Báo Điện tử Gia đình Mới

TP.HCM đề ra các giải pháp phòng chống dịch sau khi ghi nhận ca mắc COVID-19 mới

Sau gần 3 tháng không ghi nhận ca mắc COVID-19 trong cộng đồng, chiều ngày 29/4 TP.HCM lại tiếp tục có ca bệnh mới – BN2910.

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM, BN2910 là người tiếp xúc gần với một bệnh nhân COVID-19 (BN 2899), là người nhập cảnh đã hoàn thành thời gian cách ly tập trung trước khi về địa phương.

Việc này đặt ra cho TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung nhiều vấn đề phải suy nghĩ và chấn chỉnh.

Tại cuộc họp khẩn ngày 30/4 của Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 thành phố Hồ Chí Minh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Nguyễn Thành Phong chỉ đạo các Sở, ban, ngành  cần thực hiện nghiêm túc các nội dung sau để phòng chống dịch bệnh COVID-19.

  TP.HCM tăng cường phòng chống dịch sau khi ghi nhận ca mắc COVID-19 mới. Ảnh minh họa

TP.HCM tăng cường phòng chống dịch sau khi ghi nhận ca mắc COVID-19 mới. Ảnh minh họa

Việc tổ chức cách ly tập trung: phải đảm bảo không để xảy ra tình trạng lây nhiễm trong khu cách ly, những đợt cách ly có ca dương tính phải điều tra nghiêm túc tình trạng tiếp xúc và phải đảm bảo cách ly đủ thời gian quy định đối với người tiếp xúc gần tính từ ngày tiếp xúc cuối cùng với ca dương tính; không cho kết thúc cách ly khi chưa đủ thời gian theo quy định. Những người phục vụ trong khu cách ly phải nghiêm túc chấp hành các quy định về phòng hộ cá nhân, không để xảy ra lây nhiễm giữa người cách ly và nhân viên phục vụ. Khi có người kết thúc cách ly, khu cách ly có nhiệm vụ truyền thông những việc phải làm sau khi kết thúc cách ly và ký cam kết chấp hành, thông báo danh sách về các địa phương để tiếp tục giám sát theo hướng dẫn của Ban Chỉ đạo quốc gia. Người đứng đầu khu cách ly chịu trách nhiệm chính về việc này.

Nghiêm túc thực hiện giám sát người sau cách ly tập trung về địa phương: nhắc nhở tuân thủ các quy định như hạn chế tiếp xúc người khác trong 14 ngày sau cách ly đồng thời có đáp ứng kịp thời khi người vừa hoàn thành cách ly khai báo các vấn đề sức khỏe; không để xảy ra tình trạng chậm trễ.

Ngành y tế phối hợp với các địa phương, đơn vị tiếp tục giám sát chặt chẽ các địa bàn, lĩnh vực có nguy cơ cao lây nhiễm COVID-19, phát hiện sớm bệnh xâm nhập, khoanh vùng xử lý kịp thời, không để dịch lây lan trong cộng đồng.

Mỗi địa phương, mỗi cơ quan, đơn vị cần chủ động rà soát đánh giá mức độ an toàn hoặc mức độ nguy cơ lây nhiễm dịch trong phạm vi của mình để từ đó có biện pháp kiểm soát phù hợp. Bên cạnh đó, cần tự xây dựng  các phương án ứng phó với từng tình huống dịch bệnh để chủ động đáp ứng.

Tổ chức tiêm chủng vắc-xin phòng COVID-19 an toàn và hiệu quả:  Để sử dụng an toàn và hiệu quả lượng vắc-xin được cấp, ngành y tế cần có phương án tổ chức các điểm tiêm chủng đảm bảo tất cả các quy định chuyên môn của Bộ Y tế; phối hợp các ngành liên quan đánh giá nguy cơ để xác định chính xác thứ tự ưu tiên tiêm chủng trong khuôn khổ Nghị quyết 21 của Chính phủ và phù hợp với thực tiễn của thành phố.

Nghiêm túc thực hiện thông điệp 5K của Bộ Y tế: Việc triển khai tiêm vắc-xin phòng COVID-19 trong một thời gian ngắn không thể bao phủ cho toàn bộ người dân thành phố, trong khi nguy cơ xâm nhập bệnh là rất lớn. Do đó, việc thực hiện thông điệp 5K vẫn có ý nghĩa quyết định trong công tác phòng chống dịch COVID-19 tại thành phố. Và như vậy, để duy trì thành quả chống dịch của toàn dân thành phố suốt một năm qua thì cần sự chung tay của cả cộng đồng thực hiện nghiêm thông điệp 5K.

Tiếp tục kiểm soát chặt chẽ việc nhập cảnh trái phép: phát huy vai trò của Tổ dân phố và các gia đình có người thân ở nước ngoài, để chủ động đưa người thân ra trình diện chính quyền địa phương nếu nhập cảnh trái phép. Công an TP. Hồ Chí Minh cần phối hợp chặt chẽ với Bộ tư lệnh Thành phố tổ chức vận chuyển, tiếp nhận, quản lý và cách ly y tế theo quy định các đối tượng nhập cảnh trái phép, trong khi chờ thực hiện các biện pháp xử lý nhập cảnh trái phép; khẩn trương thành lập và vận hành khu cách ly y tế tập trung dành riêng cho đối tượng này.

Bộ Tư lệnh thành phố: chịu trách nhiệm triển khai 3-4 Khu cách ly tập trung, mỗi khu có sức chứa khoảng 400 người và tổ chức quản lý, vận hành theo văn bản chỉ đạo số 3400/BTL-TM ngày 20/11/2020  của Bộ tư lệnh Quân khu 7 để đảm bảo tiếp nhận người nhập cảnh, phải cách ly tập trung tại TP. HCM; phối hợp với Sở Y tế để thực hiện giám sát y tế theo quy định trong thời gian cách ly.

An An/giadinhmoi.vn

Tin liên quan

Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO