Truyền thông chính sách về hôn nhân và gia đình cho thanh niên ở huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh hiện nay

Trong bối cảnh hiện đại, việc truyền thông chính sách về hôn nhân và gia đình cho thanh niên đã trở thành một nhiệm vụ quan trọng, góp phần xây dựng xã hội văn minh và bền vững. Huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh với đặc thù dân cư và môi trường sống của vùng biển, đang đứng trước nhiều cơ hội và thách thức trong công tác này.

1. Đặt vấn đề

Ở Việt Nam, vấn đề xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa được đặt ra như một tất yếu khách quan, được khẳng định rõ tại Điều 2 của Hiến pháp năm 2013: “Nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân”. Trong đó việc tuyên truyền và phổ biến pháp luật cho công chúng không chỉ là nhiệm vụ quan trọng, được đặt lên hàng đầu mà còn là yếu tố then chốt nhằm đưa pháp luật vào đời sống hàng ngày, nâng cao ý thức về quyền lợi và nghĩa vụ của công dân trong xã hội.

Hôn nhân hạnh phúc (Hình ảnh minh họa)

Hôn nhân hạnh phúc (Hình ảnh minh họa)

Gia đình là nơi nuôi dưỡng tâm hồn của mỗi con người, giữ vai trò như nhân tố chính tạo nên xã hội, đồng thời hình thành con người cả về nhân cách và lối sống để mỗi cá nhân sẽ trở thành những công dân tốt có đủ thể lực và trí lực góp sức vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Để xã hội phát triển bền vững thì nhân tố tạo nên nó là gia đình cũng phải đáp ứng được các tiêu chí về hạnh phúc, no ấm và đủ đầy. Nhận thức được vai trò quan trọng của gia đình, Quốc hội đã ban hành Luật Hôn nhân và gia đình (được bổ sung sửa đổi năm 2014, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2015) nhằm khẳng định và nâng cao vị trí, vai trò của gia đình trong đời sống xã hội.

Truyền thông chính sách là quá trình truyền tải những thông điệp, cơ chế, chính sách của cơ quan Chính phủ, cơ quan ban hành chính sách đến cho người dân, giúp họ hiểu và thực thi chính sách. Đồng thời, đây cũng là kênh để Chính phủ tiếp nhận ý kiến và phản hồi từ nhân dân tạo ra sự đồng thuận xã hội. Để đạt được hiệu quả trong việc truyền thông thực hiện các chính sách về hôn nhân và gia đình, đặc biệt là truyền thông chính sách đóng vai trò cực kỳ quan trọng. Truyền thông chính sách không chỉ là cầu nối giữa chính phủ, tổ chức và cộng đồng mà còn là công cụ thiết yếu để nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi của người dân.

Mặc dù Luật Hôn nhân và gia đình 2014 đã được sửa đổi bổ sung để phù hợp với sự phát triển của xã hội, được Đảng và Nhà nước tập trung đẩy mạnh phổ biến rộng rãi đến từng người dân trên cả nước, công tác truyền thông về luật này vẫn còn nhiều hạn chế. Thời gian gần đây tồn tại một số vấn đề như nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, diễn biến phức tạp ở những vùng có người dân tộc thiểu số sinh sống và tình trạng ly hôn ngày càng gia tăng ở các khu vực thành thị phát triển trong đó phần lớn là người trẻ. Những vấn đề này không chỉ ảnh hưởng đến đời sống của các cá nhân mà còn đặt ra thách thức cho sự phát triển bền vững của xã hội.

Quảng Ninh là một tỉnh thuộc khu vực phía Bắc với mục tiêu phấn đấu xây dựng trở thành một địa bàn động lực, cửa ngõ giao thông quan trọng trong chiến lược hợp tác phát triển hai hành lang, một vành đai kinh tế Việt Nam - Trung Quốc, cửa ngõ khu vực mậu dịch tự do Trung Quốc - ASEAN sẽ được thiết lập trong tương lai gần. Tuy nhiên, việc truyền thông chính sách về hôn nhân và gia đình tại đây vẫn gặp nhiều khó khăn. Sự thiếu hụt thông tin hay ngôn ngữ chưa phù hợp và các kênh truyền thông chưa đa dạng là những rào cản lớn trong việc phổ biến pháp luật đến người dân.

Vì vậy nghiên cứu “Truyền thông chính sách về hôn nhân và gia đình cho thanh niên ở huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh hiện nay là vấn đề rất cần thiết, góp phần nâng cao nhận thức, hiểu biết của chính quyền, người dân, đặc biệt là thanh niên về các chính sách hôn nhân và gia đình. Điều này không chỉ giúp cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân trên địa bàn huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh mà còn thúc đẩy sự phát triển bền vững của toàn xã hội.

2.  Nội dung

Truyền thông là hiện tượng xã hội phổ biến, ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực trong xã hội. Theo PGS. TS Nguyễn Văn Dững và PGS. TS Đỗ Thị Thu Hằng: “Truyền thông là quá trình liên tục trao đổi thông tin, kiến thức, tư tưởng, tình cảm…, chia sẻ kỹ năng và kinh nghiệm giữa hai hoặc nhiều người nhằm tăng cường hiểu biết lẫn nhau, thay đổi nhận thức, tiến tới điều chỉnh hành vi và thái độ phù hợp với nhu cầu phát triển của cá nhân/nhóm/cộng đồng/xã hội” [1; tr.4].

Tác giả Lương Ngọc Vĩnh đã định nghĩa chính sách công: “Chính sách công là quyết định của các chủ thể quyền lực nhà nước, nhằm quy định mục đích, cách thức và chế định hành động của những đối tượng liên quan, để giải quyết những vấn đề nhất định mà xã hội đặt ra” [5; tr.11]. Từ đó có  thể đưa ra khái niệm về truyền thông chính sách ở Việt Nam như sau: “Truyền thông chính sách là quá trình tương tác, trao đổi, chia sẻ thông tin giữa các cơ quan truyền thông nhà nước với đông đảo quần chúng trong chu trình chính sách, bao gồm: nhận diện vấn đề chính sách; hoạch định chính sách; thực thi chính sách và đánh giá chính sách nhằm thúc đẩy sự phát triển của đất nước và sự đồng thuận trong xã hội” [5; tr.27].

Hôn nhân được hiểu theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 đó là: “Hôn nhân là quan hệ giữa vợ và chồng sau khi kết hôn” [3]. Đề tài nghiên cứu khái niệm gia đình theo Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014: “Gia đình là tập hợp những người gắn bó với nhau do hôn nhân, quan hệ huyết thống hoặc quan hệ nuôi dưỡng, làm phát sinh các quyền và nghĩa vụ giữa họ với nhau theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình” [3].

Luật Thanh niên năm 2020 quy định: “Thanh niên là công dân Việt Nam từ đủ 16 tuổi đến 30 tuổi”[4]. 

Từ các khái niệm trên, có thể hiểu truyền thông chính sách về hôn nhân và gia đình như sau: Truyền thông chính sách về hôn nhân và gia đình là quá trình tương tác, trao đổi và chia sẻ thông tin về các vấn đề liên quan đến hôn nhân và gia đình giữa các cơ quan truyền thông nhà nước với thanh niên trong chu trình chính sách, bao gồm: nhận diện vấn đề chính sách; hoạch định chính sách; thực thi chính sách và đánh giá chính sách, nhằm nâng cao nhận thức và hiểu biết, từ đó hình thành thái độ và thay đổi hành vi của thanh niên về các vấn đề liên quan đến hôn nhân và gia đình.

2.1. Điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội và đặc điểm thanh niên ở huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh

Vân Đồn là một huyện đảo thuộc tỉnh Quảng Ninh, có vị trí địa lý và kinh tế đặc biệt quan trọng trong khu vực. Thanh niên ở huyện Vân Đồn cũng có những đặc điểm riêng về tâm lý, tính cách và trình độ nhận thức.

Về nhận thức: Thanh niên ở huyện Vân Đồn chiếm gần 30% dân số, là lực lượng đầy sức sống, khát vọng và hoài bão. Họ sở hữu sức khỏe, tri thức và sự năng động, đóng vai trò quan trọng trong phát triển địa phương. Tư duy logic và khả năng nghiên cứu khoa học giúp họ tiếp thu nhanh chóng công nghệ mới và đổi mới sáng tạo. Tuy nhiên, họ còn thiếu kinh nghiệm thực tiễn, tư duy độc lập chưa phát triển hoàn toàn và thường có những nhận định vội vàng. Một bộ phận thanh niên chưa xác định rõ nghề nghiệp và thiếu định hướng giá trị cá nhân.

Về tình cảm: Thanh niên ở huyện Vân Đồn có tình cảm phong phú và sâu sắc, thể hiện qua niềm đam mê học tập và nghiên cứu. Họ hiểu rõ trách nhiệm với gia đình và có tình cảm gắn bó với quê hương, đất nước. Bên cạnh đó, một số thanh niên còn hạn chế trong việc lý tưởng hóa và bộc phát cảm xúc, dễ bị ảnh hưởng và chưa xác định rõ hứng thú nghề nghiệp.

Về tính cách: Họ sống có lý tưởng, tự tin và dám chịu trách nhiệm. Thanh niên Vân Đồn thường trung thực, thẳng thắn, chủ động và sáng tạo, biết tận dụng cơ hội trong cuộc sống. Tuy nhiên, tình cảm chưa ổn định, một số có xu hướng ích kỷ và dễ chán nản. Họ có thể sống hết mình với đam mê nhưng cũng dễ thất vọng và bỏ cuộc, trong khi định hướng giá trị và lối sống chưa rõ ràng.

2.2. Thực trạng truyền thông chính sách về hôn nhân và gia đình cho thanh niên ở huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh hiện nay

2.2.1. Thành tựu và nguyên nhân

* Thành tựu

Hoạt động truyền thông chính sách về hôn nhân và gia đình cho thanh niên ở huyện Vân Đồn hiện nay đã đạt được những kết quả nhất định, các cấp ủy Đảng, chính quyền và các ban, ngành, đoàn thể đã quan tâm chỉ đạo và phối hợp triển khai các hoạt động truyền thông.

Nội dung truyền thông chính sách hôn nhân và gia đình tập trung vào các vấn đề như: Tuyên truyền về Luật Hôn nhân và gia đình, các quy định của pháp luật về quyền và nghĩa vụ của vợ, chồng, cha mẹ và con cái; Giáo dục về tình yêu, hôn nhân và gia đình bền vững, phòng chống bạo lực gia đình, tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; Nâng cao nhận thức về sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình và bình đẳng giới. Các hình thức truyền thông chính sách được sử dụng khá đa dạng, bao gồm: Truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng như báo, đài, truyền hình, internet; Tổ chức các buổi hội thảo, tọa đàm, nói chuyện chuyên đề; Tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ; Truyền thông trực tiếp tại cộng đồng thông qua các câu lạc bộ, đội, nhóm.

Nhìn chung đa số thanh niên sau khi được truyền thông các chính sách về hôn nhân và gia đình đã có sự thay đổi tích cực cả về nhận thức, thái độ và hành vi liên quan đến hôn nhân và gia đình. Về nhận thức, họ đánh giá cao hình thức truyền tải thông điệp truyền thông chính sách hôn nhân và gia đình là sáng tạo, dễ hiểu (75%). Phần lớn thanh niên (59,5%) cho biết họ đã có hiểu biết sâu sắc hơn về các chính sách hôn nhân và gia đình sau khi được truyền thông. Về thái độ, 82% thanh niên có sự chủ động tìm hiểu, tiếp cận với các chính sách hôn nhân và gia đình. Về hành vi, 100% thanh niên khẳng định họ tuân thủ đúng các quy định của Luật Hôn nhân và gia đình

* Nguyên nhân của thành tựu

Nguyên nhân chủ quan

Thứ nhất, do sự lãnh đạo và chỉ đạo sát sao từ Đảng, Nhà nước và các cơ quan ban ngành trên địa phương đã góp phần quan trọng vào việc xây dựng và thúc đẩy công tác truyền thông chính sách hôn nhân và gia đình cho thanh niên.

Thứ hai, do sự đóng góp tích cực của đội ngũ cán bộ truyền thông chính sách. Họ đóng vai trò then chốt trong việc triển khai các chiến lược truyền thông, hiện thực hóa các kế hoạch do cấp trên đề ra.

Thứ ba, do sự phối hợp đồng bộ giữa các tổ chức, ban ngành, đoàn thể và đội ngũ nhân lực truyền thông chính sách đã tạo ra sự thống nhất và nhịp nhàng trong việc truyền thông thông tin đến thanh niên.

Nguyên nhân khách quan

Một là, huyện Vân Đồn đã chú trọng cải thiện điều kiện vật chất, một yếu tố quan trọng trong việc nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân. Sự đầu tư này không chỉ nâng cao chất lượng cuộc sống mà còn góp phần quan trọng vào việc nâng cao trình độ dân trí.

Hai là, sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ và ứng dụng chuyển đổi số trong lĩnh vực truyền thông chính sách đã góp phần đáng kể nâng cao hiệu quả truyền thông về hôn nhân và gia đình.

 2.2.2. Hạn chế và nguyên nhân

* Hạn chế

Tuy nhiên, trong thời gian qua hoạt động truyền thông chính sách ở huyện Vân Đồn vẫn còn tồn tại một số hạn chế, cụ thể là nội dung truyền thông đôi khi còn khô khan, thiếu hấp dẫn, chưa phù hợp với tâm lý và trình độ của thanh niên. Hình thức truyền thông chưa đa dạng, khai thác các kênh truyền thông mới chưa hiệu quả, đặc biệt là mạng xã hội. Đội ngũ cán bộ truyền thông còn thiếu về số lượng và hạn chế về năng lực. Cơ sở vật chất, kinh phí cho hoạt động truyền thông còn hạn chế.

Về nhận thức, 25% thanh niên còn lại cho rằng hình thức truyền tải thông điệp truyền thông chính sách hôn nhân và gia đình còn ở mức bình thường, nhàm chán. Một số thanh niên còn có hiểu biết chung chung về các chính sách này (26%). Về thái độ, vấn còn 14% thanh niên khi gặp phải các vấn đề liên quan đến hôn nhân và gia đình mới bắt đầu tìm hiểu về Luật Hôn nhân và gia đình. Về hành vi, 15% người trong độ tuổi thanh niên tổ chức tảo hôn/ lấy vợ, lấy chồng cho người chưa đủ tuổi kết hôn. Đây là một trong những hạn chế cần phải được khắc phục bằng những giải pháp kịp thời.

* Nguyên nhân của hạn chế

Nguyên nhân chủ quan

Thứ nhất, một số cán bộ vẫn có thái độ lơ là không tham gia tích cực vào cuộc đấu tranh phòng chống các hành vi vi phạm Luật Hôn nhân và gia đình, việc tổ chức các hoạt động kiểm tra, đánh giá truyền thông chính sách tại các phòng, ban chưa được coi trọng. 

Thứ hai, đội ngũ cán bộ tham gia vào công tác truyền thông chính sách về hôn nhân và gia đình cho thanh niên ở huyện Vân Đồn vẫn còn nhiều hạn chế về trình độ và kỹ năng. Phần lớn là cán bộ kiêm nhiệm, không có cán bộ truyền thông chính sách chuyên trách.

Thứ ba, các cơ quan, tổ chức, ban ngành trong công tác truyền thông chính sách chưa tận dụng hết vai trò của các phương tiện thông tin đại chúng. Ngân sách dành cho hoạt động truyền thông còn hạn chế.

Thứ tư, chưa chú trọng đúng mức vào việc đào tạo kỹ năng truyền thông và cập nhật kiến thức liên quan đến hôn nhân và gia đình cho thanh niên.

Nguyên nhân khách quan

Một là, sự phát triển nhanh chóng của công nghệ số vừa mang lại cơ hội vừa tạo ra thách thức cho hoạt động truyền thông chính sách.

Hai là sự thay đổi và sáp nhập các cơ quan làm công tác dân số cũng dẫn đến những khó khăn nhất định. Các thủ tục hành chính phức tạp đã khiến nhiều nguồn lực từ các tổ chức phi chính phủ (NGO) không thể tiếp cận được với công tác dân số ở cấp huyện.

2.3. Giải pháp tăng cường truyền thông chính sách về hôn nhân và gia đình cho thanh niên cấp cơ sở của tỉnh Quảng Ninh trong thời gian tới

Để nâng cao hiệu quả truyền thông chính sách về hôn nhân và gia đình cho thanh niên ở huyện Vân Đồn, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:

Thứ nhất, tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng ủy, chính quyền địa phương và các phòng, ban trong huyện Vân Đồn về hoạt động truyền thông chính sách hôn nhân và gia đình cho thanh niên

Đưa công tác truyền thông chính sách về hôn nhân và gia đình vào chương trình công tác hàng năm của các cấp ủy Đảng, chính quyền. Tăng cường kiểm tra, giám sát và đánh giá hiệu quả công tác truyền thông. Xây dựng và triển khai các chương trình, kế hoạch cụ thể về truyền thông, tư vấn và cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản - kế hoạch hóa gia đình.

Xây dựng các cơ chế và chính sách hỗ trợ cho các cơ sở giáo dục trên địa bàn trong việc triển khai hoạt động truyền thông chính sách về hôn nhân và gia đình. Tăng cường tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức và chuyển đổi hành vi của toàn thể cán bộ, công nhân viên chức, lao động và người dân trong việc thực hiện Pháp lệnh Dân số và Chiến lược Dân số quốc gia đến năm 2030, đảm bảo thực hiện tốt công tác dân số và phát triển, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân đặc biệt là đối tượng thanh niên.

Thứ hai, nâng cao năng lực, phẩm chất chính trị, trình độ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ thực hiện truyền thông chính sách về hôn nhân và gia đình cho thanh niên

Cần tăng cường tuyển chọn và bố trí hợp lý các cán bộ, viên chức làm việc tại các phòng, ban trong huyện Vân Đồn hiện nay. Quy trình tuyển chọn cần được thực hiện một cách cẩn thận và chính xác, đảm bảo các tiêu chuẩn về chuyên môn, kỹ năng và kinh nghiệm liên quan đến truyền thông chính sách về hôn nhân và gia đình. Ngoài ra, cần thiết phải đầu tư vào đào tạo, bồi dưỡng và nâng cao trình độ, năng lực chuyên môn và phẩm chất đạo đức cho đội ngũ cán bộ truyền thông chính sách. Để nâng cao hiệu quả truyền thông chính sách, mỗi cán bộ và công chức trong đội ngũ truyền thông cần nâng cao ý thức tự giáo dục và rèn luyện cá nhân. Họ phải có lòng tự học, không ngừng cập nhật kiến thức và nâng cao trình độ chuyên môn của mình. Một cán bộ giỏi phải thường xuyên thực hành tự phê bình và phê bình, phát huy tính chủ động, năng động và sáng tạo cá nhân trong từng công việc.

Thứ ba, đổi mới nội dung, phương thức truyền thông chính sách về hôn nhân và gia đình cho thanh niên

Xây dựng nội dung truyền thông phù hợp với từng đối tượng thanh niên. Việc sử dụng ngôn từ phù hợp, tránh các thuật ngữ phức tạp sẽ giúp thanh niên dễ dàng tiếp cận thông tin. Thường xuyên cập nhật những thông tin chính xác và kịp thời về chủ trương, đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về hôn nhân và gia đình đến thanh niên huyện Vân Đồn. Ứng dụng công nghệ số và chuyển đổi số, công nghệ AI vào công tác truyền thông là rất quan trọng. Các kênh thông tin đa phương tiện như mạng xã hội, website địa phương và các ứng dụng di động sẽ giúp truyền tải thông tin nhanh chóng và hiệu quả hơn. Ngoài ra, AI có thể hỗ trợ trong việc tạo ra những nội dung cá nhân hóa, cung cấp thông tin và tài nguyên phù hợp với từng đối tượng thanh niên dựa trên nhu cầu và sở thích của họ.

Thứ tư, đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng, phân bổ các nguồn lực trong truyền thông chính sách về hôn nhân và gia đình cho thanh niên

Xây dựng một nền tảng hạ tầng vững chắc là điều kiện tiên quyết để thực hiện các chính sách truyền thông hiệu quả. Cần định hướng phát triển một cách đồng bộ, hài hòa kết cấu hạ tầng, từ giao thông, điện nước đến các dịch vụ xã hội. Đảm bảo kinh phí cho các hoạt động truyền thông. Tăng cường sự hỗ trợ từ các chuyên gia bên ngoài là rất quan trọng, bao gồm cả chuyên gia trong nước và quốc tế. Để thu hút nhân tài, cần có những chính sách hợp lý và hiệu quả nhằm tạo điều kiện cho chuyên gia tham gia vào các dự án truyền thông. Sự đóng góp của họ sẽ giúp nâng cao chất lượng nội dung truyền thông, đồng thời khuyến khích thanh niên tham gia tích cực hơn vào các hoạt động liên quan đến hôn nhân và gia đình.

Thứ năm, tăng cường các hoạt động hợp tác trong và ngoài nước giữa địa phương và các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ về hoạt động truyền thông chính sách hôn nhân và gia đình cho thanh niên

Để nâng cao hiệu quả hoạt động truyền thông về chính sách hôn nhân và gia đình cho thanh niên, cần thiết lập một số biện pháp hợp tác giữa các địa phương và tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ. Học hỏi kinh nghiệm từ các mô hình truyền thông hiệu quả trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, mở rộng hợp tác quốc tế để tranh thủ nguồn lực và hỗ trợ kỹ thuật cho các hoạt động này.

3. Kết luận

Để thực hiện tốt công tác truyền thông chính sách về hôn nhân và gia đình cho thanh niên ở huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh hiện nay không chỉ đòi hỏi sự nỗ lực từ các cấp ủy Đảng, chính quyền, Đoàn Thanh niên mà còn cần có sự phối hợp đồng bộ và tích cực giữa các lực lượng trong hệ thống chính trị của huyện. Để công tác truyền thông chính sách cho thanh niên ở huyện Vân Đồn được triển khai hiệu quả, cần tiến hành kịp thời và chặt chẽ các giải pháp trên kết hợp với các phương thức truyền thông hiện đại.

Tài liệu tham khảo:

* Nguyễn Văn Dững (chủ biên) (2017), Lý thuyết truyền thông, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.

* Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Cổng thông tin điện tử Chính phủ, Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc: Truyền thông chính sách và đồng thuận xã hội, Nxb.Chính trị quốc gia Sự thật,2018.

* Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2014), Luật Hôn nhân và gia đình, Chính trị Quốc gia - Sự thật, Hà Nội.

* Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2020), Luật Thanh niên, Nxb. Chính trị Quốc gia - Sự thật, Hà Nội.

* Lương Ngọc Vĩnh (chủ biên, 2021), Lý thuyết và kỹ năng truyền thông chính sách, Nxb. Lý luận chính trị

.

 

 

 

 

 

Nguyễn Thị Hồng Thơm

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/ 

Mã số chuẩn quốc tế (ISSN): e-ISSN 3093-3269

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected] 

Thông tin toà soạn | Ngân hàng- Tài chính I Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO Bất động sản- Tài chính