Theo Nghị quyết 14, Chính phủ quyết nghị đồng ý việc Thủ tướng Chính phủ cho phép áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt quy định tại điều 26 Luật đấu thầu đối với việc mua 21,9 triệu liều vắc xin phòng COVID-19 của Pfizer cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi.
Các điều kiện được quy định như trong nghị quyết 09 ngày 18/5/2021 của Chính phủ về mua vắc xin phòng COVID-19 BNT162 của Pfizer.
Đồng thời, Chính phủ giao Bộ Y tế chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện việc mua, triển khai tiêm vắc xin phòng COVID-19 của Pfizer cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi, bảo đảm khoa học, an toàn, hiệu quả.
Thông tin về việc tiêm vắc-xin cho trẻ em từ 5-11 tuổi, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, Bộ Y tế rất thận trọng, đánh giá toàn diện, thường xuyên tham khảo với Tổ chức Y tế thế giới. Cho đến nay, Tổ chức Y tế thế giới đã chính thức phê duyệt khuyến cáo cho vắc xin Pfizer tiêm cho trẻ em 5 đến dưới 12 tuổi.
Bộ cũng thường xuyên tham khảo kinh nghiệm của các nước, đến nay đã có 37 quốc gia có kế hoạch hoặc đã triển khai tiêm cho nhóm tuổi 5 đến dưới 12, có quốc gia tiêm toàn bộ trẻ trong độ tuổi, có quốc gia tiêm cho nhóm trẻ nguy cơ cao.
"Khi có vắc xin, chúng ta sẽ triển khai thận trọng, chắc chắn, đảm bảo an toàn tiêm chủng đặt lên hàng đầu" - ông Long thông tin.
Về việc tiêm vắc-xin COVID-19 cho trẻ độ tuổi này là tự nguyện hay bắt buộc, Bộ trưởng Y tế cho hay, tại Việt Nam tiêm vắc xin vẫn chưa phải là bắt buộc, nhưng khuyến cáo với tất cả người dân. Thời gia qua những trường hợp có biến chứng nặng hay tử vong do mắc COVID-19 thì hầu hết (trên 80%) vẫn là do không tiêm vắc xin hoặc tiêm không đủ mũi.
Hiện Bộ Y tế chưa thông tin về thời gian bắt đầu tiêm cho trẻ từ 5-11 tuổi.
V.LinhBạn đang xem bài viết Thông tin mới về việc tiêm vắc-xin cho trẻ từ 5-11 tuổi: Khi nào bắt đầu tiêm? tại chuyên mục Đời sống của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].