Gần đây, số các bà mẹ Việt chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm, lợi ích của “sinh con thuận tự nhiên” qua mạng xã hội tăng mạnh. Đáng chú ý, rất nhiều hội, nhóm đã được lập ra với mục đích cổ súy trào lưu này có tới hàng chục, thậm chí hàng trăm nghìn thành viên/ nhóm...
Có thể phạt tù nếu phát tán thông tin sai lệch, gây ảnh hưởng nghiêm trọng
Trước những thông tin được phát tán, lan truyền trào lưu sinh con thuận tự nhiên rầm rộ chia sẻ trên facebook của nhiều nhóm/ hội hiện nay, Gia Đình Mới đã có trao đổi với Luật sư Hà Huy Từ - Giám đốc Công ty Luật Hà Huy, Đoàn Luật sư TP Hà Nội và luật sư Nguyễn Anh Thơm - Trưởng VPLS Nguyễn Anh, Đoàn Luật sư TP Hà Nội.
Theo luật sư Nguyễn Anh Thơm: “Nếu có căn cứ xác định đó là thông tin không đúng sự thật thì cơ quan Công an cần thiết phải xem xét động cơ, mục đích của người tung tin thất thiệt đó lên mạng xã hội.
Tùy theo tính chất, mức độ, động cơ, mục đích thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc xử lý theo điều 288 Bộ luật hình sự 2015 và Nghị định số 174/2013 (Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện).
Trong lĩnh vực xử phạt hành chính, có thể bị phạt từ 20 - 30 triệu đồng đối với vi phạm quy định về trang thông tin điện tử, trang thông tin điện từ tổng hợp quy định tại điểm a khoản 3 Điều 64 Nghị định 174/2013/NĐ-CP với hành vi "Cung cấp nội dung thông tin sai sự thất, vu khống, xuyên tạc, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức và danh dự, nhân phẩm của cá nhân".
Xử phạt từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng với hành vi "Cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác" quy định tại điểm g khoản 3 Điều 66 Nghị định trên.
Tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông được quy định, hướng dẫn tại Điều 288 Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13 ngày 27 tháng 11 năm 2015, cụ thể như sau:
Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc gây dư luận xấu làm giảm uy tín của cơ quan, tổ chức, cá nhân, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
- a) Đưa lên mạng máy tính, mạng viễn thông những thông tin trái với quy định của pháp luật, nếu không thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điều 117, 155, 156 và 326 của Bộ luật hình sự 2015;
- b) Mua bán, trao đổi, tặng cho, sửa chữa, thay đổi hoặc công khai hóa thông tin riêng hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân trên mạng máy tính, mạng viễn thông mà không được phép của chủ sở hữu thông tin đó;
- c) Hành vi khác sử dụng trái phép thông tin trên mạng máy tính, mạng viễn thông.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
- a) Có tổ chức;
- b) Lợi dụng quyền quản trị mạng máy tính, mạng viễn thông;
- c) Thu lợi bất chính 200.000.000 đồng trở lên;
- d) Gây thiệt hại 500.000.000 đồng trở lên;
- đ) Xâm phạm bí mật cá nhân dẫn đến người bị xâm phạm tự sát;
- e) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội hoặc quan hệ đối ngoại của Việt Nam;
- g) Dẫn đến biểu tình.
- Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm”.
Cơ quan chức năng phối hợp gỡ bỏ những thông tin sai lệch
Tuy nhiên, theo nguyên tắc thì tất cả những hành vi sai phạm trên xảy ra trên lãnh thổ Việt Nam thì mới có thể xử lý theo quy định của luật pháp Việt Nam.
Trong trường hợp, đối tượng là người nước ngoài thì cần có sự vào cuộc của các cơ quan chức năng bên ngoài lãnh thổ Việt Nam.
Cụ thể, theo luật sư Hà Huy Từ cho biết: “Nếu đối tượng ở nước ngoài thì khâu điều tra, xử lý có khó khăn vì liên quan đến pháp luật quốc tế và pháp luật nước ngoài, liên quan đến các điều ước quốc tế song phương hoặc đa phương mà Việt Nam đã ký.
Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa là cơ quan chức năng không điều tra, xử lý được. Để đấu tranh với các dạng vi phạm pháp luật trên không gian mạng, đòi hỏi các cơ quan thực thi pháp luật phải nâng cao công tác hợp tác quốc tế trong lĩnh vực đấu tranh phòng chống tội phạm.
Đặc biệt là người dân cần phải hết sức tỉnh táo, tuyệt đối không được áp dụng các thông tin thất thiệt, không có cơ sở khoa học lan truyền trên mạng xã hội, trên môi trường internet, vì điều này sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy xấu, ảnh hưởng xấu đến bản thân, gia đình và xã hội.
Người dân đặc biệt là những người sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng cần tỉnh táo, cần sàng lọc thông tin khi sử dụng mạng xã hội”.
Đồng tình với ý kiến của luật sư Từ, luật sư Thơm cũng nhấn mạnh: “Nếu thông tin bị phát tán có ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia thì cơ quan chức năng của Việt Nam có thể phổi hợp với các nhà mạng gỡ bỏ các thông tin xâm phạm đến lợi ích quốc gia.
Trong những năm gần đây, Việt Nam chúng ta cũng đã làm việc với youtube để gỡ bỏ những clip gây ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia”.
Ngọc NgaBạn đang xem bài viết Thông tin khoa học sai lệch ảnh hưởng đến sức khỏe người khác sẽ bị xử lý ra sao? tại chuyên mục Cuộc sống Muôn màu của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].