Hệ thống giáo dục Hàng Châu (Trung Quốc) đang thử nghiệm một ý tưởng mới để giảm bớt gánh nặng học tập cho học sinh và việc học sẽ không còn "như địa ngục" nữa.
Theo đó, học sinh trung học ở hai quận Thượng Thành và Củng Thử nếu sau 10 giờ đêm vẫn chưa hoàn thành được hết bài tập về nhà có thể ngừng lại, nộp bài tập chưa được hoàn thiện cho giáo viên với chữ ký xác nhận của phụ huynh.
Bên cạnh đó, học sinh tiểu học cũng sẽ không phải làm bài tập quá 9 giờ tối, theo CGTN cho biết.
Văn phòng giáo dục Hàng Châu cũng lưu ý với giáo viên rằng bài tập về nhà giao cho học sinh không thể khiến học sinh mất nhiều hơn một giờ đồng hồ để hoàn thành. Với học sinh dưới lớp 2 giáo viên không được giao bài tập viết về nhà.
Đồng thời, các trường học ở Chiết Giang, Trung Quốc cũng đang thử nghiệm chính sách mới để học sinh có thể có giấc ngủ đủ, yêu cầu các trường tiểu học và trung học không được bắt đầu vào học trước 8 giờ sáng, lớp 1 và lớp 2 không được bắt đầu trước 8:30 sáng.
Trước khi quy định này được áp dụng thì nhiều trường vẫn bắt đầu học từ 7 giờ hoặc 7:30 sáng.
Theo tờ Tân Hoa Xã, một bài mẹ chia sẻ "Con trai tôi thường phải thức dậy từ 6:20 và phải đến trường trước 7 giờ. Do đó tôi cũng phải dậy từ 5:45 để nấu bữa sáng cho con. Chúng tôi đã phải theo thời gian biểu này suốt 6 năm qua. Tôi không hiểu tại sao tiểu học phải vào học sớm như vậy".
Các bậc phụ huynh Trung Quốc đang ngày càng lo lắng và quan ngại về áp lực học tập đặt lên con cái họ do nền giáo dục hà khắc của Trung Quốc. Một nghiên cứu vào năm ngoái phát hiện rằng trẻ em Trung Quốc phải mất gần 3 giờ đồng hồ làm bài tập về nhà mỗi đêm, gấp 3 lần trung bình thế giới.
Tuần trước, một nữ sinh tiểu học ở Giang Tây đã nhảy lầu từ tầng 15 để tự tử vì hôm sau đi học nhưng vẫn chưa hoàn thành hết bài tập dịp nghỉ Tết Nguyên đán.
Hoàng NguyênBạn đang xem bài viết Thử nghiệm mới ở Trung Quốc: Học sinh không phải làm bài tập về nhà sau 10 giờ đêm tại chuyên mục Cha mẹ thông thái của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].