Những đặc điểm thể hiện trong tuổi dậy thì (từ 8 – 13 tuổi với nữ và 9 – 14 tuổi với nam) chính là căn cứ để dự đoán kiểu nhân cách một con người sẽ hình thành trong tương lai.
Thậm chí cả những kết quả trong cuộc đời mà con có thể đạt được, ví như thành công về học thuật hoặc nguy cơ thất nghiệp, cũng liên quan đến những biến đổi trong giai đoạn này.
Để giúp con phát triển thuận lợi hơn, cha mẹ cần hiểu 3 yếu tố tác động đến việc hình thành nhân cách của con trong tuổi dậy thì như sau:
Những thay đổi về thần kinh
Sarah-Jayne Blakemore chỉ ra rằng trong tuổi dậy thì, trẻ có rất nhiều thay đổi trong não bộ.
Một công trình nghiên cứu hình ảnh bộ não của các nhà khoa học Na Uy năm 2018 cũng cho thấy điều này. Các nhà khoa học tiến hành scan não của 12 trẻ tuổi teen 2 lần trong vòng 2,5 năm, đồng thời đề nghị cha mẹ của trẻ đánh giá một số chỉ số liên quan của con.
Kết quả cho thấy: những trẻ tỏ ra có trách nhiệm hơn thì lớp vỏ não ở một số vùng não sẽ dày hơn (chứng tỏ sự trưởng thành hơn). Tương tự, trẻ có chỉ số cảm xúc ổn định cũng có những biểu hiện về sự hoàn thiện cao của vỏ não.
Nghiên cứu trên cho thấy cách mà mật độ chất xám ở vỏ não thay đổi trong giai đoạn tuổi teen sẽ ảnh hưởng đến cảm xúc, cách cư xử của trẻ. Chính vì vậy, những biểu hiện tính cách của trẻ ở tuổi này rất đa dạng. Trẻ có thể trưởng thành sớm hoặc muộn hơn so với bạn đồng lứa cũng là điều hoàn toàn bình thường.
Tác động của khó khăn hoặc căng thẳng
Những tác động như stress hoặc hoàn cảnh khó khăn cũng tác động lớn đến thay đổi tâm lý tuổi dậy thì.
Trong một nghiên cứu năm 2017 của các nhà khoa học Mỹ, họ đã tiến hành đo lường các hành vi thể hiện nhân cách của trẻ tuổi 8 – 12, sau đó tiếp tục khảo sát những thay đổi theo thời gian (3, 7 và 10 năm sau). Tình nguyện viên tham gia khảo sát được yêu cầu ghi chép lại những căng thẳng, khó khăn mà họ trải qua suốt thời tuổi teen.
Kết quả công bố khá bất ngờ: những nghịch cảnh có nguyên nhân từ bên ngoài (như chuyện bố mẹ ly hôn, tai nạn giao thông) không gây tổn hại cho trẻ bằng những nghịch cảnh mà do quyết định, hành động sai lầm của trẻ gây ra (ví dụ: bị đuổi học do vi phạm quy định nhà trường).
Tổn hại cụ thể mà trẻ sẽ gặp phải bao gồm: bất ổn tâm lý, giảm sút về ý thức trách nhiệm và sự đồng cảm.
Điều này cho thấy việc tạo sự hỗ trợ phù hợp, đảm bảo môi trường phát triển có ít căng thẳng tinh thần, khó khăn sẽ giúp trẻ không phát triển nhân cách theo hướng tiêu cực.
Tác động của bạn bè, những hình mẫu thần tượng
Nhân cách của trẻ vị thành niên có thể thay đổi hàng ngày, điều đó là hoàn toàn bình thường. Một trong những yếu tố quan trọng tác động đến cuộc sống, tâm trạng của trẻ là nhóm bạn đồng lứa.
Theo trang web Kids Health, bạn bè có thể có những tác động hết sức tích cực đến con trẻ, ví dụ như xác lập những mục đích phấn đấu, tuy nhiên cũng gây ra những tác động tiêu cực.
Mặt khác, trẻ cũng có thể tiếp nhận những ảnh hưởng từ những hình mẫu như người nổi tiếng, ví dụ diễn viên, ca sĩ, vận động viên. Trong quá trình tìm kiếm bản thân mình, trẻ tuổi teen có thể thử bắt chước theo một vài hình mẫu nhân cách của những người nổi tiếng.
Tại sao ba mẹ thường thấy con “kém ngoan” khi bước vào tuổi dậy thì?
Trong một khảo sát năm 2017 với 2.700 trẻ tuổi teen ở Đức, hầu hết các bậc cha mẹ đều cho rằng con họ “kém ngoan” hơn khi bước vào tuổi dậy thì. Cụ thể, cha mẹ thấy các con ở tuổi teen bướng bỉnh hơn, cảm xúc thất thường, hướng nội hơn so với khi còn nhỏ.
Tuy nhiên, những trẻ vị thành niên tham gia khảo sát lại tự đánh giá rằng chúng hướng ngoại hơn, cởi mở hơn so với trước đó.
Sự không tương đồng này có thể giải thích bởi thay đổi lớn diễn ra trong mói quan hệ giữa cha mẹ và con cái khi con đến tuổi dậy thì. Đó chính là: trẻ muốn tự lập và tăng cường sự riêng tư. Cha mẹ đã đánh giá con theo các tiêu chí của người lớn, trong khi trẻ lại tự đánh giá dựa trên sự so sánh với những biểu hiện của bạn bè đồng lứa.
Phương PhươngBạn đang xem bài viết Tính cách của con sau này ra sao phụ thuộc vào 5 năm dậy thì, cha mẹ cần phải biết tại chuyên mục Nghiên cứu của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].