Các bác sĩ của Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM mới tiếp nhận và điều trị cho một em bé nhập viện vì bệnh tay chân miệng. Bé vào viện với mụn nước toàn thân và bé nhanh chóng có triệu chứng thần kinh, giật mình, run yếu cơ liên tục và phù phổi cấp.
Các bác sĩ đã tiến hành điều trị tích cực cho bé và đến nay, sau hơn một tuần điều trị hồi sức tích cực, tình trạng của bé đã ổn định, tỉnh táo dần.
Qua trường hợp này các bác sĩ cảnh báo cha mẹ, đang vào mùa bệnh tay chân miệng và bệnh có thể diễn biến nặng, với các triệu chứng nặng diễn tiến nhanh khó lường.
Do đó, khi con bị tay chân miệng, cha mẹ cần theo dõi sát, nên đưa con đi khám ngay nếu con mắc tay chân miệng kèm sốt cao liên tục hoặc ngủ giật mình chới với, đi đứng loạng choạng, run yếu tay chân, hôn mê, co giật…
Theo TS.BS Nguyễn Văn Lâm, BV Nhi Trung ương, bệnh tay chân miệng tuy có diễn biến nhanh và có nhiều biến chứng nguy hiểm nhưng cha mẹ hoàn toàn có thể nhận biết trẻ mắc bệnh qua các dấu hiệu dễ nhận biết bao gồm:
– Sốt: sốt nhẹ hoặc sốt cao. Sốt cao không thể hạ là dấu hiệu cảnh báo bệnh nặng.
– Tổn thương ở da: dát đỏ, mụn nước ở các vị trí đặc biệt như họng, quanh miệng, lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông, đầu gối…
Khi phát hiện trẻ mắc bệnh, gia đình nên đưa con đến khám tại các cơ sở y tế, đặc biệt là tại chuyên khoa Truyền nhiễm trẻ em để được tư vấn kỹ hơn về cách chăm sóc, cách phát hiện triệu chứng nặng để có thể đưa trẻ đến y tế kịp thời, tránh hậu quả đáng tiếc.
Trong trường hợp gia đình có trẻ mắc tay chân miệng cần đảm bảo:
– Vệ sinh cá nhân, rửa tay bằng xà phòng (đặc biệt sau khi thay quần áo, tã, sau khi tiếp xúc với phân, nước bọt).
– Rửa sạch đồ chơi, vật dụng, sàn nhà.
– Lau sàn nhà bằng dung dịch khử khuẩn Cloramin B 2% hoặc các dung dịch khử khuẩn khác.
– Cách ly trẻ bệnh tại nhà. Không đến nhà trẻ, trường học, nơi các trẻ chơi tập trung trong 10-14 ngày đầu của bệnh.
An AnBạn đang xem bài viết Trẻ bị tay chân miệng, cha mẹ cần cảnh giác với những dấu hiệu nguy hiểm nào? tại chuyên mục Tin y tế của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].