Báo Điện tử Gia đình Mới

Từ bỏ 9 thói quen này càng sớm bạn càng khỏe mạnh sống lâu

Cuộc sống bận rộn và sức hút từ các công nghệ hiện đại khiến nhiều người hình thành những thói quen xấu có hại cho sức khỏe ngay khi thức giấc. Dưới đây là 9 thói quen cực hại cho sức khỏe mà bạn nên từ bỏ ngay hôm nay.

Có rất nhiều nguyên nhân khiến tuổi thọ giảm sút mà nguyên nhân phổ biến nhất lại do các thói quen hàng ngày của chúng ta.

1. Dùng điện thoại trước khi đi ngủ

Bạn có biết ánh sáng bức xạ từ màn hình smartphone có khả năng gây ra căn bệnh mất ngủ kéo dài hay không? Nguyên nhân bởi vì smartphone phát ra những ánh sáng được gọi là ánh sáng màu xanh gây ức chế sự sản xuất hormone melatonin gây ngủ và phá vỡ nhịp sinh học của bạn.

Những ánh sáng xanh này tương tự như ánh sáng ban ngày làm cho cơ thể chúng ta nghĩ rằng đó là ban ngày dù trời đã tối khuya. Lời khuyên dành cho bạn là đừng nên sử dụng điện thoại, máy tính, tivi trong 1 giờ trước khi ngủ và không để điện thoại gần khu vực ngủ.

2. Đi ngủ muộn

Nếu bạn không ngủ ngon hoặc ngủ không đủ giấc, toàn bộ cơ thể sẽ bị ảnh hưởng. Giấc ngủ là một trong những yếu tố quan trọng để có một cuộc sống lành mạnh và hạnh phúc. Giấc ngủ giúp não bộ tạo nên những kết nối mới cũng như cung cấp năng lượng cho toàn bộ cơ thể. Thiếu ngủ được chứng minh làm tăng nguy cơ tăng cân, ung thư và đặc biệt khiến con người mau già.  

Hãy nhớ, thức khuya triền miên không giết bạn ngay lập tức, nhưng nó sẽ giết bạn từ từ. Hãy đi ngủ trước 11h đêm bạn nhé!

3. Tắm đêm

Sau một ngày lao động vất vả, đến tận đêm nhiều người mới có thời gian đi tắm, cũng có những người không bận bịu gì nhưng vẫn có thói quen tắm đêm trước khi đi ngủ vì chỉ như vậy họ mới có cảm giác sạch sẽ.

Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo, dù đi tắm đêm vì lý do gì thì tắm đêm vẫn dễ bị đột quỵ do người tắm bị tai biến mạch máu náo, bị nhồi máu cơ tim cấp hoặc cơn đau thắt ngực. Ngoài ra, tắm đêm còn có thể gây ra tình trạng nhiễm trùng phổi, đặc biệt ở những người đang trong thời kỳ dưỡng bệnh, suy giảm miễn dịch.

Để tránh những tác hại của việc tắm đêm, tốt nhất nên tắm sớm, khoảng 19 giờ trở lại là phù hợp. Nếu buộc phải tắm muộn, nên tắm nhanh bằng nước ấm và lau khô người trước khi bước lên giường.

4. Đứng dậy quá nhanh, quá mạnh

Khi ngủ, huyết áp tương đối thấp, khi vừa tỉnh dậy, huyết áp sẽ tăng lên rất nhanh, đặc biệt là những người bị huyết áp cao hay gặp biến cố về tim mạch vào thời điểm sáng sớm. Đứng dậy quá nhanh, quá mạnh có thể sẽ khiến cho huyết áp đột ngột tăng cao, làm cho mạch máu não bị vỡ, bệnh tình càng nghiêm trọng hơn.

Khi tỉnh giấc, hãy ở lại trên giường vài phút trước khi xuống giường. Cũng có một số trường hợp do bị xơ vữa động mạch nên mạch máu khó lưu thông, nếu thay đổi tư thế quá nhanh thì dễ xảy ra tình trạng tụt huyết áp, máu lên não chậm, chóng mặt hoặc ngất xỉu. Khuyến nghị nên duy trì nguyên tắc “221”, tức là lúc vừa tỉnh dậy, mở mắt nằm im 2 phút, sau đó ngồi yên 2 phút rồi ngồi dịch ra mép giường khoảng 1 phút mới đứng dậy vận động.

5. Uống ít nước

Uống nước là chuyện nhỏ nhưng uống ít nước lại là chuyện lớn.

Khi bạn cảm thấy khát nước tức là lượng nước trong cơ thể bạn đã bị mất đi 1% so với trọng lượng cơ thể, các cơ quan trong cơ thể đã bắt đầu bị ảnh hưởng.

Khi lượng nước mất đi đạt mức 2% trọng lượng cơ thể thì việc vận động của cơ thể sẽ bị cản trở đồng thời cảm thấy bị ức chế và chán ăn. Nếu đạt mức 4%-8% sẽ xuất hiện các triệu chứng như khô da, khàn giọng, mất sức… nghiêm trọng hơn sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng.

6. Lười vận động

Lối sống ít vận động, dành thời gian nhiều cho xem tivi, đọc báo, ngồi lì trong văn phòng… đang ngày càng phổ biến trong giới trẻ.

Các nhà khoa học đánh giá mức độ nguy hiểm của tình trạng thiếu vận động tương đương với bệnh béo phì và nạn hút thuốc lá. Nếu thế giới giảm được 10% tỷ lệ người thiếu vận động sẽ ngăn chặn được cái chết của hơn 500.000 người/năm.

Để ngăn ngừa các bệnh lý do lười vận động, các chuyên gia khuyến cáo mỗi ngày nên dành ít nhất 30 phút cho các hoạt động vận động cơ thể nhằm thúc đẩy quá trình trao đổi chất và tăng cường hiệu quả chuyển hóa năng lượng. 

7. Đại tiện dùng sức nhiều 

Trong lâm sàng, đúng là có một số người bệnh do đại tiện mà bị xuất huyết não. Sáng dậy huyết áp thường rất cao, nếu đại tiện dùng sức nhiều, áp lực trong ổ bụng lớn, huyết áp có thể tăng rất nhanh. Tiểu động mạch trong não của người bệnh đã bị xơ vữa thì dùng sức nhiều có thể sẽ khiến cho tiểu động mạch bị vỡ gây chảy máu  

8. Hay cáu giận

Khi công việc không được thuận lợi, quan hệ xã hội không được tốt nhưng lại không thể thổ lộ với ai, dễ bị ỷ lại và dựa dẫm vào người thân nhưng nếu người thân không hiểu hoặc ít thổ lộ sẽ cảm thấy bị bất lực, bế tắc. Thử hỏi nếu như áp lực bị dồn nén lâu ngày trong người thì liệu bạn có thể khỏe mạnh được không?

Sức ép, uất ức khiến tâm lý bị rối loạn khiến sức đề kháng và miễn dịch bị giảm sút tạo cơ hội cho các tế bào ung thư dễ dàng xâm nhập vào trong cơ thể. 

9. Không để ý đến tín hiệu báo bệnh của cơ thể

Chúng ta thường chúc nhau sức khỏe và bản thân cũng luôn có ý thức bảo vệ sức khỏe rất tốt, nhưng từ ý thức đến hành động lại có một khoảng cách khá xa. Thậm chí, nhiều người biết bệnh rồi vẫn chần chừ không đi khám cho tới khi phát hiện thì 'vô phương cứu chữa'.  

Do vậy, hãy quan tâm và lắng nghe cơ thể nhiều hơn, từ bỏ ngay những thói quen ở trên. Bạn cũng đừng quên khám sức khỏe định kỳ để phát hiện các mầm bệnh hay những nguy cơ tiềm ẩn một cách sớm nhất. 

Chúc bạn luôn khỏe mạnh! 

Linh Hà/giadinhmoi.vn

Tin liên quan

Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO