Tuy nhiên cha mẹ không nên coi đó là cách để giảm bớt công việc của mình. Thay vào đó, làm việc nhà là cách để cha mẹ dạy con những bài học cuộc sống.
Dưới đây là độ tuổi thích hợp cho trẻ làm việc nhà.
Từ 2-5 tuổi: Học làm các việc nhẹ theo trình tự
Với trẻ độ tuổi này, làm việc nhà giúp trẻ phát triển các kỹ năng mới và cho trẻ thấy rằng mọi công việc đều có trình tự đầu - giữa - cuối.
Ví dụ con mặt quần áo, sau đó thay quần áo và cho vào giỏ đựng đồ giặt.
Các công việc nhà đơn giản này sẽ dạy con cách chia những công việc lớn thành các bước nhỏ hơn.
Một số việc nhà trẻ có thể làm ở độ tuổi này là dọn dẹp đồ chơi, sách vở, cho quần áo bẩn vào giỏ, dọn giường, dọn bát đĩa sau khi ăn.
Từ 6-7 tuổi: Học giúp đỡ và tham gia làm việc theo nhóm
Ở độ tuổi này, cha mẹ có thể dạy trẻ làm việc theo nhóm và giúp đỡ người khác: ví dụ để trẻ phụ lặt vặt khi nấu ăn, bày mâm bát, lên danh sách mua đồ và lấy đồ cần mua ở cửa hàng. Ngoài ra có thể cho trẻ chăm sóc thú cưng, tưới cây trong nhà.
Các công việc nhà sẽ khiến trẻ cảm thấy được tham gia cùng cha mẹ và tạo cơ hội kết nối các thành viên trong gia đình.
Từ 8-9 tuổi: Biết để đồ đúng chỗ
Khi trẻ lớn hơn, trẻ cần chịu trách nhiệm với bản thân hơn, ví dụ như quản lý đồ dùng của mình.
Trẻ cần biết sắp xếp đồ vật trong nhà đúng chỗ, ví dụ dụng cụ học tập, đồ chơi, quần áo.
Bằng cách này, trẻ sẽ học được tính ngăn nắp, giữ nhà cửa gọn gàng.
Các việc nhà trẻ có thể làm: sắp xếp đồ đạc, gập và cất quần áo, cất bát đĩa sạch lên giá.
Từ 10-11 tuổi: Biết tự dựa vào bản thân hơn
Đến độ tuổi này, trẻ có thể làm những nhiệm vụ lớn hơn. Cha mẹ có thể giao cho trẻ những công việc đòi hỏi tính giờ giấc như chuẩn bị đồ ăn sáng hoặc đồ ăn trưa trước khi đi học.
Các công việc nhà phức tạp và nhiều giai đoạn như làm bữa sáng sẽ dạy cho trẻ biết phải lên kế hoạch từ trước và xác định các bước cần thiết để hoàn thành nhiệm vụ.
Điều này sẽ dạy trẻ học quản lý thời gian và kỹ năng giải quyết vấn đề.
Một số việc nhà cho trẻ trong độ tuổi này: làm bữa sáng, chuẩn bị đồ ăn trưa khi đi học, đổ rác, quét nhà, hút bụi trong nhà.
Từ 12-15 tuổi: Học cách sắp xếp thứ tự ưu tiên
Với trẻ thanh thiếu niên, các công việc nhà sẽ giúp xây dựng sự tự tin cho trẻ nếu trẻ cảm thấy mình có năng lực và được tin tưởng, hay nói cách khác là được đối xử như người trưởng thành.
Khi đó, nếu cha mẹ giao cho trẻ những công việc phù hợp lứa tuổi thì sẽ giúp tạo động lực cho con.
Điều quan trọng là phải dạy trẻ tính tự giác và cách sắp xếp thứ tự ưu tiên cho công việc.
Do đó cha mẹ có thể cho trẻ được linh hoạt và tự do khi làm việc nhà.
Gợi ý một số công việc cho trẻ độ tuổi này: rửa xe, giặt quần áo, dọn sân vườn, thay ga trải giường, là quần áo, may cúc quần áo, lau cửa sổ.
Từ 16 tuổi trở lên: Chuẩn bị cho cuộc sống trưởng thành
Khi trẻ bước vào tuổi vị thành niên, trẻ đã có kha khá năng lực và khả năng tự lập, vì vậy cha mẹ nên cho con làm những việc nhà mà người trưởng thành bình thường đều làm.
Các công việc này bao gồm quản lý tiền bạc và đối phó với các tình huống khẩn cấp.
Song, dù các kỹ năng này sẽ có ích cho cuộc sống sau này của con nhưng điều đó không có nghĩa là cha mẹ nên đổ hết việc nhà cho con.
Gợi ý một số việc nhà cho con ở độ tuổi này: mua sắm, nấu ăn, bảo hành xe, thay bóng đèn, vệ sinh tủ lạnh,...
(Theo Bright Side)
Hoàng NguyênBạn đang xem bài viết Trẻ mấy tuổi thì cha mẹ nên bắt đầu cho làm việc nhà và làm những công việc gì? tại chuyên mục Dạy con của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].