Đất danh hương, trăm nghề
Thường Tín là huyện ngoại thành phía Nam của Thủ đô Hà Nội, được biết đến là vùng đất danh hương, khoa bảng. Trên địa bàn huyện có 462 công trình tôn giáo, tín ngưỡng, trong đó có 126 di tích được xếp hạng.
Trong số đó có nhiều di tích lịch sử, văn hóa nổi tiếng như chùa Đậu; đền, bến Chương Dương; nhà thờ Nguyễn Trãi; Văn từ Thượng Phúc…
Bên cạnh đó, huyện Thường Tín còn được mệnh danh là vùng đất “trăm nghề”. Toàn huyện có 126 làng nghề, trong đó có 48 làng được công nhận làng nghề truyền thống và 1 làng nghề Hà Nội.
Trên địa bàn huyện có 4 tổ nghề, bao gồm: Nghề thêu (Lê Công Hành); tiện gỗ (Đoàn Tài); sơn ta - sau phát triển thành sơn mài (Trần Lư); lược sừng. Các vị tổ nghề này được thờ tại các làng nghề truyền thống.
Huyện Thường Tín có 35 nghệ nhân được nhà nước và các tổ chức phong tặng, trong đó có 3 nghệ nhân nhân dân, 5 nghệ nhân ưu tú và 27 nghệ nhân Hà Nội; có 2 Hiệp hội làng nghề và 12 Hội làng nghề.
Nhiều làng nghề nổi tiếng ở Thường Tín được hình thành từ rất sớm mà tên làng gắn liền với sản phẩm của nghề như: Lược sừng Thụy Ứng; bánh dày Quán Gánh; sơn mài Hạ Thái; thêu Quất Động, Thắng Lợi, Dũng Tiến; tiện Nhị Khê; điêu khắc gỗ, đá Nhân Hiền; gỗ mỹ nghệ Vạn Điểm… Đặc biệt, nghề thêu phục chế trang phục cung đình ở làng Đông Cứu, xã Dũng Tiến được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.
Các nghề truyền thống gắn bó với người dân địa phương hàng trăm năm nay, đem lại nguồn thu nhập thường xuyên, ổn định cho người dân, đồng thời đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội chung của địa phương.
Ngoài ra, trên địa bàn huyện hiện có 11 cụm công nghiệp đã được lấp đầy, thu hút 200 doanh nghiệp và 550 hộ sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm cho hơn 10.000 lao động.
Theo thống kê, 9 tháng đầu năm 2023, kinh tế huyện Thường Tín duy trì tốc độ tăng trưởng. Tổng giá trị sản xuất công nghiệp - xây dựng, thương mại - dịch vụ, nông nghiệp đều tăng so với cùng kỳ năm 2022.
Về hoạt động thu - chi ngân sách, tổng thu ngân sách nhà nước thực hiện 904.836 triệu đồng, đạt 78,23% dự toán giao và tăng 47,82% so với cùng kỳ năm 2022.
Về việc thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu, huyện Thường Tín đã có thêm 1 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (xã Minh Cường) và 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu (xã Hồng Vân).
Lĩnh vực văn hoá - xã hội được quan tâm đầu tư, đạt kết quả tích cực. Cụ thể, thời gian qua, huyện Thường Tín đã tập trung đầu tư xây dựng nâng cấp cải tạo các cơ sở hạ tầng kinh tế xã hội. Cùng với đó là nhiều các công trình quan trọng khác được đầu tư xây dựng như: Văn từ Thượng phúc – nơi vinh danh các nhà khoa bảng của huyện; Khu lưu niệm anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa Nguyễn Trãi…
Mục tiêu, đến năm 2025, huyện Thường Tín phấn đấu cơ bản các xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; đến năm 2030 cơ bản đạt các tiêu chí quận của Thủ đô Hà Nội.
Và để làm được điều đó, những năm tới huyện cần phát huy tối đa nguồn lực văn hóa của đất trăm nghề, trong đó chú trọng việc bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch sinh thái, du lịch làng nghề, du lịch lễ hội; phát huy truyền thống đoàn kết, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội…
Phát triển du lịch làng nghề, thúc đẩy kinh tế địa phương
Theo ông Bùi Công Thản, Phó Chủ tịch UBND huyện Thường Tín, trên địa bàn huyện có nhiều làng nghề nổi tiếng hình thành từ sớm và gắn bó với người dân địa phương hàng trăm năm nay. Tính đến nay, huyện được TP.Hà Nội công nhận 4 điểm du lịch làng nghề truyền thống.
Hiện, huyện Thường Tín có trên 16.000 cơ sở sản xuất và hàng trăm doanh nghiệp tư nhân, thu hút trên 40.000 lao động tham gia. Toàn huyện có 35 nghệ nhân được nhà nước và các tổ chức phong tặng, trong đó có 3 nghệ nhân nhân dân, 5 nghệ nhân ưu tú và 27 nghệ nhân Hà Nội.
Đặc biệt, các làng nghề của Thường Tín có tính sáng tạo cao với các mẫu mã sản phẩm thủ công đa dạng, độc đáo, tính sáng tạo cao với các mẫu mã sản phẩm thủ công đa dạng, độc đáo, giàu bản sắc văn hóa, như thêu Thắng Lợi, Quất Động, Điêu khắc Nhân Hiền, lược sừng Thụy Ứng, chăn ga gối đệm Tiền Phong...
Đáng chú ý là làng nghề thêu phục chế trang phục cung đình ở làng Đông Cứu, xã Dũng Tiến được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; làng nghề sơn mài Hạ Thái được vinh danh làng nghề tiêu biểu cấp Thành phố và được UBND Thành phố công nhận Điểm du lịch làng nghề.
Để mở ra nhiều hơn nữa cơ hội phát triển, quảng bá sản phẩm cho các làng nghề, mới đây, huyện Thường Tín đã phối hợp Sở Công Thương Hà Nội tổ chức triển lãm các sản phẩm, mẫu thiết kế hàng thủ công mỹ nghệ mới, sáng tạo.
Triển lãm có sự tham gia của của các cơ sở công nghiệp nông thôn, doanh nghiệp xuất khẩu, các Hội, hiệp hội ngành nghề, làng nghề truyền thống trên địa bàn huyện Thường Tín, với quy mô 3.000 m2 gồm: khu trưng bày sản phẩm, mẫu thiết kế thủ công mỹ nghệ mới; 100 gian hàng trưng bày, giới thiệu khoảng 500-600 sản phẩm, mẫu thiết kế hàng thủ công mỹ nghệ mới, sáng tạo của các nghệ nhân và làng nghề tiêu biểu tại huyện Thường Tín và trên địa bàn TP. Hà Nội như mây tre đan, vàng bạc đồng kim khí, đồ gỗ mỹ nghệ, hoa nghệ thuật, sơn mài, khảm trai, gốm sứ, dệt lụa, thêu ren...
Triển lãm được tổ chức nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh, cơ sở công nghiệp nông thôn... sản xuất, kinh doanh các sản phẩm thủ công mỹ nghệ trưng bày, giới thiệu, quảng bá sản phẩm.
Đồng thời, tiếp cận, kết nối với các thiết kế, mẫu sản phẩm thủ công mỹ nghệ mới nhất của nghệ nhân, thợ giỏi, chuyên gia, nhà thiết kế đồng hành cùng cơ sở công nghiệp nông thôn sản xuất các sản phẩm phục vụ nhu cầu thị trường.
Hơn nữa, triển lãm còn tạo môi trường cung cấp thông tin trao đổi, tư vấn hiệu quả về thiết kế mẫu sản phẩm thủ công mỹ nghệ giữa các nhà thiết kế với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp, nông thôn ngành thủ công mỹ nghệ; đẩy mạnh hoạt động kết nối cung cầu hàng hóa, tiêu thụ sản phẩm.
Đây là sự kiện nằm trong chuỗi các hoạt động của Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội và Festival Bảo tồn và phát triển làng nghề Việt Nam năm 2023.
Theo bà Trần Thị Phương Lan, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, triển lãm là dịp để những người yêu thích, quan tâm đến ngành thủ công mỹ nghệ có thể chiêm ngưỡng những tác phẩm sáng tạo, có giá trị thẩm mỹ, mang tính ứng dụng cao của nhiều lĩnh vực khác nhau trong đời sống, sản xuất và thân thiện với môi trường.
Ngoài ra, triển lãm các sản phẩm, mẫu thiết kế hàng thủ công mỹ nghệ mới, sáng tạo còn là tiền đề cho việc xây dựng và hình thành sàn giao dịch các thiết kế, mẫu sản phẩm thủ công mỹ nghệ mới, sáng tạo trên địa bàn thành phố, phục vụ cho phát triển ngành thủ công mỹ nghệ nói chung và Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) trên địa bàn Hà Nội nói riêng.
An AnBạn đang xem bài viết Thường Tín: Phát huy nội lực thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội tại chuyên mục Đáng chú ý của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].