Bắt tay xây dựng chương trình mầm non mới
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn khẳng định: Bậc mầm non là bậc học nền tảng, có vai trò quyết định trong hình thành nhân cách, thể chất của con người.
Năm 2009, Chương trình giáo dục mầm non được Bộ GD&ĐT ban hành và thực hiện trên toàn quốc. Hơn 10 năm qua, quá trình triển khai chương trình giáo dục mầm non đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, tạo tiền đề cho giáo dục phổ thông đạt được những kết quả tốt.
Tuy nhiên, trước yêu cầu cao hơn, xa hơn của quá trình đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, theo Bộ trưởng, chương trình giáo dục mầm non đã tốt nhưng là chưa đủ.
Do vậy, cần xây dựng chương trình giáo dục mầm non mới. Chương trình vừa tiếp thu được kinh nghiệm của thế giới, khoa học của giáo dục mầm non, vừa phù hợp với thực tiễn văn hóa, phong tục, tập quán của người Việt Nam.
Bộ trưởng cũng nhấn mạnh, xây dựng chương trình mầm non mới là vấn đề hệ trọng, không được phép sai lầm, nên cần rút kinh nghiệm những giai đoạn trước, việc khảo sát, thử nghiệm phải làm rất thấu đáo.
Mục tiêu là có một chương trình giáo dục mầm non tốt, phù hợp với lứa tuổi, phù hợp với khả năng thực hiện. Tinh thần là dành tất cả những gì tốt nhất cho trẻ em và cần chuẩn bị các điều kiện, cơ sở vật chất, giáo viên, tâm thế, truyền thông… để có thể có được kết quả tốt nhất.
Trường mầm non không phải là nơi cha mẹ gửi trẻ để đi làm
Hội thảo chiều 17/10 nhận được những đóng góp từ các chuyên gia nước ngoài.
Theo Tiến sĩ Aija Rinkinen, Chuyên gia cao cấp về giáo dục tại Ngân hàng Thế giới, xây dựng chương trình giáo dục mầm non không chỉ đơn thuần là nơi chăm sóc trẻ để cha mẹ đi làm mà thay vào đó là xây dựng triết lý giáo dục.
Tại đó, trẻ em là trung tâm, chăm sóc và phát triển trẻ là phương pháp. Giáo viên được liên tục bồi dưỡng để cập nhật, đổi mới; trẻ em được xác định và hỗ trợ các nhu cầu cần thiết. Nhà trường phối hợp với phụ huynh, gia đình cùng với các tổ chức xã hội, y tế…
PGS.TS. Hu Xinyun, Annie Khoa Giáo dục Mầm non, Trường Đại học Giáo dục Hồng Kông cho rằng: Khác với cách học truyền thống chú trọng truyền tải về kiến thức, hiện nay, các chuyên gia giáo dục mầm non tập trung xây dựng chương trình mới hướng đến những phương pháp giáo dục cung cấp cho trẻ các kỹ năng, dụng cụ, thiết bị, bối cảnh. Qua đó phát triển năng lực, cảm xúc, trẻ em học được cách chia sẻ, chăm sóc, trải nghiệm, hỗ trợ những người xung quanh.
Chương trình giáo dục mầm non mới cần kế thừa và phát triển trên quan điểm chương trình hiện hành
Trình bày về quan điểm xây dựng Chương trình giáo dục mầm non mới, Vụ trưởng Giáo dục Mầm non, Bộ GD&ĐT Nguyễn Bá Minh cho biết: Quan điểm chung xây dựng Chương trình giáo dục mầm non mới cần kế thừa và phát triển trên quan điểm chương trình hiện hành.
"Chương trình cần thể hiện rõ nét hơn quan điểm tiếp cận phát triển phẩm chất năng lực trẻ em mầm non phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi, hướng đến hình thành những giá trị cốt lõi của con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Ngoài ra, chương trình cũng cần tiếp cận với các phương pháp giáo dục tiên tiến, hội nhập với giáo dục quốc tế và chú ý nhiều hơn đến các vấn đề giáo dục trẻ trở thành công dân toàn cầu trong hoàn cảnh Cách mạng khoa học công nghệ lần thứ tư".
Trưởng Ban Biên soạn Chương trình giáo dục mầm non, Viện trưởng Khoa học giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Anh Vinh thông tin: Chương trình giáo dục mầm non được xây dựng thể hiện quan điểm giáo dục toàn diện, hoà nhập, lấy trẻ làm trung tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của trẻ em phù hợp với lứa tuổi và đặc điểm.
Chương trình bảo đảm kết nối chặt chẽ giữa các độ tuổi nhà trẻ và mẫu giáo, liên thông với chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học. Chương trình giáo dục mầm non là chương trình khung, có tính chất mở, quy định những nội dung giáo dục cốt lõi áp dụng đối với mọi trẻ em mầm non; đồng thời trao quyền chủ động cho địa phương, cơ sở giáo dục mầm non phát triển chương trình và triển khai kế hoạch giáo dục phù hợp với sự phát triển của trẻ em, bối cảnh văn hóa của địa phương và điều kiện thực tiễn.
Toàn bộ Chương trình giáo dục mầm non mới được xây dựng trên Quyền và chú trọng bảo đảm 4 nhóm quyền của trẻ em: Quyền được sống còn; Quyền được phát triển; Quyền được bảo vệ; Quyền tham gia với các quyền cụ thể trong Luật Trẻ em.
V.LinhBạn đang xem bài viết Trường mầm non không phải là nơi cha mẹ gửi trẻ để đi làm tại chuyên mục Đời sống của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].