Trẻ ngủ ngáy là bị bệnh gì? Làm thế nào để giảm ngủ ngáy ở trẻ?

Không ít trẻ chỉ vừa ngủ đã phát ra tiếng ngáy to như người lớn. Trẻ ngủ ngáy có đáng lo và làm thế nào để khắc phục tình trạng ngủ ngáy ở trẻ là vấn đề mà nhiều mẹ quan tâm.

Trẻ ngủ ngáy có đáng lo?  

Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai, trẻ ngủ ngáy có thể dẫn đến nguy cơ rối loạn thở khi ngủ, ảnh hưởng tới sự phát triển về thể chất, tinh thần lẫn trí tuệ của trẻ.

Ngủ ngáy ở trẻ có thể do các nguyên nhân như: béo phì, cơ họng yếu, mắc các bệnh về mũi và sưng amidan, quá phát amidan…

Hiện tượng nà rất nguy hiểm nếu trẻ ngủ ngáy kèm những cơn ngưng thở khi ngủ.

Bởi khi đó, lượng oxy trong máu giảm xuống khiến oxy lên não của trẻ bị giảm theo. Và đến mức độ nào đó, tình trạng thiếu oxy sẽ bắt cơ thể phải thở, khiến trẻ rất khó chịu, ảnh hưởng tới giấc ngủ và chức năng hô hấp.

  Trẻ ngủ ngáy kèm theo ngưng thở khi ngủ sẽ khiến não trẻ bị thiếu oxy. Ảnh minh họa

Trẻ ngủ ngáy kèm theo ngưng thở khi ngủ sẽ khiến não trẻ bị thiếu oxy. Ảnh minh họa

“Nếu quan sát những em bé ngủ ngáy sẽ thấy trẻ có những cơn ngừng thở, sau đó lại ngáy và lại ngừng thở. Cứ tiếp diễn như vậy suốt 1 đêm sẽ khiến não trẻ bị thiếu oxy.

Và hậu quả là ngày hôm sau trẻ luôn cảm thấy buồn ngủ, mệt mỏi do ngủ không ngon giấc, thiếu ngủ. Với những trẻ ở độ tuổi đi học, ngủ ngáy kèm theo các cơn ngưng thở thường bị mất tập trung trong học tập, học kém” – Bác sĩ Dũng cho biết.

Ngưng thở khi ngủ ảnh hưởng tới trẻ như thế nào?

  • Trẻ ngủ không đủ giấc nên thường xuyên buồn ngủ vào ban ngày, ủ rũ dẫn đến kém tập trung khi ngủ, giảm khả năng học tập và làm việc.
  • Đái dầm rối loạn thở khi ngủ làm tăng sản xuất nước tiểu vào ban đêm, có thể dẫn đến đái dầm ở trẻ.
  • Tăng trưởng: Giảm sản xuất hormone tăng trưởng, dẫn đến trẻ chậm phát triển cơ thể, tăng trưởng chậm.
  • Béo phì: Do ngưng thở khi ngủ có thể làm tăng việc đề kháng với insulin hay do mệt mỏi nên trẻ giảm hoạt động thể chất dẫn đến tình trạng béo phì
  • Bệnh lý tim mạch: Tăng nguy cơ bệnh tăng huyết áp, các rối loạn tim mạch khác và bệnh lý ở phổi.
  • Giảm phát triển trí tuệ: Thường xuyên thiếu cung cấp oxy cho máu cũng như cho não dẫn đến giảm khả năng học tập sự chú ý.
  • Xã hội: Ảnh hưởng tới giấc ngủ của các trẻ khác khi ngủ cùng.
  Trẻ ở độ tuổi đi học, ngủ ngáy kèm theo các cơn ngưng thở sẽ làm trẻ bị mất tập trung trong học tập, học kém. Ảnh minh họa

Trẻ ở độ tuổi đi học, ngủ ngáy kèm theo các cơn ngưng thở sẽ làm trẻ bị mất tập trung trong học tập, học kém. Ảnh minh họa

Làm cách nào để giảm ngủ ngáy ở trẻ?

Ngủ ngáy chia thành ngủ ngáy sinh lý và ngủ ngáy bệnh lý, trường hợp ngủ ngáy sinh lý thì là tình trạng bình thường không đáng lo. Nhưng nếu trẻ ngủ ngáy bệnh lý thì cần phải tìm nguyên nhân và điều trị.

Bác sĩ Dũng cho biết, việc điều trị ngủ ngáy ở trẻ cần điều trị theo nguyên nhân. Với những trẻ ngủ ngáy, kèm cơn ngừng thở mà nguyên nhân do amidan thứ phát, thông thường sẽ phải chỉ định cắt amidan. Do vậy, việc theo dõi giấc ngủ của con để hạn chế tối đa tác hại của ngủ ngáy là rất quan trọng.

Việc tự theo dõi tình trạng ngủ ngáy của trẻ tại nhà thường khá đơn giản. Phụ huynh chỉ cần đợi con ngủ say, vào giấc và theo dõi. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất mà cha mẹ cần quan tâm đó là chú ý đến cơn ngừng thở của con.

Nếu trẻ ngáy thành từng cơn, xong đột nhiên ngừng một quãng lâu thì đó là cơn ngừng thở. Trường hợp này cha mẹ nên đưa con đi khám. Tại bệnh viện, các bác sĩ sẽ quyết định trường hợp này đã phải can thiệp cắt amidan chưa hay chỉ cần điều trị bằng thuốc…

Cũng có nhiều trường hợp có trẻ bị amidan rất bé, không sưng nhưng vẫn ngủ ngáy, khám xong mới biết trẻ mắc kèm thêm viêm mũi, tắc mũi. Lúc đó, điều trị chỉ cần tập trung vào bệnh lý về mũi, còn amidan chưa chắc phải cắt bỏ do không đủ lớn để làm cản trở đường thở.

  Thường xuyên nhỏ nước muối sinh lý cho bé cũng là cách để vệ sinh đường hô hấp, giảm ngủ ngáy ở trẻ. Ảnh minh họa

Thường xuyên nhỏ nước muối sinh lý cho bé cũng là cách để vệ sinh đường hô hấp, giảm ngủ ngáy ở trẻ. Ảnh minh họa

Để hạn chế tình trạng ngủ ngáy ở trẻ em, các bậc cha mẹ nên theo dõi giấc ngủ của con, khi con ngáy, có thể đặt trẻ nằm nghiêng sang 1 bên sẽ giúp trẻ dễ ngủ hơn. Đồng thời thực hiện thêm một số biện pháp như:

  • Giảm cân cho trẻ có tình trạng thừa cân, béo phì.
  • Cho trẻ tránh xa khói thuốc lá
  • Sử dụng máy tạo ẩm để làm tăng độ ẩm trong phòng giúp bé dễ thở hơn khi ngủ.
  • Nhỏ nước muối sinh lý cho bé trước khi đi ngủ.
  • Tập cho trẻ ngủ nghiêng thay vì nằm ngửa.
  • Dọn dẹp phòng các vật dụng như chăn ga gối thường xuyên, tránh tác nhân gây dị ứng cho bé
  • Khi thấy trẻ ngủ ngáy mà kèm theo các dấu hiệu bất thường cần đến các cơ sở y tế để khám để đưa ra phương pháp điều trị. 
An An

Tin liên quan

từ khóa Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO Bất động sản- Tài chính