Tôm là thực phẩm thường xuyên xuất hiện trong các mâm cỗ, bàn tiệc và ngay trong cả bữa cơm gia đình. Tùy sự kiện mà các loại tôm được chọn khác nhau. Tuy nhiên, giá trị dinh dưỡng mà tôm đem lại thì không thể bàn cãi.
1. Cung cấp protein dồi dào
Trong 100gr tôm khi nấu chín có chứa tới 24g protein. Nó là nguồn cung cấp đạm quan trọng trong khẩu phần ăn của người Việt, ngoài trứng, thịt và cá.
2. Bổ sung vitamin B12
Vitamin B12 giữ vai trò quan trọng trong tổng hợp nucleotic, protein, biến dưỡng carbohydrat và chất béo. Nếu cơ thể thiếu hụt loại vitamin này có thể dẫn đến mệt mỏi, chóng mặt, cơ bắp trở nên yếu ớt. Trường hợp nặng hơn là bị tổn hại thần kinh, dễ mắc các bệnh thiếu máu và mất trí.
Theo phân tích, trong 100gr tôm có chứa tới 11,5μg vitamin B12 nên là nguồn cung cấp vitamin B12 vô cùng dồi dào cho cơ thể.
3. Bổ sung sắt, magie, canxi
Trong 100g tôm đã nấu có chứa tới 2% là sắt, 9% magie và 7% canxi. Vì thế, ăn tôm giúp bổ sung sắt, magie và canxi tốt cho cơ thể. Magie được cho là có tác dụng hỗ trợ điều tiết hoạt động của tim, bảo vệ hệ tim mạch, phòng chống bệnh cao huyết áp, tim mạch.
Canxi có tác dụng tốt cho xương, cho hoạt động của tim và cho hoạt động của hệ thần kinh. Với người già, canxi càng quan trọng vì nếu thiếu nó, họ sẽ thường xuyên gặp tình trạng đau nhức, khó khăn trong vận động. Ngoài ra, thiếu canxi khiến người già dễ bị suy nhược thần kinh, trí nhớ kém và tinh thần không ổn định, hay đau đầu..
Sắt trong tôm nói riêng và trong động vật giáp xác nói chung là loại sắt heme, giúp cơ thể dễ dàng hấp thụ hơn rất nhiều lần so với loại sắt non-heme thường có trong thực vật.
4. Cung cấp selen và chất astaxanthin
Selen và astaxanthin được coi là những chất có khả năng ngăn chặn sự phát triển của tế bào ung thư.
Nhiều nghiên cứu cho thấy: Astaxanthin có tác dụng xóa bỏ gốc tự do gấp 6000 lần so với vitamin C, gấp 800 lần so với coenzyme Q10, gấp 3100 lần so với nattokinase, gấp 700 lần so với anthocyanidins. Ngoài ra, astaxanthin còn hiệu quả gấp 100 lần so với vitamin E trong việc ngăn ngừa quá trình peroxy hóa lipid và làm giảm tích tụ mỡ trong gan.
Các thử nghiệm lâm sàng tại Mỹ những năm 1990 đến 2005 đã cho thấy Selen có tác dụng làm giảm nguy cơ mắc ung thư phổi, đại trực tràng và đặc biệt là làm giảm tới 65% nguy cơ mắc ung thư tiền liệt tuyến.Trong một vài nghiên cứu dịch tế học, người ta cũng thấy có sự giảm rõ rệt nồng độ Selen trong máu của bệnh nhân bị ung thư phổi, vú, đại tràng, dạ dày so với người bình thường trong vùng.
Ngoài ra selen còn có tác dụng ngăn chặn rối loạn chuyến hóa, làm chậm quá trình lão hóa và phòng chống một số bệnh mãn tính.
5. Cung cấp omega -3
Bác sĩ Võ Duy Tâm, Trung tâm Sức khỏe Nam giới Men’s Health cho biết tôm có nhiều omega - 3 và omega - 6, tốt cho sức khỏe tim mạch và não bộ.
Từng đó lý do đủ để bạn lựa chọn tôm như một loại thực phẩm bảo vệ và nâng cao sức khỏe gia đình rồi nhé!
Để làm món tôm sốt me chua ngọt, bạn nên chọn tôm he, tôm đất hoặc tôm thẻ, có kích thước vừa phải. Khi chọn, cần chú ý chọn tôm tươi, có thân hình hơi cong cong hoặc thẳng.
Cùng bắt tay làm món tôm sốt me chua ngọt nhé!
Cách làm món Tôm sốt me chua ngọt
Nguyên liệu
Tôm: 500gr tôm tươi
Nước cốt me: 2 thìa
Đường: 2 thìa
Nước mắm: 2 thìa
Hành khô: 1 củ
Tỏi: 1 củ
Hành lá: vài nhánh nhỏ
Gia vị khác: muối, tiêu, hạt nêm, dầu mè, dầu ăn
Cách làm
Bước 1: Sơ chế tôm, rau
Tôm đem cắt bỏ râu, đầu nhọn rồi rửa sạch, để ráo nước.
Hành, tỏi bóc vỏ, đập dập, băm nhỏ. Hành tươi nhặt, rửa sạch, thái khúc ngăn.
Bước 2: Pha chế nước sốt
Đổ 2 thìa nước cốt me, 2 thìa đường, 2 thìa nước mắm, 1 xíu muối, tiêu, hạt nêm, dầu mè và khuấy đều cho đường tan hết.
Bước 3: Chế biến
Bắc chảo lên bếp, phi thơm hành tỏi. Khi hành tỏi chuyển màu vàng, đổ tôm vào xào ở lửa lớn để tôm không ra nhiều nước.
Sau đó, đổ nước sốt vào đun. Chú ý liên tục đảo đều tay cho tới khi cạn nước thì cho hành lá vào, đảo đều rồi tắt bếp.
Vậy là bạn đã hoàn thành món tôm sốt me chua ngọt rồi.
Chúc các bạn thành công khi thực hiện món ăn này!
Hiền ThảoBạn đang xem bài viết Tối nay ăn gì: Tôm sốt me chua ngọt ngon khó cưỡng tại chuyên mục Hôm nay ăn gì? của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].