Vụ trẻ sơ sinh bị ném ở Chung cư HH Linh Đàm, cơ quan công an vào cuộc, bước đầu lấy lời khai của bà mẹ và làm rõ vụ việc. Trao đổi với PV Gia Đình Mới ngày 19/10, luật sư Đặng Văn Cường – Đoàn Luật sư Chính Pháp cho rằng: “Lời khai của người mẹ này chỉ là ghi nhận ban đầu, chưa phải là cơ sở để kết luận dấu hiệu phạm tội. Kết luận vụ việc phải đợi cơ quan chức năng xác minh nguyên nhân, động cơ hành vi phạn tội.
"Trong trường hợp này, cơ quan điều tra, cơ quan pháp y xác định chính xác nguyên nhân, thời điểm cháu bé tử vong trước hay sau khi bị ném xuống sân chung cư”.
Luật sư đánh giá: Đây thực sự là vụ việc kinh hoàng, khủng khiếp. Cơ quan công an bước đầu có thể khởi tố vụ án “Giết người”. Sau đó xác minh chính xác, người ném đứa trẻ xuống là ai.
Nếu đúng người ném cháu bé xuống là nữ sinh viên Đinh Thị V.A – mẹ cháu bé thì sẽ làm rõ nguyên nhân, động cơ, từ đó mới áp vào các tội danh theo quy định của pháp luật.
Thứ nhất, trong trường hợp lời khai của người mẹ trẻ này là đúng, sau khi sinh con ra, nếu nhận biết và nhận thức rằng đứa bé đã chết, mà vẫn vứt con xuống thì vẫn có dấu hiệu tội phạm và bị khởi tố về tội “Xâm phạm thi thể”.
Luật sư Cường cũng nhận định: Nếu là người có tâm thần bình thường thì đây là 1 con người rất ác, bởi thông thường khi sinh con ra, thấy con bị như vậy thì người mẹ nào cũng sẽ đau xót, vật vã, tìm cách cứu chữa cho con. Khi không còn hy vọng cứu chữa, phải làm mai tang cho đứa trẻ chứ không thể vứt con như vứt một cọng rác thải như vậy.
Thứ hai, trong trường hợp khi sinh ra đứa trẻ còn sống, vì một lý do nào đó mà người mẹ này đang tâm ném con xuống đất thì sẽ phạm tội “Giết con mới đẻ” hoặc tội “Giết người”.
Đồng quan điểm với luật sư Đặng Văn Cường, luật sư Phạm Tuấn Anh – Đoàn Luật sư TP. HCM phân tích thêm sự khác nhau giữa 2 Tội Giết con mới đẻ và Giết người mà sản phụ Đinh Thị V. A có khả năng phải đối diện.
Trong điều kiện chứng minh được do tư tưởng lạc hậu, phong kiến và hoàn cảnh khách quan đặc biệt mà phải giết con thì phạm vào Tội giết con mới đẻ.
Theo quy định, Tội giết con mới đẻ được quy định là trường hợp người mẹ do ảnh hưởng nặng nề của tưởng lạc hậu hoặc trong hoàn cảnh đặc biệt mà giết con mình đẻ ra trong 7 ngày tuổi.
Dấu hiệu pháp lý của Tội giết con mới đẻ là trường hợp giảm nhẹ của Tội giết người. Dấu hiệu cụ thể là người mẹ còn trong trạng thái mới sinh con, nghĩa là còn đang trong trạng thái tâm sinh lý không bình thường do tác động của việc sinh con.
Nạn nhân của Tội giết con mới đẻ là đứa trẻ do chủ thể sinh ra trong vòng 7 ngày tuổi. Kể từ ngày thứ 8 trở đi thì đứa trẻ đó không được coi là con mới đẻ nữa.
Về dấu hiệu động cơ phạm tội, việc giết con mới để là do hoàn cảnh bất đắc dĩ như ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng lạc hậu hoặc do hoàn cảnh khách quan đặc biệt khác.
Về hình phạt, trường hợp giết con mới đẻ là trường hợp giết người có tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đặc biệt, vì hành vi giết người là do hoàn cảnh đặc biệt đưa lại. Hơn nữa, người phạm tội đã thực hiện trong trạng thái tâm sinh lý không bình thường, khả năng nhận thức hạn chế. Người phạm tội này bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Còn trong trường hợp sản phụ không chứng minh được những dấu hiệu động cơ phạm tội “Giết con mới đẻ”. Tâm lý, tâm thần bình thường, cố tình muốn giết con thì sẽ có khả năng đối diện với Tội “Giết người”.
Theo Điều 123, Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017. Người vi phạm tội này bị phật tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình tùy theo từng trường hợp cụ thể.
Trước đó, khoảng gần 21 giờ, ngày 18/10, tại Khu chung cư HH Linh Đàm, người dân bỗng bất ngờ thấy một vật thể lạ bay xuống, khi đến gần, mọi người nhận ra đó là một trẻ sơ sinh mới đẻ, còn nguyên cuống rốn.
Hiện, cơ quan chức năng đang tiếp tục làm rõ vụ việc.
T.ABạn đang xem bài viết Trẻ sơ sinh bị ném ở Linh Đàm: Người mẹ ném con sẽ bị xử lý thế nào? tại chuyên mục Cuộc sống Muôn màu của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].