao 65 m và mật độ gió từ 400 - 500 W/m2 trở lên, cao nhất trong khu vực phía Nam; tốc độ gió mạnh nhất trong năm từ 18 đến 20 m/s (ở độ cao 12 m). Đặc biệt là Ninh Thuận ít có bão và lượng gió thổi đều trong suốt 10 tháng với tốc độ từ 6,4 - 9,6 m/s, đảm bảo ổn định cho Turbin gió phát điện. Hiện Ninh Thuận có 5 khu vực được quy hoạch và dọc chiều dài 105 km để sản xuất điện gió, với tổng công suất gần 2.500 MW. Khu vực biển Ninh Thuận có tiềm năng rất lớn về phát triển điện gió ngoài khơi, với tổng công suất ước tính trên 5.000 MW.
Nắng ở Ninh Thuận cũng không chỉ làm hài lòng những vị khách du lịch từ xứ lạnh Âu Mỹ, muốn đến đây phơi nắng cho sạm đen rồi về. Nắng Ninh Thuận còn làm hài lòng các nhà đầu tư điện mặt trời.
Ninh Thuận có độ cao mặt trời lớn, thời gian chiếu sáng dài và đồng đều nên có điều kiện tiếp nhận hàng năm một lượng bức xạ mặt trời rất lớn: trên 230 kcal/cm2, trong đó tháng ít nhất cũng 14 kcal/cm2. Số giờ nắng trung bình cả năm trong khoảng 2.600 - 2.800 h, phân bố tương đối đồng đều cả năm.
Hơn 90% số ngày trong năm có thể sử dụng được năng lượng mặt trời, mỗi năm có 9 tháng nắng (tương đương 200 ngày nắng mỗi năm). Vì vậy, Ninh Thuận được đánh giá là Tỉnh có tiềm năng năng lượng mặt trời lớn nhất trong nước.
Bởi vậy tính đến 6/2020, đã có 13 dự án điện gió và 34 dự án điện mặt trời với tổng số vốn đầu tư khoảng 88.782 tỷ đồng, Ninh Thuận đã và đang trở thành trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước. Trong tương lai gần, tổng công suất phát điện của Ninh thuận lên tới 18 nghìn MW, chiếm gần 1/3 tổng công suất phát điện hiện nay của Việt Nam.
Điểm đến mới của Châu Á trong tương lai gần
Không chỉ là vùng đất nổi tiếng phát triển tái tạo năng lượng, Ninh Thuận còn làm “phải lòng” hàng triệu du khách bởi đây là thiên đường du lịch mới được “đánh thức”. Chỉ trong 5 năm vừa qua, vùng đất sa thảo Ninh Thuận này đã thu hút gần 10 triệu lượt khách, thu nhập xã hội từ hoạt động du lịch tăng 18,9%/năm, tạo bước đột phá cho cả giai đoạn 2015-2020.
Nhiều nhà đầu tư, phát triển du lịch cũng nhìn thấy cơ hội từ vùng đất mới dồi dào tiềm năng này. Cùng với Vinpearl, FLC, T&T, CMX (Canada), Adani (Ấn Độ), Blue Circle và Sinergy (Singapore), Tập đoàn Crystal Bay đã tiên phong đến Ninh Thuận với nhiều dự án lớn.
Khác với các địa phương khác, Ninh Thuận tập trung vào các dự án lớn để đi đúng theo định hướng du lịch trải nghiệm mà các nhà tư vấn nước ngoài đã đưa ra, để rồi tới đây trong quá trình phát triển và hoàn thiện hệ thống cung ứng hạ tầng du lịch, Ninh Thuận không chỉ có phòng ngủ, khách sạn như tại nhiều địa danh du lịch khác.
Khách đến Ninh Thuận là để trải nghiệm văn hóa bản địa, trải nghiệm du lịch cao cấp với ván diều, du thuyền, trecking rừng già, mua sắm, trải nghiệm những đêm vũ hội bất tận trên sa mạc...để chuyến đi của họ thực sự chứa chan kỷ niệm.
Nhiều dự án xây dựng hạ tầng du lịch đã được khởi tạo, trong đó nổi bật nhất là SunBay Park Hotels and Resort Phan Rang do Tập đoàn Crystal Bay và các đối tác làm chủ đầu tư tại công viên biển Bình Sơn, TP Phan Rang - Tháp Chàm.
Với quy mô lớn mang tầm châu lục cùng hệ thống tiện ích khá đầy đủ phục vụ du khách, liền kể công viên biển Bình Sơn cùng hệ thống các quảng trường ngoài trời sức chứa hàng chục ngàn người, SunBay Park Hotels and Resort Phan Rang, 3.300 phòng, đang được khẩn trương xây dựng để trở thành một điểm đến ấn tượng, góp phần đưa Ninh Thuận vươn mình trong tương lai gần thành Trung tâm du lịch mới của Châu Á.
Sau SunBay Park Hotel & Resort Phan Rang, Crystal Bay tiếp tục phát triển Sailing Bay Ninh Chữ, dự án “all - in - one” (tất cả trong một) tại Ninh Chữ (TP. Phan Rang - Tháp Chàm, Ninh Thuận).
Lần đầu tiên tại Việt Nam có tổ hợp giải trí thể thao tuyết Ski Ninh Chữ Bay lớn thứ 3 thế giới với diện tích lên tới 8.000 m2. Vẫn theo đuổi con đường kiến tạo nên những trải nghiệm khó quên cho du khách trong mỗi chuyến đi, Sailing Bay Ninh Chữ sẽ có các tiện ích ngập tràn mà du khách sẽ chơi ở đó không biết chán.
Sự xuất hiện của những tổ hợp giải trí nghỉ dưỡng biển quy mô và đẳng cấp quốc tế là minh chứng cho chính sách thu hút đầu tư đúng đắn của Ninh Thuận, đồng thời cũng tạo động lực phát triển bền vững cho du lịch Ninh Thuận.
Đây là một trong những yếu tố then chốt giúp Ninh Thuận bứt phá trở thành một trong 7 vùng trọng điểm du lịch quốc gia thuộc tam giác du lịch Nha Trang - Đà Lạt - Phan Rang, một điểm đến mới của châu Á với mục tiêu đón 6 triệu khách vào năm 2030.
Tương lai sán lạn cho Ninh Thuận nhờ hướng đi đầy chiến lược
Năng lượng tái tạo, du lịch và nông nghiệp công nghệ cao là ba trụ cột phát triển kinh tế được chính quyền tỉnh Ninh Thuận xác định rất rõ ràng. Đi cùng với chiến lược này, hàng loạt các chính sách thu hút đầu tư đã được ban hành.
Tỉnh Ninh Thuận áp dụng chính sách đầu tư vào tỉnh theo hướng đảm bảo quyền lợi tốt nhất, thủ tục hành chính thuận tiện nhất, đơn giản nhất cho các nhà đầu tư.
Theo đó, áp dụng mức ưu đãi cao nhất trong khung của Nhà nước đối với thuê đất, cấp đất và thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định của Luật Đất đai, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp và Luật Thuế Xuất nhập khẩu (trừ các dự án đầu tư khai thác khoáng sản; sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt theo quy định của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, trừ sản xuất ô tô).
Với quyết tâm cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, tỉnh Ninh Thuận đã thành lập Văn phòng Phát triển Kinh tế (Economic Development Office - EDO) theo hình mẫu văn phòng phát triển kinh tế của Singapore với cơ chế “một cửa liên thông” để hỗ trợ kịp thời các nhà đầu tư từ việc khảo sát thực tế đến khâu làm thủ tục cuối cùng.
Ông Lưu Xuân Vĩnh - Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết:
-"Tỉnh chủ trương dành các ưu đãi cao nhất trong khung quy định của Chính phủ và vận dụng tối đa các hỗ trợ cao nhất cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án trên địa bàn tỉnh".
Ninh Thuận đang được đặt một nền tảng vững chắc để cất cánh phát triển qua một thời kỳ mới. Trong 5 năm qua Ninh Thuận có sự trỗi dậy mạnh mẽ, bất ngờ ở khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên và vươn lên lọt vào nhóm các tỉnh có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất cả nước với tốc độ tăng GRDP bình quân đạt 10,2%/năm; GRDP bình quân đạt 60,1 triệu đồng/người, tăng 2,17 lần so với năm 2015, thu ngân sách đạt 3.500 tỷ đồng, tăng bình quân 12,8%/năm, tổng vốn đầu tư toàn xã hội cả giai đoạn đạt 78.015 tỷ đồng, tăng 2,35 lần so với giai đoạn trước.
Những con số, tưởng như đơn giản, gọn gàng nhưng là nỗ lực phấn đấu trong cả một quá trình của Lãnh đạo và người dân Ninh Thuận. Một tương lai sáng lạn cho Ninh Thuận đang được đặt nền móng vững chắc từ những thành quả hôm nay.
Yến AnhBạn đang xem bài viết Tương lai sáng lạn của Ninh Thuận tại chuyên mục Tiêu dùng thông minh của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].