Báo Điện tử Gia đình Mới

Top 3 bài phát biểu 20/11 của lãnh đạo địa phương hay nhất

Tham khảo những bài phát biểu 20/11 của lãnh đạo các địa phương hay nhất để chuẩn bị cho dịp kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam sắp tới.

1. Bài phát biểu 20/11 của lãnh đạo xã

Empty

Tham khảo mẫu bài phát biểu 20/11 của phó chủ tịch UBND xã Tân Thọ tại trường THCS Tân Thọ nhân lễ kỷ niệm 40 năm ngày nhà giáo Việt Nam 20/11/1982 - 20/11/2022.

Kính thưa các nhà giáo lão thành, kính thưa các thầy cô giáo !

Kính thưa các quý vị đại biểu !

Tháng 01/1946, tổ chức quốc tế các nhà giáo tiến bộ được thành lập ở Paris (thủ đô nước Pháp) lấy tên là FISE (Liên hiệp quốc tế các Công đoàn Giáo dục). Năm 1949, tại Hội nghị quốc tế Vacsava (Varsovie - Thủ đô của Ba Lan) tổ chức FISE xây dựng một bản "Hiến chương nhà giáo" gồm 15 chương. Nội dung chủ yếu là đấu tranh chống nền giáo dục tư sản, phong kiến; xây dựng nền giáo dục tiến bộ; bảo vệ những quyền lợi vật chất và tinh thần chính đáng của nghề dạy học và nhà giáo.

Năm 1953, Đoàn Việt Nam do Thứ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục Nguyễn Khánh Toàn làm trưởng đoàn dự Hội nghị kết nạp Công đoàn giáo dục một số nước vào tổ chức “Liên hiệp quốc tế các Công đoàn Giáo dục – FISE” tại Viên (Thủ đô CH Áo), trong đó có Công đoàn Giáo dục Việt Nam.

Từ ngày 26 đến 30/8/1957, tại Thủ đô Vacsava, Hội nghị FISE có 57 nước tham dự, trong đó có Công đoàn giáo dục Việt Nam, quyết định lấy ngày 20 tháng 11 làm ngày Quốc tế Hiến chương các nhà giáo.            Ngày 20/11/1958 lần đầu tiên ngày "Quốc tế Hiến chương các nhà giáo" được tổ chức trên toàn miền Bắc nước ta và những năm sau đó, ngày lễ 20/11 còn được tổ chức tại các vùng giải phóng ở miền Nam.

Theo đề nghị của ngành Giáo dục, ngày 28/9/1982 Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã ban hành Quyết định số 167-HĐBT về ngày Nhà giáo Việt Nam. Trong đó có điều khoản quy định, lấy ngày 20/11 hàng năm là ngày Nhà giáo Việt Nam.

Ngày 20/11/1982, là lễ kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam đầu tiên được tiến hành trọng thể trong cả nước ta. Từ đó đến nay, đây là ngày truyền thống của ngành giáo dục để tôn vinh những người làm công tác trồng người. Và rất nhanh ngày 20/11 sớm đã trở thành một ngày lễ kỷ niệm nghề giáo truyền thống của Việt Nam. Điều này vô cùng phù hợp với một dân tộc ta, một dân tộc hiếu học và truyền thống tôn sự trọng đạo như Việt Nam. Ngày 20/11 chính là dịp để thế hệ học sinh thể hiện lòng biết ơn, tri ân sâu sắc đến thầy cô giáo của mình. Dù đang ngồi hay rời xa ghế nhà trường, cứ đến ngày 20/11, mọi người đều hướng đến thầy cô giáo, gửi những lời chúc, những món quà tốt đẹp đến thầy cô.

Kính thưa các quý vị đại biểu, các thầy cô giáo !

Ngay sau khi QĐ 167-HĐBT ra đời, “Ngày Nhà giáo Việt Nam” đầu tiên được tổ chức trọng thể vào ngày 20/11/1982 tại Hội trường Ba Đình, Hà Nội. Từ đó đến nay “Ngày Nhà giáo Việt Nam” đã trở thành ngày kỷ niệm của toàn xã hội ở nước ta. Đó là dịp để Đảng và nhà nước ghi nhận công lao của các nhà giáo, của ngành giáo dục, để toàn xã hội thể hiện tình cảm tốt đẹp đối với ngành GD&ĐT và đối với những người làm công tác giáo dục, khẳng định những cống hiến, đóng góp của ngành giáo dục và đào tạo đối với thế hệ trẻ, củng cố lòng yêu nghề của các nhà giáo. Sự tôn vinh người thầy không chỉ nói lên truyền thống tốt đẹp “Tôn sư trọng đạo” của người Việt Nam mà còn biểu thị niềm tin, lòng mong mỏi của toàn XH đối với các Thầy cô giáo đòi hỏi mỗi nhà giáo và người làm giáo dục phải không ngừng phấn đấu rèn luyện trau dồi đạo đức, tình yêu nghề nghiệp, phong cách và trình độ chuyên môn, nghiệp vụ để hoàn thành tốt nhiệm vụ xứng đáng với vinh dự của một nghề cao quý.

Kính thưa quý vị đại biểu, quý Thầy Cô giáo!

Lịch sử ngàn năm văn hiến của dân tộc ta đã được các thế hệ cha ông xây dựng bồi đắp nên những giá trị truyền thống văn hoá đậm bản sắc dân tộc. Chính sức mạnh của truyền thống văn hoá ấy đã làm nên sự trường tồn của dân tộc Việt Nam. Để lưu giữ vun đắp và truyền lại những giá trị truyền thống đó từ thế hệ này qua thế hệ khác, qua bao biến cố của lịch sử cha ông ta đã phải trải qua bao thử thách hy sinh. Có thể nói rằng trong quá trình đấu tranh và phát triển nền văn hóa dân tộc, vai trò của các thế hệ nhà giáo Việt Nam đã đóng góp một cách xứng đáng. Và cũng có nghĩa rằng trong những giá trị truyền thống văn hoá Việt Nam đã có chứa đựng những truyền thống tốt đẹp của nhà giáo Việt Nam.

Thưa các đồng chí, thưa các thầy cô giáo và các bạn!

Bài học về những nét đẹp của truyền thống nhà giáo Việt Nam đã luôn luôn giúp cho các thế

hệ nhà giáo tu dưỡng rèn luyện, phấn đấu hết mình cho sự nghiệp cao cả mà từ ngàn xưa luôn được nhân dân ta tôn vinh kính trọng. Nói tới vị trí xã hội và vai trò người thầy giáo, Nguyễn Trãi một nhà giáo và là nhà văn hóa lớn của dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới, viết: "Người thầy giáo không những dạy chữ mà còn dạy đạo lý làm người". Đó là đào luyện tâm hồn, đào tạo lớp lớp thế hệ trẻ, lớp sau kế tiếp lớp trước bước vào đời, xây dựng và bảo vệ tổ quốc.

Cũng nói về vấn đề này, Tago - nhà hiền triết và thi hào của ấn Độ viết: "Giáo dục một người đàn ông thì được một con người, giáo dục một người đàn bà thì được một gia đình, giáo dục một người thầy giáo thì được một thế hệ". Có lẽ câu này đúng với mọi dân tộc, mọi quốc gia, mọi thời đại, còn với Việt Nam nơi xứ sở của truyền thống tôn sư trọng đạo, quý mến thầy giáo thì điều đó vô cùng to lớn. Vì nó đã đi sâu vào thơ ca " Qua sông phải bắc cầu Kiều - Muốn con hay chữ phải yêu lấy thầy". Ca ngợi nghề dạy học cố thủ tướng Phạm Văn Đồng nói: "Nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý, nghề sáng tạo nhất trong các nghề sáng tạo". Người thầy giáo vinh dự đã lớn nhưng trọng trách lại càng nặng nề, tính chuẩn mực, mô phạm đòi hỏi càng cao, người thầy giáo phải "Khuôn vàng thước ngọc" là "Tấm gương cho học sinh noi theo". Người thầy giáo là bác sĩ tâm hồn có lòng nhân ái cứu chữa cho những con người tha hoá biến chất thành những người có tâm hồn trong sáng hơn.

Empty

Người thầy trong xã hội Việt Nam từ bao đời nay là biểu tượng cao quý, tượng trưng cho trí tuệ, tài năng của xã hội. Bao đời nay dân ta vẫn nói " Không thầy đố mày làm nên". Dẫu rằng thầy không phải là tất cả, nhưng đội ngũ của thầy cô giáo quyết định trong sự nghiệp nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài.

Ôn lại truyền thống ngày Nhà giáo Việt Nam, mỗi nhà giáo càng tăng lòng thiết tha yêu nghề dạy học và tự hào về vị trí xã hội, sự vinh quang của nghề nghiệp như chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói : "Người thầy giáo tốt, thầy giáo xứng đáng là thầy giáo, là người vẻ vang nhất, những thầy giáo tốt là anh hùng vô danh”.

Kính thưa các quý vị đại biểu, các thầy cô giáo, thưa các em học sinh !

Ngày nay tuyệt đại bộ phận các thầy giáo, cô giáo vẫn giữ được phẩm chất trong sạch, bền bỉ vượt qua mọi thử thách, luôn giữ mình là "tấm gương sáng", người dạy phải hết sức tránh lối dạy nhồi nhét, tránh lối học vẹt mà phải dạy cho người học cách suy nghĩ tìm tòi, cách mở rộng tư duy và khuyến khích năng lực sáng tạo của người học.

Các thế hệ nhà giáo của các nhà trường ở Tân Thọ ta trong mấy chục năm qua đã không ngừng phát huy những truyền thống tốt đẹp của nhà giáo Việt Nam. Cùng với sự đi lên của địa phương, sự nghiệp giáo dục đào tạo của các nhà trường đang ngày càng phát triển vững chắc.

Được sự quan tâm của cấp uỷ Đảng, chính quyền và sự hỗ trợ to lớn của nhân dân, của hội cha mẹ học sinh, các nhà hảo tâm các nhà tài trợ, đến nay kết quả giáo dục của xã  nhà đã thu được những kết quả đáng phấn khởi. Đội ngũ giáo viên không ngừng vươn lên trong công tác giảng dạy, học tập, nhiều thầy cô giáo vượt mọi khó khăn học tập nâng cao trình độ nghiệp vụ và chính trị.

Đến nay toàn xã có 51 hội viên giáo chức đã hoàn thành chức trách của một nhà giáo trở về cuộc sống đời thường, hiện 3 cấp học có 58 CB-GV biên chế và hợp đồng chính thức, ngoài ra còn có các thầy cô dạy tăng cường liên trường và nhân viên hợp đồng khác. Đa số đội ngũ đạt trình độ đại học, tỉ lệ trên chuẩn ngày càng cao, (MN có 17 đại học, trung cấp 2, 3 nhân viên chưa qua đào tạo; TH có 19 đại học, 1 trung cấp; THCS có 16 đại học). Hiện có gần 50% giáo viên đạt giáo viên giỏi từ cấp huyện trở lên ở các nhà trường, 25/58 giáo viên đứng lớp.

Chi bộ Đảng các nhà trường trong sạch vững mạnh nhiều năm liền, công đoàn vững mạnh. Toàn thể cán bộ giáo viên trường đã phấn đấu vươn lên về mọi mặt. Tập thể trường là một khối đoàn kết nhất trí xây dựng đơn vị ngày càng lớn mạnh, phát triển về mọi mặt.

Kính thưa các quý vị đại biểu, các thầy cô giáo, các đồng chí CB-CNV!

Kế thừa và phát huy các thành quả đã đạt được trong những năm qua, Chi bộ, BGH các nhà trường đã lãnh đạo, chỉ đạo nhà trường tiếp tục đạt được những kết quả quan trọng, toàn diện, chất lượng GD không ngừng được nâng cao và có chiều hướng phát triển đồng đều công tác GD đạo đức HS cũng đạt được những thành công mới trước những sự biến đổi phức tạp của các tệ nạn XH.

Với sự quan tâm chỉ đạo sâu sắc của các cấp và sự cố gắng của các thầy cô giáo, CB-CNV, các nhiệm vụ trọng tâm của năm học ở mỗi nhà trường được thực hiện tốt với mục tiêu tất cả vì chất lượng thật, hiệu quả cao, đẩy mạnh cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức HCM, cuộc vận động Dân chủ, kỷ cương, tình thương, trách nhiệm; Xây dựng nhà trường văn hoá, nhà giáo mẫu mực, HS là con ngoan trò giỏi mà ngành đã phát động trong mấy năm qua; tích cực hưởng ứng cuộc vận động Mỗi nhà giáo là một tấm gương sáng về đạo đức, tự học và sáng tạo do Bộ Giáo Dục và Đào Tạo và công đoàn ngành. Trong năm học này các nhà trường cùng với cấp ủy đảng, chính quyền, các tổ chức đoàn thể, phụ huynh học sinh và nhân dân, tập trung xây dựng trường học XANH – SẠCH – ĐẸP – AN TOÀN như Nghị quyết của Đảng bộ huyện Nông Cống đề ra.

Để hoàn thành tốt nhiệm vụ đó, bên cạnh đòi hỏi một sự nỗ lực, cố gắng nhiều hơn nữa, tinh thần trách nhiệm cao hơn nữa của đội ngũ các thầy cô giáo, các cán bộ, giáo viên, nhân viên trong các nhà trường, Đảng, Chính quyền, phụ huynh và nhân dân cần chú trọng thực hiện tốt các nội dung lớn sau đây:

Một là: Đối với Đảng bộ, xây dựng Nghị quyết chuyên đề về giáo dục đào tạo xã nhà phù hợp với yêu cầu phát triển hiện nay và tầm nhìn như các Nghị quyết của Đảng về GD-ĐT đã đề ra.

  Hai là: Đối với Hội đồng nhân dân, UBND xây dựng các đề án, kế hoạch phát triển giáo dục đào tạo nhất là việc tăng cường CSVC cho các nhà trường đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục; trường chuẩn quốc gia và mục tiêu trường học XANH – SẠCH – ĐẸP – AN TOÀN.

Ba là: Đối với các ban ngành, tổ chức đoàn thể địa phương tăng cường công tác tuyên truyền tích cực về giáo dục địa phương, phối hợp với các nhà trường trong tất cả các hoạt động giáo dục ở các nhà trường, nhất là giáo dục đạo đức, giáo dục pháp luật...

Bốn là: Đối với các bậc ông bà cha mẹ chăm lo hơn nữa tới con em mình, để mỗi con em đảm bảo trở thành những con ngoan, trò giỏi, các công dân có trách nhiệm với chính bản thân, với cộng đồng và quê hương đất nước.

Kính thưa các vị đại biểu, thưa các thế hệ thầy cô giáo !

Mừng 40 năm ngày nhà giáo Việt Nam 20-11 năm nay, cho phép tôi kính đề nghị các cấp lãnh đạo Đảng, chính quyền và các ban ngành, đoàn thể hãy tiếp tục quan tâm hơn nữa đến sự nghiệp trồng người, cùng với nhà trường quyết tâm xây dựng một môi trường lành mạnh. Tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa kết quả hoạt động xã hội hoá giáo dục, tạo mọi điều kiện tốt nhất cho các nhà giáo thực hiện tốt thiên chức của mình nhằm nâng cao chất lượng giáo dục để nâng cao mặt bằng dân trí, đào tạo nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài cho quê hương đất nước.

Thay mặt các đồng chí lãnh đạo địa phương, tôi kêu gọi toàn thể CB-GV-NV các nhà trường phát huy cao độ truyền thống tốt đẹp của ngày nhà giáo Việt Nam, quyết tâm tu dưỡng rèn luyện, tận tụy với nghề nghiệp, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm học.

Hôm nay có mặt các em học sinh, đại diện cho gần 700 học sinh xã nhà, tôi đề nghị các em đang học ở các nhà trường phát huy hơn nữa tinh thần hiếu học, phấn đấu nỗ lực trong học tập và rèn luyện về mọi mặt để thực sự đáp ứng yêu cầu trong sự phát triển của thời đại công nghệ số hiện nay, cũng như biết kính trên nhường dưới, biết kính thầy mến bạn… phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam.

Cuối cùng kính chúc quý vị đại biểu, các nhà giáo đã và đang công tác, dồi dào sức khỏe, hạnh phúc và chúc ngày nhà giáo việt nam thật ý nghĩa. Chúc buổi lễ kỷ niệm ngày nhà giáo Việt Nam thành công tốt đẹp!

Xin trân trọng cảm ơn!

2. Bài phát biểu 20/11 của lãnh đạo quận

Empty

Tham khảo bài phát biểu của lãnh đạo quận Thanh Xuân (Hà Nội) nhân dịp gặp mặt kỷ niệm 38 năm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 và Vinh danh các tập thể, cá nhân tiêu biểu trong năm học 2019 - 2020.

Kính thưa................................................................................ ;

Kính thưa: Đ/c Nguyễn Xuân Lưu - Thành ủy viên, Bí thư Quận ủy, Chủ tịch UBND quận;

Kính thưa các quý vị đại biểu, các thầy giáo, cô giáo! Kính thưa các bậc phụ huynh, các em học sinh yêu quý!

Còn khoảng hơn 1 tuần nữa là đến ngày 20/11 – Ngày Nhà giáo Việt Nam. Trong không khí và tình cảm tri ân dành cho các thế hệ nhà giáo, hôm nay, quận Thanh Xuân long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 38 năm ngày Nhà giáo Việt Nam và vinh danh các thầy, cô giáo, các em học sinh đã đạt thành tích xuất sắc trong năm học 2019 - 2020. Cho phép tôi được thay mặt các đồng chí Lãnh đạo Quận ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ quận xin gửi tới các thầy giáo, cô giáo, cán bộ, nhân viên ngành giáo dục những lời chúc tốt đẹp nhất. Xin cảm ơn các đồng chí đại biểu và toàn thể nhân dân trên địa bàn quận đã luôn dành những tình cảm đặc biệt nhất cho công tác Giáo dục và Đào tạo trong suốt những năm qua để công tác này đã và đang là điểm sáng trong ngành Giáo dục và Đào tạo Thủ đô.

Kính thưa toàn thể hội nghị!

Từ xưa đến nay, bất kể trong thời kỳ nào, nghề dạy học luôn được coi là nghề cao quý và được xã hội tôn trọng và tôn vinh. Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại của dân tộc ta luôn đánh giá cao vị trí, vai trò của người thầy - những người mở trí, khai tâm cho con người bằng câu nói: “Nhiệm vụ thầy giáo rất vẻ vang, vì nếu không có thầy giáo thì không có giáo dục… Không có giáo dục thì không nói gì đến kinh tế, văn hóa”. Sự cống hiến của thầy cô giáo là thầm lặng nhưng vẻ vang. Vì vậy, ngày Nhà giáo Việt Nam được tổ chức hằng năm vào ngày 20 tháng 11 không chỉ là dịp để Ngành Giáo dục tôn vinh những người hoạt động trong ngành, học trò thể hiện lòng thành kính “tôn sư trọng đạo” mà còn là dịp để xã hội tôn kính, tri ân những người đã, đang gắn bó với nghề dạy học – “Nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý, nghề sáng tạo nhất trong các nghề sáng tạo”.

Với ý nghĩa đó, nhằm biểu dương, động viên các thầy giáo, cô giáo và các em học sinh; đồng thời khơi dậy truyền thống hiếu học, nâng cao chất lượng đội ngũ, chất lượng đào tạo, bồi dưỡng nhân tài trong các nhà trường của quận Thanh Xuân trong năm học, từ năm học 2014 - 2015 đến nay, việc tổ

chức Lễ Vinh danh đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh đạt thành tích cao trong học tập và giảng dạy đã trở thành hoạt động thường niên của quận Thanh Xuân. Cùng với đó là sự có mặt của các đồng chí đại biểu thể hiện sự quan tâm sâu sắc, tình cảm yêu mến, thân thiết, trân trọng của các cấp, các ngành với sự nghiệp giáo dục đào tạo. Niềm vui ngày 20/11 lại được nhân lên bằng sự vinh danh các nhà giáo xuất sắc và những học sinh ưu tú hiện đang học tập và sinh sống trên địa bàn quận Thanh Xuân.

Kính thưa toàn thể hội nghị!

Trong không khí thành công Đại hội lần thứ VI Đảng bộ quận Thanh Xuân, Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội và tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII ngày hôm nay, chúng ta hết sức phấn khởi vui mừng với một chặng đường lịch sử đáng nhớ mà ngành Giáo dục Thanh Xuân đã trải qua: 06 năm liên tiếp dẫn đầu thi đua thành phố, 04 năm liên tiếp đạt tuyệt đối 13/13 chỉ tiêu thi đua xuất sắc. Các dấu mốc quan trọng này đã trở thành hệ thống đánh dấu bước phát triển lớn của Giáo dục và Đào tạo Thanh Xuân, minh chứng sự đầu tư đúng hướng của Quận cho giáo dục trong suốt những năm qua.

Giai đoạn 2015 - 2020, trên cơ sở Đề án Phát triển GD&ĐT Thanh Xuân, Quận đã xác định và dành trên 50% ngân sách hàng năm đầu tư cho giáo dục, với số tiền khoảng 1626 tỉ đồng; đã xây mới 9 trường công lập; cải tạo sửa chữa, mua sắm trang thiết bị dạy học cho 17 trường, tăng thêm 184 phòng học, từng bước đáp ứng nhu cầu học tập của con em nhân dân. Nhiều trường học được xây mới, cải tạo, đầu tư trang thiết bị dạy học theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, đầu tư cảnh quan: cây xanh - hoa đẹp - trường sạch thực sự là trường học hấp dẫn - ngôi trường hạnh phúc tạo niềm tin yêu trong phụ huynh và cơ sức hấp dẫn với học sinh. Hoàn thành công nhận chuẩn quốc gia 13 trường, nâng tổng số trường công lập thuộc quận đạt chuẩn quốc gia lên 37/45 trường, đạt tỉ lệ 82,2%, cao hơn tỉ lệ trung bình của Thành phố là 11%. Hoàn thành xây dựng mới trường THCS Thanh Xuân hoạt động theo mô hình chất lượng cao với cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại, có đầy đủ các phòng chức năng, phòng thực hành thí nghiệm chuyên sâu. Năm học 2020 - 2021, THCS Thanh Xuân đã vinh dự là trường THCS công lập đầu tiên của cả nước chính thức được công nhận nằm trong hệ thống Quốc tế Cambridge.

Cùng với công tác đầu tư cơ sở vật chất, phát triển quy hoạch mạng lưới trường học, quận Thanh Xuân luôn quan tâm xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục. Hiện nay toàn quận hàng năm có gần

1.000 lượt học viên được tham gia các lớp bồi dưỡng, nâng cao trình độ lý luận, chuyên môn nghiệp vụ. Trong quá trình xây dựng, phát triển và trưởng thành, đội ngũ thầy cô giáo luôn gắn bó với nhà trường, không ngừng tự học, tự bồi

dưỡng, sáng tạo, say mê công tác, nhiệt tình cống hiến, trở thành những giáo viên giỏi về chuyên môn, thuần thục về phương pháp giảng dạy, yêu nghề - mến trẻ, nhiệt tình, tâm huyết với sự nghiệp Giáo dục Đào tạo.

Nhìn lại hành trình với nhiều dấu ấn của năm học 2019 - 2020, một năm học đặc biệt, một năm học lịch sử với rất nhiều thử thách, khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Trong khó khăn ấy, nhớ lời Bác dặn: “Dù khó khăn đến đâu cũng phải tiếp tục thi đua dạy tốt và học tốt”, được sự quan tâm của Thành phố, sự hướng dẫn chuyên môn của Sở GD&ĐT; sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Quận ủy, HĐND, UBND quận Thanh Xuân; sự phối hợp của các ban, ngành, đoàn thể, nhân dân, sự ủng hộ nhiệt tình của các bậc cha mẹ học sinh và đặc biệt là sự nỗ lực hết mình, từ tinh thần trách nhiệm, ngọn lửa đam mê, nhiệt huyết, trái tim yêu nghề của các thầy giáo, cô giáo; sự cố gắng vươn lên của các em học sinh, với mục tiêu “tạm dừng đến trường nhưng không dừng học”, công tác Giáo dục đào tạo tại các trường trên địa bàn quận Thanh Xuân tiếp tục đạt kết quả rất đáng tự hào: 04 tập thể được tặng cờ thi đua Thành phố; 17 tập thể, cá nhân được UBND Thành phố, Bộ GD&ĐT tặng Bằng khen; 10 tập thể Lao động xuất sắc, 63 tập thể Lao động tiên tiến, 240 chiến sĩ thi đua cơ sở; 65 cán bộ, giáo viên đạt giải Thành phố và cấp Quận; 02 sinh viên tốt nghiệp thủ khoa xuất sắc; 93 học sinh đạt giải Quốc tế, 18 học sinh đạt giải Quốc gia và 210 học sinh đạt giải Thành phố. Trong buổi gặp mặt hôm nay, bên cạnh việc vinh danh, tuyên dương, khen thưởng các tập thể và cá nhân tiêu biểu về những đóng góp, cống hiến cho sự nghiệp Giáo dục Đào tạo quận, chúng ta cũng luôn ghi nhận và biết ơn nhiều tấm gương nhà giáo đã thầm lặng cống hiến, lặng lẽ hi sinh, tận tâm vì sự nghiệp trồng người, góp phần vào thành tích chung của mỗi nhà trường.

Với những kết quả này, thay mặt Lãnh đạo Quận Thanh Xuân, tôi xin được nhiệt liệt chúc mừng và Lãnh đạo quận xin dành những tình cảm trân trọng nhất tới các thế hệ nhà giáo tại quận Thanh Xuân. Các đồng chí là những nhân tố quan trọng góp phần lớn cho thành công của Giáo dục Đào tạo quận ngày hôm nay.

Bên cạnh sự cố gắng của đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên của toàn ngành, không thể không kể đến sự nỗ lực phấn đấu không ngừng trong học tập, rèn luyện của các em học sinh hiện đang theo học ở các cấp học trong các trường thuộc quận cũng như các em là công dân hiện đang sinh sống trên địa bàn quận. Xin nhiệt liệt biểu dương 208 học sinh đạt giải trong các kỳ thi học sinh giỏi thành phố, quốc gia, quốc tế. Các em đã không phụ lại sự quan tâm, yêu thương, chăm sóc của gia đình, nhà trường và toàn xã hội để trở thành những con ngoan, trò giỏi. Đặc biệt biểu dương 38 học sinh tuy hoàn cảnh gia đình còn khó khăn nhưng các em đã không ngừng nỗ lực phấn đấu vượt lên những khó khăn của cuộc sống đời thường, khắc phục những thiệt thòi để trở thành người con ngoan trong gia đình và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tại ngôi trường nơi mình đang học tập. Tất cả các em đã và đang có chung một chí hướng: sẽ phấn đấu để trở thành những chủ nhân tương lai của đất nước, xứng đáng với sự quan tâm, chăm lo của các cấp ủy, chính quyền và nhân dân trong quận.

Kính thưa các đồng chí!

Bước sang một giai đoạn mới của sự phát triển, công tác Giáo dục Đào tạo quận cần tiếp tục có hướng đi, những bước đột phá mới khẳng định uy tín, vị thế của Quận nhiều năm liền là lá cờ đầu của Thành phố. Trên cơ sở Kế hoạch phát triển GD&ĐT giai đoạn 2020 - 2025 đã được quận Thanh Xuân xây dựng và triển khai theo tinh thần Nghị quyết Đại hội 6 Đảng bộ quận, bên cạnh những nhiệm vụ thường xuyên, tôi đề nghị ngành Giáo dục và Đào tạo quận cần tập trung làm tốt những nhiệm vụ trọng tâm sau:

Thứ nhất, Trong thời kỳ hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và toàn diện như hiện nay, thủ đô Hà Nội nói chung cũng như quận Thanh Xuân nói riêng có nhiều cơ hội để phát triển mạnh mẽ về mọi mặt. Ngành GD&ĐT cần chủ động nghiên cứu những mô hình mới đáp ứng nhu cầu phát triển của xã hội. Lãnh đạo quận gợi ý, định hướng một số mô hình để các trường nghiên cứu, mạnh dạn đề xuất thực hiện: Mô hình “khoán” trong quản lý cơ sở vật chất, trang thiết bị trường học; triển khai thí điểm mô hình dạy ngoại ngữ cho học sinh THCS để đầu ra học sinh lớp 9 đạt IELTS 4.0; xây dựng trường học điện tử, khai thác, liên hệ đầu tư giữa công-tư tạo dựng cơ sở vật chất sẵn có phục vụ cho chính con em trên địa bàn quận Thanh Xuân về nhu cầu vui chơi, giải trí và học tập.

Thứ hai, Với mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, giáo dục thực chất để giữ vững được niềm tin và sự yên tâm của cha mẹ học sinh khi gửi gắm con em mình, các nhà trường cần chủ động xây dựng và triển khai thực hiện hiệu quả kế hoạch tự đào tạo, bồi dưỡng, triển khai mô hình “giáo viên của giáo viên”, “học sinh của giáo viên” nhằm khuyến khích cán bộ, giáo viên tham gia tự học, nâng cao trình độ chuyên môn; đặc biệt quan tâm ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng thành thạo các phần mềm giáo dục để tiếp cận vận dụng các phương pháp giáo dục hiện đại tiên tiến trên thế giới; sàng về tâm thế, vững vàng về chuyên môn đáp ứng tốt yêu cầu đổi mới.

Thứ ba, Huy động các nguồn lực xã hội trong việc phát triển giáo dục, đảm bảo an ninh, an toàn trường học để “mỗi ngày đến trường là một ngày vui”. Muốn thực hiện được mục tiêu giáo dục toàn diện học sinh, cần phải coi trọng cả giáo dục nhà trường, giáo dục gia đình và giáo dục xã hội. Các nhà trường cần thực hiện tốt công tác phối hợp thường xuyên, mật thiết giữa nhà trường - chính quyền phường - gia đình - xã hội, từ việc học sinh bắt đầu tới lớp, tới trường mạnh khỏe đến việc học sinh trở về đến gia đình an toàn. Cần tập trung thực hiện tốt, không để sự việc đáng tiếc xảy ra từ công tác đảm bảo an ninh trường học, công tác an toàn thực phẩm đến giáo dục; dạy dỗ học sinh trở thành những công dân tiêu biểu trong tương lai.

Thứ tư, Mỗi nhà giáo, cán bộ cùng toàn ngành Giáo dục và Đào tạo quận cần bám sát tinh thần chỉ đạo, nhận thức đầy đủ nhiệm vụ trước những yêu cầu mới của tình hình thực tế để tiếp tục nỗ lực, phấn đấu nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, khắc phục những hạn chế, đưa sự nghiệp Giáo dục và Đào tạo của quận ngày càng phát triển. Chúng ta hãy nhớ: “Người thầy trung bình chỉ biết nói/ Người thầy giỏi biết giải thích/ Người thầy xuất chúng biết minh họa và Người thầy vĩ đại là biết cách truyền cảm hứng”. Bằng tâm huyết của mình, các thầy cô giáo hãy thắp lên ngọn lửa đam mê học tập, sáng tạo trong mỗi học sinh. Hãy tiếp tục mang đến những kiến thức văn hóa, kỹ năng sống làm người có ích cho con em quận Thanh Xuân bằng sự tận tâm, yêu nghề của mình đặc biệt là sự trăn trở để có những bài giảng hay, hấp dẫn khiến các con cảm nhận được trái tim yêu thương, sự tâm huyết và tiếp nhận đầy đủ những tri thức mới mà các thầy cô đã truyền đạt để vững vàng, tự tin vào tương lai.

Thứ năm, rất cần những hình ảnh giản dị, chân thực, đời thường nhưng tận tâm, tận lực của các các thầy giáo, cô giáo; những tấm gương nỗ lực vươn lên trong học tập, rèn luyện của các em học sinh của quận Thanh Xuân phải được nhân rộng và lan tỏa; tôi xin đề nghị các trường cần tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, biểu dương, khơi nguồn tiềm năng từ những thế hệ giáo viên, học sinh để thắp lên ngọn lửa, khát vọng cống hiến và nỗ lực vươn lên ở từng giáo viên, học sinh để tạo ra những thành tích bền vững về giáo dục đào tạo trong những năm tới.

Các em học sinh yêu quý!

Các em đang được trực tiếp thụ hưởng những điều kiện tốt nhất mà các cấp ủy Đảng, chính quyền từ Quận xuống phường đã và đang dành cho ngành Giáo dục và Đào tạo. Các em là những học sinh ưu tú của quận Thanh Xuân. Chính vì vậy, các cô bác Lãnh đạo quận Thanh Xuân mong muốn các em hãy luôn nỗ lực rèn luyện, hăng say học tập, trau dồi kỹ năng để trở thành những học sinh phát triển toàn diện về nhân cách, tri thức và có kỹ năng thực hành tốt, giỏi ngoại ngữ để mỗi học sinh quận Thanh Xuân luôn vững vàng, tự tin, trở thành công dân toàn cầu trong thời kỳ hội nhập quốc tế. Hãy biết yêu thương, chia sẻ với những người xung quanh, có ý thức, trách nhiệm với bản thân, bạn bè, gia đình, cộng đồng và xã hội để xứng đáng với niềm tin yêu của cha mẹ, thầy cô.

Hãy cùng nhau chung xây ước mơ, viết tiếp những trang vàng thành tích của quận Thanh Xuân và thực hiện lời Bác dạy: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”.

Kính thưa các đồng chí!

Cũng nhân dịp này, quận Thanh Xuân xin trân trọng cảm ơn các đồng chí Lãnh đạo Thành phố, Sở GD&ĐT Hà Nội trong nhiều năm qua đã quan tâm, chỉ đạo, giúp đỡ để GD&ĐT Thanh Xuân có bước phát triển vượt bậc. Xin ghi nhận sự đóng góp đầy trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, các bậc phụ huynh đối với sự phát triển của công tác GD&ĐT quận. Lãnh đạo quận mong muốn các cấp uỷ Đảng, Chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị, các tổ chức xã hội tiếp tục cùng tham gia, đóng góp thiết thực, hiệu quả hơn nữa cho sự nghiệp Giáo dục của Quận. Lãnh đạo quận sẽ đồng hành và chịu trách nhiệm cùng ngành GD&ĐT để các thầy cô giáo yên tâm đem tâm huyết, trí tuệ, tài năng và sự sáng tạo của mình thực hiện đổi mới quản lý, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, cống hiến cho sự nghiệp giáo dục của quận những thành tích mới.

Một lần nữa, xin gửi lời tri ân những người đã và đang gắn bó với sự nghiệp “trồng người” cao cả, những người đã tô điểm thêm sắc màu cho vườn hoa Giáo dục và Đào tạo Thanh Xuân, để nơi đây mãi luôn là địa chỉ đáng tin cậy cho nhiều bậc phụ huynh gửi gắm niềm tin giáo dục, ươm mầm và thắp sáng ước mơ cho lớp lớp thế hệ học trò. Sự thành công của các thế hệ học trò, sự biết ơn của cha mẹ học sinh chính là món quà quý giá nhất dâng tặng các nhà giáo trong ngày Nhà giáo Việt Nam này.

Xin kính chúc các đồng chí lãnh đạo, quý vị đại biểu, các thầy cô giáo, các bậc phụ huynh và các em học sinh mạnh khoẻ, hạnh phúc, thành công. Tất cả chúng ta hãy thắp sáng niềm tin bằng sự quyết tâm, đồng hành của các lực lượng để công tác Giáo dục Đào tạo quận Thanh Xuân tiếp tục các bước đi vững chắc trong năm học này và những năm tiếp theo.

Xin trân trọng cảm ơn!

3. Bài phát biểu 20/11 của lãnh đạo tỉnh

Empty

Tham khảo bài phát biểu của Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Yên Bái tại buổi gặp mặt kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2022).

Kính thưa đồng chí Ngô Thị Minh - Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo,

Kính thưa các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo tỉnh,

Thưa quý vị đại biểu, khách quý,

Thưa các thế hệ thầy giáo, cô giáo, cán bộ quản lý giáo dục tỉnh nhà,

Những ngày này, các cấp ủy, chính quyền và toàn xã hội đang hướng về ngày Nhà giáo Việt Nam với những tình cảm tri ân sâu sắc. Hôm nay, tôi rất vui mừng, phấn khởi cùng với các đồng chí lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo tới dự buổi gặp mặt kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11/1982 - 20/11/2022 do Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức.

Thay mặt Tỉnh uỷ - HĐND - UBND - Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và với tình cảm cá nhân, Tôi trân trọng gửi tới Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Ngô Thị Minh, cùng toàn thể các thầy giáo, cô giáo, cán bộ quản lý, người lao động ngành Giáo dục và Đào tạo qua các thời kỳ, các vị đại biểu, khách quý lời chào mừng, lời thăm hỏi ân cần và những lời chúc mừng trân trọng nhất.

Kính thưa quý vị đại biểu,

Kính thưa các thế hệ nhà giáo,

Trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc, “Tôn sư trọng đạo” luôn là truyền thống quý báu, là nét văn hóa đặc sắc, được hình thành, vun đắp qua nhiều thế hệ, góp phần tạo nên nền văn hiến kỳ vĩ của dân tộc Việt Nam. Trong tâm thức của mỗi người dân Việt Nam, hình ảnh người thầy luôn được đề cao và tôn trọng, tiêu biểu trong các giai tầng xã hội và trên hết nghề dạy học được xã hội tôn vinh là nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý.

Kể từ khi đất nước giành được độc lập đến nay, Đảng, Nhà nước ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành sự quan tâm đặc biệt đối với sự nghiệp giáo dục và đào tạo. Sinh thời, Bác Hồ kính yêu đã dạy: “Vì lợi ích mười năm phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm phải trồng người”, người coi “Giáo dục đào tạo là cốt sách hàng đầu”; Nghị quyết Hội nghị lần thứ hai, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII đã khẳng định: “Thực sự coi giáo dục - đào tạo, là quốc sách hàng đầu…, đầu tư cho giáo dục - đào tạo là đầu tư phát triển”; kể từ Đại hội lần thứ XI, Đảng ta đã xác định đào tạo, phát triển nguồn nhân lực là một trong ba đột phá chiến lược phát triển kinh tế - xã hội.

Đặc biệt, tại  Hội nghị lần thứ tám, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã ban hành Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2011 “về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”.

Thấm nhầm quan điểm đó, từ nhiều nhiệm kỳ nay, Đảng và Nhà nước đã ưu tiên dành nhiều nguồn lực đầu tư cho phát triển sự nghiệp giáo dục và đào tạo, đưa nền giáo dục nước nhà vươn lên một tầm cao mới, là một trong những thành tựu nổi bật của thời kỳ đổi mới và hội nhập, đóng góp quan trọng và sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc.

Quán triệt sâu sắc chủ trương, chinh sách của Đảng, Nhà nước và lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, những năm qua, tỉnh Yên Bái đã triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; đặc biệt, từ Đại hội lần thứ XVIII Đảng bộ tỉnh đến nay, giáo dục - đào tạo, phát triển nguồn nhân lực được xác định là một trong ba đột phá chiến lược, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Theo đó, tỉnh đã ban hành nhiều nghị quyết, đề án, chính sách và ưu tiên dành nguồn lực thỏa đáng để đầu tư phát triển sự nghiệp giáo dục và đào tạo, đạt được những kết quả nổi bật.

Quy mô, mạng lưới trường, lớp học, các cấp học, bậc học được sắp xếp tinh gọn, hợp lý, hiệu quả; cơ sở vật chất được quan tâm đầu tư theo hướng đồng bộ, hiện đại. Toàn tỉnh hiện có 463 cơ sở giáo dục với quy mô trên 6.800 lớp, trên 222.000 học sinh; tỷ lệ phòng học kiên cố đạt trên 84%; tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia là 66,0%.

Đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục được quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, chuẩn hóa, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục. Toàn ngành hiện có trên 13.000 cán bộ, viên chức, người lao động, trên 82% cán bộ quản lý, giáo viên có trình độ đạt chuẩn trở lên, trong đó trên 20% trên chuẩn; trên 400 cán bộ, giáo viên có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ.

Chất lượng giáo dục toàn diện không ngừng được nâng lên, nhất là ở vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; Yên Bái đã hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, đạt chuẩn xóa mù chữ, phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3, phổ cập giáo dục THCS mức độ 2. Tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp THPT và trúng tuyển vào các trường đại học, cao đẳng, dạy nghề tăng đều qua các năm. Chất lượng giáo dục mũi nhọn được cải thiện rõ rệt, thuộc vào nhóm khá của các tỉnh vùng Trung du và miền núi Bắc bộ; đặc biệt, Yên B đã có học sinh đạt giải tại các kỳ thi Olympic khu vực Châu Á - Thái Bình Dương và Olympic Quốc tế.

Công tác chuyển đổi số được triển khai mạnh mẽ; đặc biệt trong hơn 2 năm qua, mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh Covid-19, nhưng toàn ngành Giáo dục và Đào tạo, đã nỗ lực vượt qua khó khăn, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số trong dạy và học, quản lý giáo dục, đã hoàn thành tốt kế hoạch năm học.

Cùng với đó, mô hình “Trường học hạnh phúc” được triển khai và nhân rộng trên toàn tỉnh với phong trào thi đua “Thầy cô thay đổi vì trường học hạnh phúc”, đã góp phần tích cực nâng cao chỉ số hạnh phúc cho nhân dân Yên Bái.

Kính thưa quý vị đại biểu, cùng toàn thể các thầy giáo, cô giáo,

Đạt được những thành tựu rất đáng tự hào đó của ngành Giáo dục và Đào tạo là nhờ sự quan tâm, chăm lo của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở và của toàn xã hội, đặc biệt là công lao đóng góp to lớn của các thế hệ nhà giáo của tỉnh nhà qua các thời kỳ.

Phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc, cùng với quá trình xây dựng và phát triển của tỉnh nhà, lớp lớp các thế hệ nhà giáo trong tỉnh đã và đang không ngừng nỗ lực, cố gắng, vượt qua khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Từ những ngày đầu mới giành được chính quyền, ở một tỉnh với gần 100% người dân mù chữ, số người biết tiếng phổ thông chỉ là thiểu số, với phương châm “Người biết chữ dạy cho người chưa biết chữ”, những “người thầy” khi đó đã góp phần tích cực tiêu diệt “giặc dốt”.

Đến những năm 1959-1960, nghe theo tiếng gọi của Đảng và Bác Hồ kinh yêu, đã có 54 thầy cô giáo từ các tỉnh miền xuôi, tình nguyện lên công tác, đưa ánh sáng văn hóa đến với đồng bào của tỉnh nghèo vùng cao Yên Bái. Những nhà giáo đáng kính như: Nguyễn Văn Chiêu, Tống Đức Long, Trần Thế Kỷ, Trịnh Thoại, Phạm Xuân Vân, Nguyễn Lê Thắng, Trịnh Thị Lự… cùng với nhiều thầy, cô giáo tiêu biểu khác đã ghi đậm dấu ấn trong trang sử phát triển của ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Yên Bái.

Trong thời kỳ đổi mới, đã có hàng ngàn thầy giáo, cô giáo đang từng ngày, từng giờ bám trường, bám lớp ở những địa bàn đặc biệt khó khăn, không quản nắng mưa, tình nguyện “cõng chữ lên non”, tiếp tục thắp sáng ngọn lửa tri thức cùng với học sinh và bà con dân tộc thiểu số ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài cho quê hương, đất nước.

Cùng với đó, đã có rất nhiều thầy giáo, cô giáo là tấm gương sáng về phẩm chất đạo đức, năng lực chuyên môn và trách nhiệm với nghề; không ngừng đổi mới sáng tạo, đạt thành tích xuất sắc trong giảng dạy và các phong trào thi đua yêu nước. Điển hình như: Cô giáo Vũ Thị Hạnh - Phó Hiệu trưởng trường THPT Chu Văn An (huyện Văn Yên), cô giáo Chu Thị Tú Liên - Phó hiệu trưởng trường TH&THCS Hoàng Văn Thụ (Thị xã Nghĩa Lộ) đã có nhiều sáng kiến trong giảng dạy, được ứng dụng rộng rãi, hiệu quả; hay như cô giáo Phạm Thị Hải Linh, thầy giáo Đỗ Lê Nam của Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành, cô giáo Lương Thị Thu Hương của Trường THCS Báo Đáp (huyện Trấn Yên); cô giáo Phạm Thị Thanh Hiền của trường TH&THCS Lý Tự Trọng (Thị xã Nghĩa Lộ) đã có nhiều thành tích xuất sắc trong đào tạo, bồi dưỡng học sinh giỏi các cấp...

Hàng ngàn nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục tiêu biểu, xuất sắc đã vinh dự được Đảng và Nhà nước trao tặng các phần thưởng cao quý; đặc biệt, đã có 78 nhà giáo được phong tặng danh hiệu “Nhà giáo ưu tú”. Đây là niềm vinh dự, tự hào của ngành Giáo dục và Đào tạo, là kết quả xứng đáng với sự nỗ lực, cống hiến của biết bao các thế hệ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục tỉnh nhà.

Thay mặt Tỉnh ủy - HĐND - UBND - Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và bằng tình cảm cá nhân của một người đã từng là học trò, là phụ huynh, là thầy giáo, tôi trân trọng ghi nhận, nhiệt liệt biểu dương và tri ân sâu sắc công lao đóng góp to lớn của đội ngũ các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục tỉnh nhà; đồng thời chúc mừng những thành tựu to lớn mà ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh nhà đã đạt được trong suốt những năm vừa qua.

Kính thưa quý vị đại biểu, khách quý,

Kính thưa các nhà giáo,

Nghị quyết Đại hội lần thứ XIX Đảng bộ tỉnh xác định một trong 07 nhiệm vụ trọng tâm là “Tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục, đào tạo; ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, thích ứng với Cuộc cách mạng Công nghiệp lần thứ tư, từng bước phát triển nền kinh tế số, xã hội số”. Theo đó, Tỉnh ủy đã ban hành các Nghị quyết số 22-NQ/TU về một số nhiệm vụ, giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021-2025 với mục tiêu “Tạo chuyển biến căn bản, mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả giáo dục và đào tạo, chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, nhất là ở vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số...”; "Xây dựng nguồn nhân lực có phẩm chất, năng lực, trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, tác phong làm việc chuyên nghiệp, nhằm hình thành nguồn nhân lực chất lượng, nhất là đội ngũ nhân lực chất lượng cao, góp phần nâng cao năng suất lao động, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh”.

Để thực hiện thắng lợi mục tiêu trên, nhân buổi gặp mặt đầy ý nghĩa này, tôi đề nghị ngành Giáo dục và Đào tạo, các thầy giáo, cô giáo, cán bộ, viên chức ngành Giáo dục và Đào tạo cần quan tâm thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

Một là, tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, đề án, chính sách của Trung ương và của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh về lĩnh vực giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực; cụ thể hóa thành chương trình, kế hoạch và đề ra các chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể trong từng năm, từng quý, từng tháng để tổ chức thực hiện.

Hai là, Tiếp tục sắp xếp hợp lý quy mô, mạng lưới trường, lớp học, các cấp học; quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị theo hướng đồng bộ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu giảng dạy, học tập cho các nhà trường; xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia gắn với xây dựng nông thôn mới, nhất là hệ thống các trường PTDT nội trú, bán trú.

Ba là, Tập trung xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo; trước mắt là tuyển dụng bổ sung, bố trí hợp lý, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên đáp ứng yêu cầu triển khai chương trình giáo dục phổ thông năm 2018.

Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, viên chức, người lao động trong toàn ngành nhằm khơi dậy ý chí, khát vọng vươn lên, cống hiến vì sự nghiệp phát triển chung của tỉnh Yên Bái. Mỗi thầy giáo, cô giáo cần không ngừng tu dưỡng, rèn luyện, tâm huyết, yêu nghề; thực sự là tấm gương sáng về sự hiểu biết tri thức và phẩm chất, đạo đức, lối sống; là người truyền cảm hứng, thắp lên ngọn lửa đam mê học tập, tìm kiếm, khám phá tri thức nhân loại, khơi dậy tình yêu quê hương, đất nước, khát khao cống hiến cho các thế hệ học sinh.

Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ nhà giáo. Thực hiện các chính sách thu hút, trọng dụng, đãi ngộ giáo viên, cán bộ quản lý giỏi. Kịp thời động viên, chăm lo, thực hiện đầy đủ và kịp thời các chế độ, chính sách đối với cán bộ, giáo viên, nhân viên trường học, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, địa bàn đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Bốn là, Đổi mới mạnh mẽ, đồng bộ về nội dung, phương pháp dạy học theo hướng phát triển toàn diện phẩm chất và năng lực của người học. Chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục đại trà, giáo dục mũi nhọn và giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Quan tâm giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa các dân tộc, ý chí tự lực, tự cường và khát vọng vươn lên cho học sinh, sinh viên, gắn với xây dựng con người Yên Bái “Thân thiện, nhân ái, đoàn kết, sáng tạo, hội nhập”.

Năm là, Đẩy mạnh chuyển đổi số, kết hợp hài hòa giữa các phương pháp dạy và học truyền thống với các phương pháp mới, ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số. Khuyến khích, thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong dạy và học, quản lý giáo dục; từng bước xây dựng nền giáo dục mở thích ứng trên nền tảng số, đưa dạy và học trên môi trường số thành hoạt động giáo dục thiết yếu, có chất lượng, hiệu quả cao, hướng tới mục tiêu xây dựng mô hình “Trường học chuyển đổi số” trên địa bàn tỉnh.

Sáu là, Triển khai sâu rộng, hiệu quả việc xây dựng “Trường học hạnh phúc” trên địa bàn toàn tỉnh, góp phần hiện thực hóa mục tiêu xây dựng tỉnh Yên Bái phát triển nhanh, bền vững theo hướng “Xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc”

Kính thưa quý vị đại biểu, khách quý, cùng toàn thể các nhà giáo,

Nhân buổi gặp mặt đầy ý nghĩa này, thay mặt các đồng chí lãnh đạo Tỉnh Yên Bái, Tôi xin gửi lời trân trọng cảm ơn tới Bộ Giáo dục và Đào tạo, các đồng chí lãnh đạo Bộ, trong suốt những năm qua đã luôn quan tâm, giành những tình cảm đặc biệt, thường xuyên chỉ đạo, hướng dẫn, giúp đỡ tỉnh Yên Bái nói chung và ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh nhà nói riêng trong triển khai hiệu quả các nhiệm vụ của ngành trên địa bàn tỉnh. Trong thời gian tới, tỉnh Yên Bái rất mong tiếp tục nhận được sự quan tâm chỉ đạo, giúp đỡ nhiều hơn nữa của các đồng chí để sự nghiệp giáo dục và đào tạo của tỉnh ngày càng phát triển.

Tôi cũng đề nghị các ngành, các cấp trong hệ thống chính trị, các bậc cha mẹ học sinh và toàn xã hội tiếp tục quan tâm, chung tay góp sức, chăm lo cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo tỉnh nhà ngày càng phát triển. Mỗi người chúng ta hãy luôn là một người học trò để học tập không ngừng, học tập suốt đời và cũng luôn là một nhà giáo dục trách nhiệm, nhiệt huyết, tham gia tích cực vào sự nghiệp “Trồng người” vẻ vang, cao quý và đầy ý nghĩa này, qua đó góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng, phát triển của tỉnh.

Với truyền thống quý báu và những thành tựu nổi bật trong suốt những năm vừa qua của ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh nhà, cùng với sự nỗ lực, quyết tâm của các thầy giáo, cô giáo, các nhà quản lý giáo dục và sự quan tâm chăm lo của cấp ủy, chính quyền các cấp và toàn xã hội; Tôi mong muốn và tin tưởng sâu sắc rằng, nhất định sự nghiệp giáo dục và đào tạo tỉnh nhà sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ, giành được nhiều thành tích xuất sắc hơn nữa, ngày càng đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng và phát triển tỉnh nhà, xứng đáng với niềm tin yêu của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái.

Một lần nữa, thay mặt các đồng chí lãnh đạo tỉnh tôi thân ái gửi tới các quý vị đại biểu, khách quý, các nhà giáo lão thành, các nhà quản lý giáo dục cùng toàn thể các thầy giáo, cô giáo sức khỏe, hạnh phúc và thành công.

Xin trân trọng cảm ơn!

Tổng hợp/giadinhmoi.vn

Tin liên quan

Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO