Chê người khác xấu, mập là hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm
Theo điều 20 Hiến pháp 2013 và Điều 34 Bộ luật Dân sự 2015 quy định, mọi người đều có quyền bất khả xâm phạm thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khỏe, danh dự, nhân phẩm...
Cụ thể: Khoản 1 Điều 20 Hiến pháp 2013 quy định: "Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm".
Khoản 1 Điều 34 Bộ luật Dân sự 2015 quy định: "Danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ".
Chê bai người khác có thể bồi thường tới 16 triệu
Hình thức xử phạt hành vi chê bai, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác có thể áp dụng ở đây là hình sự hoặc hành chính tùy theo mức độ nguy hiểm của hành vi và hậu quả xảy ra.
Về xử phạt hành chính:
Điểm a Khoản 1 Điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định: Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với người có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác;
Về chịu trách nhiệm hình sự:
Nếu những lời nói chê bai gây hậu quả nghiêm trọng sẽ bị xử lý hình sự theo Điều 155 Bộ luật Hình sự. Cụ thể:
Điều 155. Tội làm nhục người khác
1. Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:
a) Phạm tội 02 lần trở lên;
b) Đối với 02 người trở lên;
c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
d) Đối với người đang thi hành công vụ;
đ) Đối với người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, chữa bệnh cho mình;
e) Sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội;
g) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân từ 11% đến 45%.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:
a) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân 46% trở lên;
b) Làm nạn nhân tự sát.
4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Về mức bồi thường:
Ngoài xử phạt hành chính hoặc chịu trách nhiệm hình sự, người chê người khác béo cũng phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho người bị chê.
Cụ thể, theo điều 592 Bộ luật Dân sự, người vi phạm phải bồi thường chi phí hợp lý để khắc phục thiệt hại... Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm không quá mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.
Hiện nay, mức lương cơ sở là 1.490.000 đồng, do đó mức bồi thường tối đa là 14.900.000 đồng.
Tuy nhiên, dự kiến từ 1/7/2020, lương cơ sở tăng lên tới 1.600.000 đồng, do đó mức bồi thường tối đa lên tới 16 triệu.
V.LinhBạn đang xem bài viết Từ 1/7/2020, chê người khác xấu, ế, béo, gầy... có thể phải bồi thường tới 16 triệu tại chuyên mục Cần biết của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].