Trẻ không được uống thuốc hạ sốt kịp thời sẽ nguy hiểm tới sức khoẻ ra sao?

Không ít mẹ kiên quyết không cho con dùng thuốc hạ sốt để giảm tác dụng phụ của thuốc. Nhưng nếu mẹ không hạ sốt đúng cách khi trẻ bị sốt cao trên 38,5°C thì trẻ có thể gặp phải những biến chứng nguy hiểm.

Những nguy cơ khi không dùng thuốc hạ sốt cho trẻ

- Trẻ bị sốt cao hơn: Nếu trẻ bị sốt trên 38,5°C mà không dùng thuốc hạ sốt kịp thời thì bé có nguy cơ bị sốt cao hơn nữa. Trẻ bị sốt thường kèm mệt mỏi, chán ăn hoặc ít bú, thở nhanh, quấy khóc, ít vận động nên càng giữ nhiệt và dễ bị sốt cao hơn.

- Trẻ bị ngộ độc: Thay vì dùng thuốc hạ sốt, nhiều mẹ dùng các loại thảo dược hạ sốt cho con và cách này có thể làm trẻ bị ngộ độc do uống quá liều lượng hoặc trẻ bị dị ứng, có thể tiềm ẩn những rủi ro ngoài ý muốn.

- Trẻ bị co giật: Co giật là một biến chứng hay gặp ở trẻ bị sốt cao trên 39°C. Trẻ bị co giật thường có những dấu hiệu như hai mắt trợn ngược, tay chân co cứng, sùi bọt mép… Nếu cơn giật kéo dài do sốt cao thì có thể gây biến chứng lâu dài, đặc biệt đối với trẻ có bệnh động kinh tiềm ẩn.

  Trẻ không được uống thuốc hạ sốt kịp thời có thể gặp phải biến chứng nguy hiểm. Ảnh minh họa

Trẻ không được uống thuốc hạ sốt kịp thời có thể gặp phải biến chứng nguy hiểm. Ảnh minh họa

Để tránh các nguy cơ tiềm ẩn trên, mẹ cần tỉnh táo khi áp dụng các cách hạ sốt tại nhà. Mẹ có thể áp dụng cách hạ sốt nhanh không dùng thuốc khi bé sốt nhẹ nhưng phải đảm bảo thực hiện đúng cách. Trường hợp bé bị sốt trên 38,5°C thì mẹ có thể cân nhắc dùng thuốc hạ sốt Paracetamol.

Dùng thuốc hạ sốt cho trẻ thế nào cho đúng?

Theo bác sĩ Anh Tuấn, BV Nhi đồng 1, cha mẹ nên sử dụng thuốc có “chất thuốc” bên trong là Paracetamol hay Acetaminophen. Dùng hiệu gì cũng được, miễn là thuốc bên trong là Paracetamol hay Acetaminophen thì sẽ an toàn cho bé.

Liều lượng Paracetamol hay Acetaminophen được khuyến cáo là: 10-15mg cho mỗi kg cân nặng cho mỗi lần dùng.

Ví dụ:

- Bé nặng 8kg thì mỗi lần dùng từ 80mg đến 120mg.

- Bé nặng 10kg thì mỗi lần dùng từ 100mg đến 150mg

- Bé nặng 15kg thì mỗi lần dùng từ 150mg đến 220mg

- Bé nặng 20kg thì mỗi lần dùng từ 200mg đến 300mg…

Với những “bé bự” thì mỗi lần dùng tối đa là viên 500mg, không nên dùng hơn trừ khi có ý kiến của bác sĩ.

Thông thường có 2 dạng thuốc để dùng hạ sốt cho trẻ là thuốc uống và đặt hậu môn. Hiện nay về hiệu quả 2 loại được xem là ngang nhau.

Loại uống nên dùng khi trẻ còn thức. Khi trẻ ngủ thì hoặc là gọi trẻ dậy uống, hoặc nếu muốn giữ giấc ngủ cho trẻ thì cứ để trẻ ngủ và đặt viên hậu môn cho trẻ.

Khoảng cách giữa 2 lần dùng thuốc hạ sốt là cách nhau từ 4 - 6 tiếng đồng hồ.

Phần lớn các mẹ lo sợ tác dụng phụ khi dùng thuốc hạ sốt là vì chưa tìm hiểu kỹ giới hạn nhiệt độ cho phép khi dùng. Nếu mẹ dùng thuốc hạ sốt đúng liều lượng và kịp thời thì đây sẽ là cách hạ sốt cho bé nhanh nhất mà vẫn đảm bảo an toàn.

An An

Tin liên quan

từ khóa Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO Bất động sản- Tài chính