Mùa đông với thời tiết lạnh, ẩm là điều kiện lí tưởng cho sự tồn tại, phát triển của các virut gây bệnh. Theo PGS TS Bùi Vũ Huy (Trưởng Khoa Nhi – Bệnh viện Nhiệt đới), mùa lạnh có sự phát triển của hơn 200 loại virut, vi khuẩn gây bệnh.
Chính vì vậy, số lượng bệnh nhân nhập viện vào thời điểm này gia tăng nhanh với độ phức tạp về bệnh lí. Nhưng đa số, mọi người thường mắc các bệnh liên quan đến đường hô hấp với những biểu hiện ho đờm, rát cổ.
Qua thực tế cũng cho thấy, thời tiết mùa lạnh ảnh hưởng rất lớn tới những người có sức đề kháng kém như trẻ nhỏ, người già, phụ nữ có thai. Vì vậy, nhóm đối tượng này nhập viện nhiều hơn cả.
Đơn cử, chỉ tính riêng vài ngày đầu tháng 1/2018, vì ảnh hưởng của dịch cúm, số trẻ em mắc cúm lên tới hàng trăm trẻ/ngày. Riêng Bệnh viện Nhi Trung Ương, mỗi ngày tiếp nhận 300 trẻ vì cúm, sốt.
Trong khi đó, nhóm đối tượng trên lại được khuyến cáo hạn chế sử dụng thuốc nhất là với phụ nữ có thai, trẻ nhũ nhi.
Vì vậy, nhóm bệnh nhân trên thường tìm đến các bài thuốc đông y, dân gian hoặc sản phẩm điều chế hoàn toàn từ tự nhiên với mong muốn điều trị lành tính, không tác dụng phụ. Đặc biệt là không bị ảnh hưởng bởi việc lạm dụng thuốc kháng sinh gây lờn thuốc.
Và phương pháp được nhiều người nghĩ tới và áp dụng nhất là các công thức bào chế siro trị ho, tiêu đờm từ đường, mật ong hấp với các loại hoa, quả, lá thuốc có công dụng chữa bệnh.
Theo các lương y, các dược chất Đông y có trong lá bạc hà, cam thảo, mơ, cây bách bộ có tác dụng rất tốt trong chữa ho mà không có tác dụng phụ.Trong cuốn ‘Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam’ (GS, TS Đỗ Tất Lợi, NXB Y học, NXB Thời đại), cây bách bộ cũng như lá của cây tỳ bà (tỳ bà diệp) nằm đầu bảng trong các thuốc chữa ho, trừ đờm.Theo tác giả Đỗ Tất Lợi, cây bách bộ có hoạt chất stemonin, chất này có tác dụng làm giảm tính hưng phấn của trung khu hô hấp, có tác dụng ức chế phản xạ ho.
Tuy nhiên, trên thực tế, không ít trẻ đã phải cấp cứu vì bị nhiễm khuẩn hoặc nhiễm bệnh mãn tính vì ngộ độc bởi thuốc đông y được chế biến từ dược liệu ‘bẩn’.
Theo nghiên cứu Viện Dược liệu, 90% thuốc bắc trên thị trường không đảm bảo an toàn chất lượng, 20% trong số đó trộn tạp chất hoặc là dược liệu giả. Điển hình nhất là vụ việc năm 2016, Cục Cảnh sát Môi Trường thu giữ 160 bao tải dược liệu không rõ nguồn gốc. Qua kiểm tra, số dược liệu trên còn tồn dư cả kali nitrat (diêm sinh).
Chưa kể tới, thực phẩm không đảm bảo an toàn trong đó có các loại rau, củ… được sử dụng làm nguyên liệu trị ho. Húng chanh, hẹ, hoa hồng… có thể được ‘ngậm’ chất bảo quản, chất kích thích, trồng trên đất ô nhiễm.
Trao đổi về vấn đề này, PGS TS Nguyễn Duy Thịnh - Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm - Đại học Bách Khoa cho biết: ‘Một số kim loại chỉ cần hàm lượng rất nhỏ cũng đủ để gây nguy hiểm qua con đường tích lũy sinh học. Có 4 kim loại nặng rau dễ bị nhiễm nhất là: Chì, Asennic (As), Cadmium (Cd), thủy ngân, ngoài ra còn có đồng, thiếc như không đáng kể.
Để phân biệt kim loại nặng có trong rau, quả là rất khó vì nó không có mùi vị lạ hay phản ứng hóa học gì trong quá trình nấu để nhận biết ra. Những loại rau bị nhiễm kim loại nặng không thể nào xử lý hết chất độc trên rau, quả cho dù đã được rửa sạch bằng nước rửa rau, kể cả nấu chín cũng không có tác dụng’.
Vì vậy, để đảm bảo chữa bệnh an toàn, ‘lành tính’, theo PGS TS Bùi Vũ Huy, cha mẹ khi sử dụng phương pháp dân gian cần đặc biệt chú ý. Ngoài việc phải bảo đảm an toàn về chất lượng, mọi người cần đảm bảo các nguyên tắc chăm sóc chung.
Riêng với gia đình có trẻ, nếu cha mẹ từng trải, có kinh nghiệm tốt thì nên áp dụng. Ngược lại, cái gì chưa biết, chưa hiểu, phụ huynh cần đến các cơ sở y tế để có lời khuyên trực tiếp để áp dụng thử cho các cháu.
Hồng NgọcBạn đang xem bài viết Trẻ có thể ngộ độc vì siro ho tự chế tại chuyên mục Sống khỏe của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].