Trước nhiều thông tin trái chiều, đặc biệt là những tin đồn trên mạng xã hội về việc hai mẹ con thiệt mạng do sinh nở tại nhà, trao đổi với PV Gia Đình Mới bác sĩ CK II Nguyễn Minh Tuấn – Trưởng Khoa sản, Bệnh viện Đa khoa Thu Cúc cho rằng: “Ông bà ta vẫn nói, “chửa đẻ như cửa mả” như nói tới những nguy hiểm của chuyện sinh nở".
Trước lý luận của nhiều người nghĩ đẻ tự nhiên để giống với thời đại ngày xưa, ông bà tổ tiên không có thiết bị hiện đại vẫn sinh nở bình thường; và hiện nay nhiều khu vực y học chưa phát triển, người dân tộc thiểu số vẫn sinh đẻ tại nhà, bác sĩ Nguyễn Minh Tuấn khẳng định, nhiều người không hiểu, số sản phụ, trẻ sơ sinh tử vong rất lớn tại những khu vực như vậy.
Đó chính là lý do Bộ Y tế phải hình thành mô hình cô đỡ thôn bản để giải quyết tình trạng trên.
Theo bác sĩ, đẻ theo cách tự nhiên như trên sẽ có rất nhiều nguy cơ cho sức khỏe của mẹ và bé. Nhất là những sản phụ mang thai bất thường: Thai to, ngôi ngược… Với thai to, phụ nữ có thể gặp tình trạng vỡ tử cung khi chuyển dạ gây nguy hiểm cho cả mẹ và con.
Ngay cả những người đẻ được bình thường cũng vẫn có thể gặp tình trạng băng huyết nặng nề, đờ tử cung… nếu không được xử lý kịp thời phải trả giá bằng tính mạng.
Đẻ tại nhà cũng có thể bị chảy máu, nhiễm trùng, hậu sản… nhẹ hơn có thể bị viêm niêm mạc tử cung gây ra vô sinh.
Trước đây, y tế có thuật ngữ “bàn tay sạch”, tức bác sĩ đỡ đẻ phải vệ sinh tay sạch sẽ để giảm tỉ lệ phụ nữ tử vong vì nhiễm trùng hậu sản.
Trong khi đó, khi đẻ tại nhà, bệnh nhân không có kiến thức chuyên môn, không đảm bảo vệ sinh xung quanh, không vô khuẩn”, BS CKII Nguyễn Minh Tuấn nhấn mạnh.
Ngay cả việc không cắt dây rốn cho trẻ cũng tiềm ẩn nhiều nguy hiểm, đặc biệt là nguy cơ nhiễm trùng cuống rốn, uốn ván rốn cho bé. Quan niệm con ốm cũng không thăm khám bác sĩ là nguy hiểm vô cùng, nhất là trẻ nhỏ có sức đề kháng kém.
Hồng NgọcBạn đang xem bài viết Sinh con thuận tự nhiên: Thiếu hiểu biết phải trả giá bằng tính mạng cả mẹ và con tại chuyên mục Sống khỏe của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].