Việt Nam đang đối mặt với tình trạng kháng kháng sinh
Chiều 25/11, tại Trường Đại học Y Hà Nội, tham gia vào Tuần lễ nâng cao nhận thức về phòng chống kháng thuốc, Bộ Y tế ( BYT) cùng với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NNPTNT) cùng các đối tác như Tổ chức Y tế Thế giới ( WHO) và Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên Hợp Quốc cùng nhau cam kết phối hợp, chấm dứt việc sử dụng kháng sinh sai và lạm dụng kháng sinh từ các bệnh viện, khu chăn nuôi và tại các hộ gia đình.
TS Kidong Park, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam cho biết, mặc dù chưa có con số cụ thể, nhưng vấn đề kháng thuốc kháng sinh ở Việt Nam đang khá nghiêm trọng. Qua khảo sát ở 16 bệnh viện đang thí điểm về tình trạng kháng thuốc, có loại kháng đến 82%. Nhiều nhất là vi khuẩn thông thường gây nhiễm khuẩn đường tiết niệu và viêm phổi.
TS Cao Hưng Thái, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) cũng khẳng định, mức độ kháng kháng sinh tại nước ta đang hết sức trầm trọng, đó là những kháng sinh đặc hiệu, phổ rộng và kháng sinh mới, có hiệu lực rất cao nhưng các vi khuẩn đã kháng với các loại kháng sinh.
"Ví dụ một con vi khuẩn kháng với rất nhiều loại kháng sinh, dẫn đến rất khó có thể có kháng sinh để điều trị cho những trường hợp bệnh nhân nhiễm khuẩn đối với con vi khuẩn đó.
Nguyên nhân dẫn tới tình trạng này là do có những bệnh không do nhiễm khuẩn nhưng bác sĩ vẫn kê đơn kháng sinh như cúm. Hoặc kê thuốc kháng sinh quá liều, không phù hợp với bệnh; người dân cứ ốm là ra mua thuốc kháng sinh về điều trị, hoặc mượn đơn kháng sinh của người khác về dùng cho mình, cho con mình" - TS Thái chỉ rõ.
Việt Nam là một trong số các nước đi đầu trong phòng chống kháng thuốc
Thứ trưởng Bộ Y tế GS.TS Trần Văn Thuấn cho biết, kháng thuốc ngày nay không chỉ của riêng quốc gia nào mà là vấn đề y tế toàn cầu, đặc biệt nổi trội ở các nước đang phát triển, thế giới mỗi năm có hàng chục ngàn người tử vong do kháng thuốc và phải chi phí hàng chục tỷ đô la cho kháng thuốc.
Kháng thuốc là hiểm họa ngày càng lớn đối với con người và nền kinh tế Việt Nam do việc sử dụng kháng sinh ngày càng gia tăng và thiếu kiểm soát trong y tế cũng như trong chăn nuôi và càng đáng báo động hơn khi nó xâm nhập vào chuỗi thức ăn và môi trường sinh thái của chúng ta.
Việt Nam đã hưởng ứng lời kêu gọi của Tổ chức Y tế thế giới “Không hành động hôm nay, ngày mai không thuốc chữa” trong phòng chống kháng thuốc.
Việt Nam cũng là một trong số các nước đi đầu trong việc xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia về chống kháng thuốc giai đoạn từ năm 2013 đến năm 2020 với mục tiêu đẩy mạnh các hoạt động phòng, chống kháng thuốc, nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác phòng, chống dịch bệnh, khám chữa bệnh góp phần vào sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân.
Kế hoạch phòng chống kháng thuốc là Kế hoạch liên ngành, đòi hỏi sự nỗ lực và cam kết thực hiện của tất cả các Bộ/ngành, các cấp từ trung ương đến địa phương cùng vào cuộc để ngăn chặn tình trạng kháng thuốc chứ không chỉ riêng của ngành y tế.
Về quản lý sử dụng thuốc kháng sinh, Bộ Y tế đang tiến hành bổ sung sửa đổi "Hướng dẫn thực hiện quản lý sử dụng kháng sinh trong bệnh viện". Hướng dân này nhằm bổ sung, sửa đổi các nội dung mới về quản lý sử dụng kháng sinh, việc phân chia các nhóm kháng sinh theo mức độ quản lý, hoàn thiện quy trình phê duyệt kháng sinh thuộc nhóm cần dự trữ.
Kháng kháng sinh là khả năng của các vi sinh vật như vi khuẩn, vi rút, nấm hoặc ký sinh trùng sinh trưởng với sự hiển diện của một loại thuốc mà thông thường có thể giết chết hoạc hạn chế sự phát triển của chúng.
Kết quả là các liệu pháp điều trị thông thường trở nên không hiệu quả. Nhiễm trùng do đó trở nên nghiêm trọng hơn, dẫn đến thời gian bị bệnh lâu hơn, chi phí điều trị cao hơn và nguy cơ tử vong cao hơn.
Bởi vì kháng kháng sinh, nên ngày càng có nhiều các bệnh nhiễm trùng thông thường như viêm phổi, nhiễm trùng đường tiết niệu, bệnh lao và các bênh do thực phẩm gây nên càng trở nên khó điều trị hơn và đôi khi không thể điều trị được.
Kháng kháng sinh là mối đe dọa sức khỏe cộng động trên toàn thế giới, ảnh hưởng đến sức khỏe và cuốc sống của người dân và sự phát triển tổng thể, bền vững của cả một quốc gia.
Việt Nam là một trong những các quốc gia, trong những năm gần đây đã phải chứng kiến mối đe dọa ngày càng gia tăng của kháng kháng sinh, do việc sử dụng kháng sinh không hợp lý tại các cấp của hệ thống chăm sóc sức khỏe, trong nuôi trồng thủy sản, trong chăn nuôi và trong cộng đồng.
V.LinhBạn đang xem bài viết Thói quen tự ý mua và dùng thuốc kháng sinh ở hiệu thuốc nguy hiểm thế nào? tại chuyên mục Tin tức của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].