Bữa ăn trong gia đình ngày càng bị lãng quên và hình ảnh những chiếc cặp lồng bỏ phần ăn mang đi cũng sắp thành kỷ niệm.
Nuối tiếc vì điều đó, chị Nguyễn Thu Hằng (Mẹ Luti), Bác sĩ chuyên khoa nhi, Bác sĩ tâm lý lâm sàng trẻ em, hiện đang theo học tại Pháp về tâm lý học phát triển và tâm lý học thực hành đã có một bài viết chia sẻ đầy thương yêu.
Gia Đình Mới xin giới thiệu bài viết:
'Có một quan niệm nhỏ của một số người tu hành, rằng chuyện 'ăn gì' không quá quan trọng, chuyện 'ăn như thế nào, tâm của người nấu món đó như thế nào? Nấu trong tình yêu thương, hay trong sự giận dữ, ghét bỏ...' mới là quan trọng.
Thỉnh thoảng xem bài/ hình ảnh làm bánh, nấu ăn của bạn nào đó trên Facebook, mình luôn nghĩ và đoán về tình yêu thương trong đó, kiểu như: trời ơi, phải có nhiều tình yêu đến mức nào, thì mấy bạn ấy mới có những món ăn đẹp đẽ, cẩn thận, thích hợp với con, với chồng, với gia đình của các bạn ấy đến thế chứ...
Hồi xưa mình đã rất thích nấu ăn, từ hồi đọc được quan niệm đó mình càng thích nấu ăn hơn, và khi nấu bất cứ món nào, mình cũng luôn để tâm trí và rất nhiều tình yêu thương trong đó.
Cứ nghĩ đến cảnh hai ba con Luti, hoặc những người khác, ăn món ăn mình nấu một cách cẩn thận, với những đồ ăn mình lựa chọn khá kĩ càng, sạch, từ những người bán hàng vui tính, của những người nông dân cần mẫn, yêu thương đất đai... vừa ăn vừa vui thích... là mình lại mỉm cười (Mình có thói quen vừa nấu ăn, vừa hay hát là vì vậy).
Thỉnh thoảng thì mình cũng vẫn mua đồ ăn hoặc ăn ở ngoài, nhưng dù thế nào, thì cũng vẫn thích nấu ăn ở nhà hơn...
Giờ mỗi lần về quê, mình đều cảm thấy hơi buồn vì hầu như bây giờ không có mấy ai làm bữa sáng ở nhà nữa.
Buổi sáng thường diễn ra thế này: bố hoặc mẹ dậy sớm, phóng xe ra phố, mua ít đồ ăn sáng kiểu như cháo, xôi, bánh cuốn, gói bọc trong mấy cái hôp nhựa hoặc túi tái chế, hoặc hộp xốp... rồi vội vàng cho con ăn, rồi vội vàng chở con đến trường, hoặc để con chơi thơ thẩn ở nhà....
Nếu có thời gian hơn, thì bố mẹ chở con đi ăn sáng ở đâu đó trong phố...rồi cũng đến trường hoặc quay về chơi thơ thẩn ở nhà...
Lần nào nhìn thấy những cảnh đó, mình cũng chạnh lòng nghĩ đến bát cơm rang, cốc sữa đậu nành, vài miếng hoa quả, hoặc củ khoai, củ sắn, bắp ngô hoặc bát xôi nóng hôi hổi xúc ra từ cái nồi nhỏ của mẹ, của chị ngày xưa....
Mình luôn sợ các kiểu sống cẩu thả, đựng đồ ăn trong mấy cái túi ni lông, mấy cái hộp nhựa, hộp xốp, không hiểu thành phần của mấy bát cháo ăn liền, mấy cái bánh ở chợ có sạch không... mà vẫn xách về cho con ăn.
Người thiếu hiểu biết, thiếu điều kiện đã đành, người có chút hiểu biết, có chút điều kiện mà vẫn làm những điều như thế, thì thấy thật là buồn...
Mua về cũng được thôi, giống như bên này thường mua bánh và sữa về chuẩn bị đồ ăn sáng vậy, nhưng mang cái cặp lồng, cái hộp đi mua, rồi về nhà, bầy ra bát đĩa, ra bàn cho con ăn cẩn thận thì có phải hơn không?
Đặt thêm vào đó một ít tình yêu thương, xoa đầu con một cái, nhìn con ăn, âu yếm con một tý... thì có phải hơn không?
Nhiều lúc, chúng ta cứ để những lựa chọn dễ dãi kéo đi, rồi đến con cái chúng ta cũng sẽ bị những lựa chọn dễ dãi đó kéo đi...
Rồi quên mất tình yêu thương cần đặt vào trong đó...
Tuấn AnhBạn đang xem bài viết Tình yêu thương trong những món ăn tại chuyên mục Hôn nhân - Gia đình của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].