5 lý do khiến làng nghề Hà Nội chưa thực sự hấp dẫn và vai trò của chuyển đổi số, thiết kế để hút khách du lịch

Các đại biểu, chuyên gia tham dự tọa đàm đã phân tích những khó khăn và tiềm năng phát triển của du lịch làng nghề Hà Nội.

Chiều 18/11, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch TP Hà Nội (HPA) kết hợp với Hiệp hội xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam và Hiệp hội thủ công mỹ nghệ và làng nghề Hà Nội tổ chức buổi Tọa đàm "Chuyển đổi số và thiết kế để phát triển du lịch làng nghề". Đây là sự kiện nằm trong khuôn khổ Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội năm 2022.

Buổi tọa đàm có sự tham gia của các đại biểu, chuyên gia đóng góp nhiều ý kiến để thúc đẩy du lịch làng nghề của Hà Nội.

Buổi tọa đàm diễn ra chiều nay 18/11 tại Trung tâm tinh hoa làng nghề Việt.

Buổi tọa đàm diễn ra chiều nay 18/11 tại Trung tâm tinh hoa làng nghề Việt.

Hà Nội mảnh đất trăm nghề nhưng 5 nguyên nhân khiến du lịch làng nghề còn hạn chế

Ông Nguyễn Trung Thành - Phó Chủ tịch HĐQT Trung tâm Tinh hoa làng nghề Việt thông tin, Hà Nội được mệnh danh là "mảnh đất trăm nghề" với 1.350 làng nghề và làng có nghề (chiếm gần 30% tổng số cả nước). Trong đó có hơn 60% làng nghề thủ công mỹ nghệ.

Các sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống của Hà Nội đa dạng, phong phú và cũng có nhiều sản phẩm mang tính riêng biệt của Hà Nội như gốm sứ Bát Tràng, dát vàng bạc Kiêu Kỵ (Gia Lâm), gỗ mỹ nghệ Sơn Đồng (Hoài Đức)...

Với các tiềm năng trên, các làng nghề truyền thống thực sự là nguồn tài nguyên du lịch văn hóa đặc sắc, là thế mạnh để phát triển loại hình du lịch làng nghề. Những năm qua, Hà Nội đã thu hút 1 lượng khách du lịch đến thăm quan các làng nghề như làng lụa Vạn Phúc, gốm sứ Bát Tràng, sơn mài Hạ Chái, nón Chuông...

Chuyên gia chỉ 5 nguyên nhân khiến du lịch làng nghề còn nhiều thách thức.

Chuyên gia chỉ 5 nguyên nhân khiến du lịch làng nghề còn nhiều thách thức.

Tuy nhiên, so với tiềm năng sẵn có thì du lịch làng nghề tại Hà Nội vẫn chưa tương xứng. 

Phân tích các nguyên nhân, ông Thành chỉ ra 5 nguyên nhân khiến làng nghề Hà Nội chưa hút được lượng lớn khách du lịch đến thăm quan: 

Thứ nhất, các làng nghề Hà Nội vẫn mang tính chất manh mún, nhỏ lẻ, tự phát triển. Lãnh đạo 1 số địa phương chưa có sự quan tâm sâu sát để có định hướng, quy hoạch.

Thứ hai, việc xử lý ô nhiễm môi trường còn kém, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch còn nhiều bất cập.

Thứ ba, chất lượng sản phẩm làng nghề chưa cao. Sản phẩm phục vụ du lịch chưa đặc sắc, ít độ tinh xảo, thiếu tính hấp dẫn.

Thứ tư, mô hình làng nghề kết hợp du lịch còn chậm. Thị trường tiêu thụ sản phẩm chưa mở rộng.

Thứ năm, người dân địa phương tại làng nghề chưa chú trọng hoạt động kinh doanh phát triển du lịch, chỉ đơn thuần làm nghề, thiếu kỹ năng phục vụ khách du lịch.

Chuyển đổi số và thiết kế để phát triển du lịch làng nghề là tiếp cận mang tính đột phá

Trước những tiềm năng và thách thức của phát triển du lịch làng nghề, các chuyên gia hôm nay đều đưa ra định hướng cần đưa chuyển đổi số và thiết kế sáng tạo để thúc đẩy nguồn tài nguyên du lịch này của Hà Nội.

Ông Lê Bá Ngọc - Phó Chủ tịch Hiệp hội xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam.

Ông Lê Bá Ngọc - Phó Chủ tịch Hiệp hội xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam.

Ông Lê Bá Ngọc - Phó Chủ tịch Hiệp hội xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam cho biết, theo báo cáo của Hội đồng Anh, thiết kế sáng tạo đem lại giá trị bằng 1,25 lần so với những gì chúng ta đầu tư. Ông Ngọc đề xuất, Hà Nội cần sớm có Trung tâm thiết kế chuyên nghiệp. Trung tâm đó là 1 điểm đến cho khách du lịch, nơi hội tụ những tinh túy nhất của làng nghề Hà Nội. 

Các chuyên gia tại tọa đàm cũng cho rằng, để tạo dấu ấn cho thương hiệu làng nghề, bên cạnh một sản phẩm tốt, cần tập trung cải tiến về mẫu mã, thiết kế sáng tạo; nâng cao và đảm bảo độ ổn định của chất lượng; có bao bì phù hợp, độc đáo, tránh tình trạng thiết kế trùng lặp, lạc hậu, thiếu tính thẩm mỹ và sáng tạo, thậm chí không có bao bì để đánh dấu nhãn hiệu trên sản phẩm… 

Với chuyển đổi số, việc ứng dụng chuyển đổi số sẽ đem lại nhiều giá trị như: quảng bá hình ảnh, sản phẩm làng nghề đến với nhiều khách hơn với chi phí tiết kiệm nhất; quảng bá sản phẩm sống động nhất; quản lý làng nghề trực quan nhất. Chuyển đổi số giúp các làng nghề thích nghi mọi hoàn cảnh như đại dịch COVID-19, thiên tai. 

Để việc ứng dụng công nghệ vào hoạt động du lịch làng nghề đạt hiệu quả hơn, các chuyên gia cho rằng cần có sự liên kết, chia sẻ công nghệ, đầu tư đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật. Cần hoàn thiện bản đồ du lịch làng nghề Hà Nội dưới dạng số hóa, nhằm giúp các du khách dễ dàng tra cứu điểm đến. 

Là đơn vị chủ trì, phối hợp tổ chức Tuần Thiết kế sáng tạo Hà Nội năm 2022,  Trung tâm Xúc tiến, Đầu tư, Thương mại và Du lịch Hà Nội đã tổ chức các hoạt động được đánh giá cao.

3 hoạt động do HPA tổ chức thể hiện rất rõ việc Hà Nội đang gia nhập mạnh mẽ vào xu hướng thiết kế toàn cầu của UNESCO. Các sự kiện, triển lãm của HPA đã chú trọng nhiều hơn vào những không gian mang tính thiết kế cao, sáng tạo. Đây là hoạt động xúc tiến thương mại rất phù hợp và thúc đẩy sự phát triển của Hà Nội.

V.Linh

Tin liên quan

từ khóa Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO Bất động sản- Tài chính