“Nhiều vụ bạo hành đã được nạn nhân, người thân và cộng đồng dư luận kịp thời lên tiếng tố cáo, phản ánh để các cơ quan chức năng nhanh chóng vào cuộc, xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật, tạo niềm tin cho người dân. Đó chính là sự thành công của Chiến dịch truyền thông hàng năm”, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh nhận định.
Báo cáo của Liên hợp quốc về bạo lực đối với phụ nữ năm 2015 cho thấy: 35% phụ nữ trên toàn thế giới, tức là cứ 3 phụ nữ thì có hơn 1 người đã trải qua một trong các dạng bạo lực thể chất, tinh thần, tình dục trong cuộc đời; cứ 10 em gái dưới 18 tuổi thì có 1 người bị ép buộc phải quan hệ tình dục ngoài ý muốn; và bạo lực gây ra hơn 1,6 triệu ca tử vong trên toàn thế giới mỗi năm.
Theo số liệu thống kê năm 2017 của Cơ quan Liên hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UNWomen) khu vực châu Á - Thái Bình Dương, mỗi ngày có tới 137 phụ nữ bị giết hại bởi thành viên trong gia đình. Đây thực sự là những con số đáng báo động về tình trạng bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái, một nửa dân số thế giới đang phải đối mặt.
Trước thực trạng trên, Liên hợp quốc đã lấy ngày 25/11 hàng năm là Ngày quốc tế xóa bỏ bạo lực với phụ nữ và từ đó Chiến dịch 16 ngày hành động xóa bỏ bạo lực với phụ nữ, từ ngày 25/11 đến 10/12 là Ngày Nhân quyền thế giới đã được nhiều quốc gia hưởng ứng nhằm thúc đẩy các cam kết hành động để sớm chấm dứt tình trạng này.
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh cho biết, Việt Nam là một trong những quốc gia hưởng ứng mạnh mẽ Chiến dịch 16 ngày hành động xóa bỏ bạo lực với phụ nữ.
Từ năm 2016, Chính phủ đã chính thức giao Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương triển khai Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới từ ngày 15/11 đến 15/12 hàng năm.
Tháng hành động tạo thành đợt truyền thông cao điểm, thu hút sự tham gia vào cuộc của các Bộ, ngành, cơ quan trung ương, các tổ chức quốc tế, tổ chức xã hội và 63 tỉnh, thành phố trong cả nước, góp phần lan tỏa rộng rãi các thông điệp, hình ảnh, kêu gọi các tầng lớp nhân dân cùng nỗ lực thực hiện bình đẳng giới và chung tay chấm dứt bạo lực với phụ nữ và trẻ em.
"Có thể thấy, thông qua các Chiến dịch truyền thông hàng năm, các thông điệp hướng tới kêu gọi thực hiện bình đẳng giới và chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái đã được lan tỏa ngày một xa hơn, rộng hơn, góp phần tạo nên nhiều chuyển biến tích cực trong việc đối diện với các hành vi bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em.
Nhiều vụ bạo hành đã được nạn nhân, người thân và cộng đồng dư luận kịp thời lên tiếng tố cáo, phản ánh để các cơ quan chức năng nhanh chóng vào cuộc, xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật, tạo niềm tin cho người dân.
Đặc biệt, sự ủng hộ tích cực của các phóng viên thông qua các bài viết, phóng sự đăng tải trên các phương tiện truyền thông đại chúng đã góp phần thúc đẩy sự cam kết vào cuộc mạnh mẽ hơn của các tổ chức, cá nhân nhằm lên án và tố cáo các hành vi bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái. Đó chính là sự thành công của Chiến dịch", Thứ trưởng khẳng định.
Nỗ lực đảm bảo môi trường tự do và an toàn cho phụ nữ và trẻ em gái
Báo cáo về kết quả tổng quan chiến dịch truyền thông về bình đẳng giới và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới giai đoạn 2017 - 2019, Phó Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), bà Trần Thị Bích Loan cho biết, trong 4 năm qua, tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới được triển khai khá đồng bộ và chất lượng, tạo hiệu ứng tốt về truyền thông trên phạm vi rộng thu hút được nhiều cơ quan, ban, ngành ở trung ương và địa phương tham gia.
Các hoạt động ngày càng phong phú, đa dạng hơn, nhiều hoạt động ở cộng đồng, hướng tới nhóm người trẻ tuổi, nam giới tham gia đóng góp vào kết quả triển khai tháng hành động và thúc đẩy thực hiện bình đẳng giới, xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới…
Tuy nhiên, các sản phẩm truyền thông về phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới còn chưa nhiều, chưa phong phú. Vấn đề nghiện rượu và sinh con 1 bề là chủ đề chính trong các tiểu phẩm văn nghệ biểu diễn ở cộng đồng. Việc thu hút nam giới tham gia các hoạt động còn hạn chế.
Trước những hạn chế đó, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho rằng, để đạt tới đích thay đổi nhận thức, hành vi của mọi người về thực hiện bình đẳng giới và chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái, chúng ta cần phải tiếp tục dành sự quan tâm thường xuyên, đặc biệt là sự cam kết đầu tư về ngân sách cũng như trí tuệ cho công việc này.
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội sẽ tiếp tục đồng hành với các cơ quan, các tổ chức trong nước, quốc tế và các địa phương hoàn thiện chính sách, pháp luật và triển khai các chương trình, đề án, dự án về bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới nhằm góp phần xây dựng một xã hội văn minh, tiến bộ, bình đẳng và an toàn cho tất cả mọi người.
Phát biểu tại Hội nghị, bà Rah Mi Hye – Phó Giám đốc quốc gia Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc tại Việt Nam cho rằng, bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái cần phải được chấm dứt.
Trong những năm qua, thông qua những nỗ lực của Quỹ dân số Liên hợp quốc (UNFPA), Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, KOICA và nhiều cơ quan, tổ chức khác, hàng nghìn người đã được giúp đỡ để nâng cao nhận thức về bình đẳng giới góp phần giúp phụ nữ và trẻ em gái có được cuộc sống bình an, không có bạo lực.
Thông qua chiến dịch truyền thông nhận thức của người dân về bình đẳng giới cũng như ngăn chặn bạo lực trên cơ sở giới đã có những thay đổi tích cực.
"Chúng tôi cam kết sẽ cùng với Chính phủ Việt Nam và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cùng đảm bảo môi trường tự do và an toàn cho phụ nữ và trẻ em gái", bà Rah Mi Hye khẳng định.
Bộ LĐ-TB&XHBạn đang xem bài viết Truyền thông góp phần thay đổi tích cực về bình đẳng giới tại chuyên mục Giới & Phát triển của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].