Báo Điện tử Gia đình Mới
Báo Điện tử Gia đình Mới
Báo Điện tử Gia đình Mới
Báo Điện tử Gia đình Mới

"Tôi đã cưới một người tự kỷ và đó là người chồng hoàn hảo"

'Steve là tất cả nhưng gì tôi mong muốn ở một người chồng hoàn hảo. Và tôi yêu anh ấy, với tất cả những gì thuộc về con người anh ấy'.

wd2

 Ta không lựa chọn người hoàn hảo nhất để yêu, nhưng ta có thể chọn yêu theo cách hoàn hảo nhất

Hannah Bushell-Walsh và Steve là một cặp đôi đến từ vùng Norfolk nước Anh. Hannah đã gặp Steve – người sau này trở thành chồng cô – khi anh 23 tuổi và chưa bị chẩn đoán mắc chứng bệnh rối loạn tự kỷ.

Cô đã chia sẻ về câu chuyện đầy cảm động về người chồng của mình - ‘Anh ấy là một người chồng hoàn hảo’.

Gia Đình Mới xin phép đăng tải lại câu chuyện ấm lòng ấy để chia sẻ với bạn đọc:

cp38

 

'Vào một buổi chiều Thứ Bảy, bốn người trong gia đình chúng tôi đang cùng nhau trang trí những chiếc cốc và lọ hoa trong một lớp học làm gốm. Ừ thì thằng nhóc Hector không trang trí nhiều lắm, nhưng đứa bé 1 tuổi của tôi cũng đang rất thích thú với việc nhúng tay vào trong lọ màu trên bàn rồi.

Sắp đến giờ cơm tối, tôi biết là mấy đứa sẽ bí xị nếu không được ăn no cho coi, nên tôi đang hơi lo không biết còn bao lâu nữa thì giờ học kết thúc.

Chúng tôi ở đây cũng vài giờ rồi, nhưng có vẻ không có ai định nhắc đến việc ra về cả. Tuy nhiên, không khí ở trung tâm Center Parcs này thật sự vô cùng dễ chịu. Tôi lười biếng thả thêm một miếng đất sét lên trên bàn xoay.

Và đúng lúc ấy, bất thình lình chồng tôi hét lên.

‘Cái chỗ này không có tí trật tự gì cả!’ – Gương mặt anh đầy vẻ giận dữ và điên tiết. – ‘Center Parcs không có tôn ti trật tự gì hết!’

Tôi cảm thấy sốc kinh khủng. Tôi biết tính Steve vốn thích mọi thứ phải theo quy củ và trong tầm kiểm soát, nhưng mà cơn bột phát này thì lố không tả nổi, và phản ứng của anh ấy cũng thật khó chấp nhận.

Nếu chúng tôi không biết khi nào lớp học mới kết thúc thì có sao? Không phải là cả gia đình đang có thời gian bên nhau ư? Tôi nhìn Steve với tất cả sự ngỡ ngàng.

Khung cảnh ấy đã diễn ra vào 2 năm trước, cũng là vài tuần trước khi chồng tôi bị chẩn đoán mắc Asperger – một rối loạn thần kinh thuộc phổ tự kỷ.

hn1

 Hannah đã gặp Steve khi anh 23 tuổi và chưa bị chẩn đoán mắc Asperger

Những người bị bệnh Asperger thường có IQ trên trung bình và khả năng từ vựng bình thường, nhưng họ cảm thấy khó mà giao tiếp trong một nhóm đông người.

Họ cũng cảm thấy khó hiểu được các hình thức giao tiếp tinh tế như ngôn ngữ cơ thể, sự hài hước và mỉa mai. Họ rất giỏi tuân thủ luật lệ và những quy trình định sẵn.

Những mô tả ấy giống hệt với người chồng yêu dấu của tôi. Steve và tôi gặp nhau 8 năm trước khi cưới, chúng tôi là cặp ‘làm nền’ trong buổi hẹn hò giữa cô bạn Jemima của tôi và anh bạn Tom của Steve.

Khi ấy, tôi 28 tuổi, vừa kết thúc một mối quan hệ chán chường dai dẳng và lòng tự trọng tuột dốc thê thảm.

Tôi đã gặp Steve, một người đàn ông tốt bụng và khác biệt, lại mới 23 tuổi chứ. Tôi thích ảnh ngay. ‘Người cũ’ của tôi chỉ có vẻ ngoài là cuốn hút và vui vẻ, còn Steve thì khác, anh ấy hoàn toàn là một người vô cùng chân thật.

hn3

 Họ đã phải lòng nhau và nhanh chóng hẹn hò

Nhưng anh ấy cũng có vẻ rất nhát. Vài tháng sau khi yêu nhau, chúng tôi đi chơi cùng một nhóm bạn cũng tầm tuổi 20, tụ tập quanh đống lửa trại ở vùng quê nào đó sau những giờ làm, và cuối tuần thì đến vài quán bar nhỏ ở gần nhà.

Dù Steve cũng được cả hội quý mến và tôn trọng, dường như anh ấy luôn có vẻ gì đó ‘ngoài lề’ tất cả.

Rồi tôi cũng sớm nhận ra rằng Steve ở ngoài và ở nơi riêng tư như hai con người hoàn toàn khác biệt. Khi gặp gỡ thân mật thì anh ấy rất tự tin, đặc biệt là lúc chỉ có hai người với nhau, nhưng khi ở những nơi đông đúc và náo nhiệt, như ở mấy nhà hàng chẳng hạn, anh ấy như rút lui vào vỏ ốc của mình.

Tôi đã ngỡ rằng đó chỉ là do anh ấy thiếu tự tin, nhưng giờ tôi nhận ra rằng những người mắc Asperger thường khổ sở với âm nhạc, tiếng bước chân hay tiếng người nói chuyện.

hn5

Mỗi ngày, họ lại cùng vượt qua những rắc rối vì căn bệnh của Steve

Ngay cả bây giờ cũng vậy, khi gia đình tôi cùng đi ăn nhà hàng, luôn là tôi bước vào trước, đặt bàn, gọi món và trả tiền. Steve sẽ ngồi đó, đầu cúi gằm. Có đôi khi, tôi cảm tưởng mình phải gánh trách nhiệm về mọi thứ và điều đó cũng thật mệt mỏi.

Thế nhưng anh ấy là một người rất biết quan tâm. Trong một bữa tiệc, cả lũ chúng tôi ùa vào phòng, chỉ muốn mau mau chóng chóng ‘quẩy’ và chè chén.

Trong khi đó, Steve đã gọi điện cho một người phụ nữ 50 tuổi trong khu nhà để hỏi xem liệu bà có vấn đề gì với buổi tụ tập của chúng tôi không.

hn4

Steve là một người chồng rất biết quan tâm

Anh ấy trò chuyện với bà một lúc lâu, và cuối buổi tiệc, Steve đã vào bếp để rửa chén đĩa. Thực ra, anh ấy luôn là người dọn dẹp sau cùng, cũng là người dọn dẹp nhà tắm ở nhà nữa.

Chúng tôi đã kết hôn được 4 năm, và mỗi khi nhìn thấy anh ấy, trái tim tôi vẫn luôn loạn nhịp. Không như người bạn trai trước đây, Steve khiến tôi có cảm giác an tâm.

Không phải là ‘Dù tự kỷ nhưng anh ấy vẫn tốt như thế’, mà tôi muốn nhìn nó theo khía cạnh ‘ Chính vì tự kỷ nên anh ấy mới có những đức tính ấy’.

cpg4

Tình yêu có thể giúp ta bổ sung những khiếm khuyết của nhau

Tôi làm quản lý cho một công ty về công nghệ thông tin, công việc của tôi là hướng dẫn và đào tạo nhân viên, một vài người trong số họ cũng mắc chứng tự kỷ. Bạn khó có thể tìm được ai tốt bụng hơn họ.

Công việc gần đây nhất của Steve là làm bảo hiểm, nhưng anh ấy đã bỏ việc để có thể dành trọn thời gian chăm sóc đám trẻ - Belle 6 tuổi và Hector 3 tuổi.

Thời gian làm việc của tôi kéo dài hơn và gia đình tôi ngày càng chật vật. Do đó cần một trong hai người ở nhà chăm con cái.

Và may mắn thay cho lũ trẻ, người đó là Steve.

dadg1

 Steve dành cho con sự kiên nhẫn và dịu dàng vô bờ bến

Đúng vậy, tôi cần phải lên kế hoạch cho những việc phải làm đến từng chi tiết nhỏ, và việc đó cũng khá là tốn công. Steve cần phải biết xem mình cần làm gì, ở đâu, chính xác vào lúc nào, và nếu có thứ gì không nằm trong kế hoạch dù là nhỏ nhất cũng khiến Steve bị stress.

Nhưng những nỗ lực của tôi cũng được đền đáp xứng đáng. Không như một số ông bố khác, Steve không bao giờ cảm thấy chán khi chăm sóc con.

Steve quan sát thế giới này qua con mắt của khoa học và những sự thật rõ ràng. Anh dành hàng tiếng đồng hồ để đưa Belle và Hector đi dạo để đắm mình vào thiên nhiên, dạy chúng tên của hoa cỏ và động vật mà mấy bố con nhìn thấy bằng tiếng Latin và giải thích vòng đời của những con sâu bướm cho mấy đứa nhỏ.

Anh chỉ cho các con những góc nhìn về thế giới này mà tôi không đời nào có đủ kiên nhẫn hay kiến thức để làm nổi. Có Steve ở bên, mỗi điều nhỏ nhặt nhất đều trở thành những bài học thú vị, dù chúng không nhận ra mình đang học đi nữa.

hn6

'Steve và tôi bù trừ cho nhau một cách hoàn hảo'

Steve và tôi bù trừ cho nhau một cách hoàn hảo. Tôi thì thích tụ tập và dễ xúc động, còn anh ấy giống như mỏ neo cho những cao trào cảm xúc của tôi.       

Vì Steve cảm thấy khó có thể đọc được biểu cảm gương mặt hay ngôn ngữ cơ thể của người khác, mỗi khi tôi bị khó chịu bởi điều gì, anh ấy lập tức nghĩ rằng đó là do những gì anh ấy gây ra. Nhiều khi nó chẳng liên quan gì đến anh ấy cả - có thể là do xe hỏng hay mấy đồ nhà hàng xóm tràn sang đường nhà chúng tôi.

Và cũng chính vì biết rằng mình có thể hiểu nhầm như thế, nên Steve cũng như những người tự kỷ dạng nhẹ khác luôn cảm thấy lo lắng mỗi khi bộc lộ cảm xúc của mình.

sadgif10

 Những người mang bệnh tự kỷ luôn phải vật lộn với những cảm xúc của mình

Nhiều lần anh đã nói với tôi: ‘Anh cảm thấy sợ mọi thứ, Hannah ạ’. Tôi có thể hình dung ra anh đã sợ hãi thế nào vào ngày cưới. Đối với anh ấy thì đứng ở trung tâm chú ý và phải công khai thể hiện tình yêu của mình cũng không khác việc bị khủng bố là mấy.

Thế nhưng anh ấy đã vượt qua nỗi sợ ấy. Những lời anh ấy nói thật ngắn gọn, nhưng anh ấy đã nói đùa, cảm ơn mọi người đã đến và gọi tôi là vợ.

Anh ấy có thể sẽ không phải người nói câu ‘Anh yêu em’, trong suốt 12 năm yêu nhau, số lần Steve nói yêu tôi chỉ đếm trên đầu ngón tay của một bàn tay, nhưng tình yêu của anh ấy thể hiện qua từng cử chỉ và những câu chuyện đáng yêu từ anh ấy.

Anh ấy thường thể hiện cảm xúc bằng hành động, có thể là làm gì đó ngọt ngào như mua hoa cho tôi rồi bảo ‘Lũ trẻ mua tặng em đấy’.

Có lẽ cũng không phải chuyện lạ nếu tôi bảo tôi là người đề nghị hẹn hò trước. Sau một chuyến du lịch, khi trở về tôi quyết định bày tỏ với anh ấy. Tôi nhìn vào mắt anh và nói ra tâm sự của mình.

Steve nói sao ư? Anh ấy chỉ bảo ‘Ừm’. Nhưng anh ấy đã nói thế với một nụ cười rạng rỡ, và đó là tất cả những gì tôi cần.

cpg5

Có lẽ ta ta chỉ cần một người ở bên chia sẻ những ngày bình yên 

Những người mắc bệnh thuộc phổ tự kỷ thường cần những người thân yêu suy đoán, diễn giải và thấu hiểu những cảm xúc của họ.

Khi Steve ngờ rằng mình mắc Asperger cũng là lúc tôi biết mình mang thai Belle. Steve sợ rằng con bé có thể di truyền căn bệnh của anh.

Vẫn còn là quá sớm để biết rằng Belle có rơi vào trường hợp ấy không. Giống như cha mình, con bé thích những thứ hệ thống và cũng có tính cách dịu dàng, tốt bụng.

Nhưng liệu tôi có quan tâm đến việc chồng mình là người có bệnh tự kỷ không? Liệu tôi có mong rằng tôi đã cưới một người chồng quảng giao hơn, thoải mái hơn?

Không, không hề. Steve là tất cả nhưng gì tôi mong muốn ở một người chồng hoàn hảo. Và tôi yêu anh ấy, với tất cả những gì thuộc về con người anh ấy'. 

Mai Hoa

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO Bất động sản- Tài chính