Khẩn trương chuẩn bị các kịch bản cho quá trình tiêm vắc-xin COVID-19
Bộ Y tế vừa có cuộc họp với đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) tại Việt Nam về vắc xin phòng COVID-19.
Các bên đã tiến hành trao đổi các nội dung liên quan đến việc tiêm chủng vắc xin như cấp phép cho vắc xin, đối tượng tiêm, truyền thông tiêm chủng và các vấn đề liên quan.
Về đối tượng ưu tiên tiêm, các bên thống nhất sẽ thực hiện theo Nghị quyết của Chính phủ, đảm bảo tính công bằng trong tiếp cận vắc xin phục vụ cho công tác phòng chống dịch bệnh, thể hiện bản chất tốt đẹp của nhà nước xã hội chủ nghĩa.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh đây là chiến dịch tiêm chủng lớn nhất từ trước đến nay ở Việt Nam với hơn 100 triệu liều. Bộ Y tế đang chuẩn bị khẩn trương các kịch bản, huy động tất cả đơn vị trong và ngoài ngành y tế tham gia vào quá trình tiêm, để đẩy nhanh tiến độ tiêm, đảm bảo độ bao phủ, làm sao sớm đưa cuộc sống trở lại bình thường, giảm tác động của đại dịch COVID-19 đến đời sống.
Đại diện các đơn vị liên quan của Bộ Y tế đã thảo luận các vấn đề như nguồn cung, thủ tục quy trình phê duyệt, tổ chức các chiến dịch tiêm chủng, sự cần thiết phải huy động tổng lực ngành Y tế. Theo đó, tất cả cơ sở y tế công lập sẽ tham gia vào quá trình tiêm chủng, đồng thời huy động lực lượng sinh viên các trường Y để tổ chức tiêm tại các điểm ngoài trạm y tế và các điểm lưu động.
Vấn đề bảo quản vắc xin cũng được bàn bạc, rà soát kỹ. Hệ thống kho lạnh ở các khu vực đủ khả năng bảo quản vắc xin, các thiết bị vận chuyển vắc xin tới các trạm y tế, các điểm tiêm lưu động cũng đảm bảo.
Theo dõi phản ứng sau tiêm rất quan trọng
Về đánh giá sau tiêm, các đại biểu nhấn mạnh bất cứ vắc xin nào cũng không thể đảm bảo được độ an toàn 100%, nhất là vắc xin phòng COVID-19 mới được phát triển trong thời gian ngắn. Do đó, việc theo dõi đánh giá phản ứng sau tiêm rất quan trọng. Bộ Y tế đã ban hành hướng dẫn đánh giá này, nhưng tới đây sẽ phải tiếp tục làm rõ để không gây hoang mang trong người dân với những phản ứng sau tiêm.
Bộ Y tế đã phân công tất cả các đơn vị tập huấn toàn tuyến về tiêm chủng, quy trình tổ chức điểm, buổi tiêm, xử lý các trường hợp phản ứng sau tiêm, theo dõi sau tiêm và đánh giá hiệu quả của vắc xin sau tiêm…
Đại diện các tổ chức quốc tế đồng ý với những trao đổi về việc một số vắc xin bảo quản trong điều kiện khó khăn, phải huy động nguồn lực xã hội hoá như vắc xin của Pfizer. Với vắc xin của Pfizer, yêu cầu bảo quản ở âm 70 độ C và tiêm trong 5 ngày sau khi rã đông, nên nếu không tiêm kịp trong thời hạn đó vì những lý do khách quan thì sẽ gây lãng phí. Thực tế tiêm vắc xin này tại Mỹ cho thấy tỷ lệ không sử dụng ở mức cao.
Theo đó, các nhóm đối tượng cần tiêm vắc xin COVID-19 sắp xếp theo mức độ ưu tiên theo tình huống dịch và trong bối cảnh nguồn cung cấp vắc xin còn hạn chế tại Việt Nam bao gồm:
- Nhân viên y tế.
- Nhân viên tham gia phòng chống dịch (Ban chỉ đạo các cấp, nhân viên của các khu cách ly, phóng viên...).
- Nhân viên ngoại giao, hải quan, cán bộ làm công tác xuất nhập cảnh.
- Lực lượng quân đội.
- Lực lượng công an.
- Giáo viên.
- Người trên 65 tuổi.
- Nhóm cung cấp dịch vụ thiết yếu: hàng không, vận tải, du lịch; cung cấp dịch vụ điện, nước...
- Những người mắc các bệnh mãn tính.
- Người có nhu cầu đi công tác, học tập, lao động ở nước ngoài.
- Người tại vùng dịch theo chỉ định dịch tễ.
V.LinhBạn đang xem bài viết Tiêm vắc-xin COVID-19: Chiến dịch tiêm chủng lớn nhất từ trước đến nay tại chuyên mục Đời sống của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].