Tha thứ cho một ai đó đã từng khiến mình tổn thương đã là thậm khó. Vết thương càng sâu- thứ tha càng khó.
Có những hận thù đã ăn vào tâm khảm đến độ trở thành phản ứng tự vệ, cứ nhắc tới là lại thấy đau, thấy hận. Có những người quên cả lý do khiến họ đau mà chỉ nhớ mãi cái đau trong tâm khảm họ.
Lại có những người, vết thương ấy thành tật, mà hễ gặp thứ gì hao hao, giông giống cũng lại nhắc về cơn đau.
Tôi biết nhiều người như thế, mười năm rồi vẫn chưa nguôi đau đớn bởi cái buông tay của chồng cũ khiến cô ấy không thể bắt đầu được cuộc hôn nhân mới.
Tôi cũng lại biết có những người, giờ, ai đó nhắc đến tên tôi, họ sẽ không tiếc lời nhiếc mắng. Mà lý do là hồi còn thanh xuân, giữa chúng tôi chỉ có một đoạn tình thoáng qua.
Tôi đã chọn cách chia tay bằng việc biến mất không một lời giải thích. Bởi sợ giải thích thế nào cũng là tôi sai, làm họ đau hơn. Nên chọn cách biến mất nghĩ rằng thời gian sẽ là liều thuốc an thần.
Mà ngờ đâu, giờ họ vẫn nhớ, vẫn coi tôi là kẻ bội tín, vẫn muốn cuộc đời tôi bết bát họ mới thấy an ủi. Chỉ là tôi đã quên mất rồi, quên rằng mình đã lỡ tay làm thương tổn họ.
Họ, những người mãi không sao nguôi ngoai được một vết thương cũ. Họ, những người để nỗi buồn đeo đẳng mãi bên mình, như đá buộc chân, như miếng xương hóc ngang cổ họng, như miếng dằm nằm lại trên tay.
Họ, có những người, nuôi mãi thất bại trong lòng khiến mình chẳng thể tìm thấy lại chính mình hừng hực lửa của năm tháng thanh xuân. Nên tôi mới bảo họ rằng: Hãy học cách tha thứ cho chính bản thân mình.
Là tha thứ cho chính bản thân mình chứ không phải là tha thứ cho kẻ đã làm đau mình. Bởi kẻ đã làm bạn đau, kẻ đã tạo ra vết thương cho bạn, có lẽ cũng đã quên rồi. Chỉ còn mình bạn đeo đẳng vết thương ấy và tự bạn làm mình đau đớn với vết thương đó.
Bực mình là tự làm mình bực là vậy. Phẫn nộ là tự trừng phạt mình từ lỗi của người khác. Giận dữ là uống thuốc độc và mong đối phương chết. Vậy tại sao bạn vẫn cứ uống thuốc độc mỗi ngày như thế?
Tôi bảo: Hãy tha thứ cho bản thân mình đi! Là cho phép mình được hạnh phúc chứ không phải giữ mãi những đớn đau. Đừng cho nỗi đau ấy được ăn sự giận dữ, đau đớn của bạn mỗi ngày nữa.
Đừng để những thất bại cũ khiến bạn quên đi cách để chiến thắng hôm nay. Đừng để cuộc hôn nhân hỏng hóc hôm qua khiến bạn mất lòng tin vào một hạnh phúc lần nữa. Bạn sẽ chỉ có thể hạnh phúc lần nữa nếu như bạn thôi lần lữa với quá khứ bất hạnh.
Làm sao để tha thứ cho chính bản thân mình? Làm sao để có thể bước qua vùng u uất cũ để tới vùng tươi sáng mới?
Làm sao để quên đi rằng mình đã từng bị bội ước, đã từng bị bỏ rơi? Làm sao để thôi ức trào máu mỗi khi đối mặt kẻ đã khiến bạn tổn thương? Và làm sao để nỗi ước muốn kẻ tồi tệ kia sẽ bị quả báo thôi nung nấu trong lòng?
Thật khó để từ bỏ sân si, buông bỏ hận thù nếu như chính bạn không thương lấy bạn. Là thương lấy mình.
Thương lấy mình bằng việc cho mình một hiện tại an yên, tương lai hạnh phúc. Thương lấy mình bằng việc cho phép mình được hạnh phúc hơn.
Không ai có thể làm đau bạn nếu như bạn không cho phép họ được quyền “truy cập” vào đời bạn. Không ai nói là thương lấy bản thân mà lại để người khác khiến bạn rơi nước mắt.
Không ai tước đoạt được nụ cười trên môi bạn trừ khi chính bạn tự cấm mình cười, tự đưa ra một vạn tám ngàn lý do để không cười.
Nhà văn Hoàng Anh Tú
Bạn đang xem bài viết Cafe sáng: Hãy tha thứ cho người khác vì đó là tha thứ cho chính mình tại chuyên mục Xã hội của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].