Theo những thống kê mới nhất, tại Thái Nguyên có trên 9.100 người có HIV, trong đó có 4.689 người còn sống; có 4.069 người đang được điều trị bằng thuốc kháng vi-rút HIV (ARV).

Ảnh minh họa
Hàng năm, hưởng ứng Ngày Thế giới Phòng, chống HIV/AIDS, tỉnh Thái Nguyên đều tăng cường các hoạt động dự phòng, xét nghiệm phát hiện HIV, bảo hiểm y tế cho người có HIV, cho những người có hành vi nguy cơ cao, người dân sống vùng sâu, vùng xa; giảm kỳ thị và phân biệt đối xử với người có HIV và ảnh hưởng bởi HIV/AIDS; tăng cường sự hỗ trợ của gia đình, xã hội với người có HIV và trách nhiệm của người có HIV với gia đình, xã hội.
Trong dự phòng lây nhiễm HIV, Thái Nguyên đã nỗ lực mở rộng độ bao phủ và nâng cao chất lượng các dịch vụ y tế dự phòng, xét nghiệm HIV, bảo hiểm y tế và điều trị HIV/AIDS đến mọi người dân. Đồng thời tổ chức hội thảo chủ đề xét nghiệm HIV tại cộng đồng, đánh giá việc điều trị nghiện bằng chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế...; tổ chức gặp mặt, tham gia sinh hoạt câu lạc bộ, hội thảo với những người có HIV; truyền thông dự phòng lây nhiễm HIV tiếp tục thực hiện hành vi an toàn, tiếp cận sớm các dịch vụ dự phòng, lợi ích của xét nghiệm, điều trị sớm; vận động người nhiễm chủ động tham gia và sử dụng thẻ bảo hiểm y tế khám, chữa bệnh...; biểu dương gương điển hình người có HIV hoặc người có hành vi nguy cơ cao chủ động tham gia phòng, chống HIV/AIDS, vươn lên phát triển kinh tế và giúp nhau trong cuộc sống.
Đặc biệt, Thái Nguyên đã có nhiều hoạt động như thăm hỏi, phát quà cho cá nhân, gia đình bệnh nhân AIDS, giúp đỡ người có HIV hòa nhập cộng đồng...
Về công tác chỉ đạo, những năm qua Thái nguyên đã thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; giao Công an tỉnh là Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo để triển khai thực hiện nhiệm vụ công tác bảo đảm an ninh trật tự, phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, trong đó gắn với chỉ đạo công tác phòng, chống HIV/AIDS. Tính đến tháng 6/2020, tỉnh Thái Nguyên có 5.071 người nhiễm HIV (trong đó: nam là 3.566 người; nữ là 1.505 người; phụ nữ mang thai: 89 người;trẻ em dưới 6 tuổi: 116 người; tỷ lệ người nhiễm trong độ tuổi lao động từ 25 - 49 chiếm 83%); 178/178 xã, phường có người nhiễm HIV/AIDS; tỷ lệ người nhiễm HIV tập chung chủ yếu trong các nhóm có hành vi nguy cơ lây nhiễm cao (người tiêm chích ma túy, phụ nữ mại dâm, nam quan hệ tình dục đồng giới).
Thái Nguyên cũng là địa phương có nhiều hình thức truyền thông với nhiều đổi mới, đa dạng, phong phú về nội dung; xây dựng nhiều mô hình Câu lạc bộ hoạt động tích cực như: CLB “Đồng cảm”; Nhóm “Hoa Hướng Dương”; “Tình nguyện”; “Hoa Huệ”; “Làm mẹ”; “Bạn giúp bạn”; “Vòng tay nhân ái, hướng tới tương lai”. Những nhóm này, bước đầu hoạt động tích cực trong công tác tuyên truyền, điều trị dự phòng, hỗ trợ người có HIV khám, chữa bệnh và điều trị…
Ngoài ra, các địa phương, đơn vị trong tỉnh thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động cán độ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân tích cực tham gia hưởng ứng “Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS và Ngày Thế giới phòng, chống AIDS”, hoạt động truyền thông, tư vấn về thông điệp “Không phát hiện = Không lây truyền” (Thông điệp K=K) giúp người được chẩn đoán nhiễm HIV sống tích cực hơn, đặc biệt là giảm kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS; lồng ghép các hoạt động với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”,“Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”, “Giới và HIV/AIDS”.
Thái Nguyên cũng chủ động tăng cường hợp tác quốc tế, vận động viện trợ, thu hút nguồn lực từ các dự án, doanh nghiệp trên địa bàn như Dự án do Quỹ toàn cầu; Dự án Hỗ trợ phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam; Văn phòng tổ chức Hợp tác và Phát triển Y tế Dự án Việt Nam; Dự án “Chăm sóc toàn diện dựa vào cộng đồng cho trẻ em bị nhiễm và bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS”; dự án “Hỗ trợ chăm sóc và tuân thủ điều trị tại nhà”...
Chương trình can thiệp, giảm tác hại đối với người nhiễm HIV được các đơn vị, địa phương triển khai phù hợp với từng đối tượng; trung bình mỗi năm: số người nghiện chích ma túy được tiếp cận dịch vụ từ 1.500 đến 2.500 người; số gái mại dâm được tiếp cận dịch vụ từ 150 đến 350 người; tính đến 30/6/2020, toàn tỉnh có 2.373 bệnh nhân đang điều trị đạt 69,82% so với chỉ tiêu là 3.460 bệnh nhân; toàn tỉnh có 12 cơ sở chăm sóc, điều trị với 3.893 bệnh nhân đang điều trị bằng thuốc kháng vi rút (ARV), trong đó có 116 bệnh nhân là trẻ em. Tổng số mẫu xét nghiệm tải lượng vi rút HIV thực hiện 3.289/3.893 bệnh nhân đang điều trị ARV cần xét nghiệm, đạt 84,48%, tỷ lệ bệnh nhân có tải lượng vi rút đạt dưới ngưỡng ức chế 96,78%.
Có thể nói, những con số thống kê này đã cho thấy phần nào kết quả và ý nghĩa các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn Thái Nguyên. Không chỉ giảm số người nhiễm mới hàng năm; giảm số người tử vong liên quan đến HIV/AIDS qua các năm; những hoạt động có ý nghĩa thiết thực của tỉnh giúp các cộng đồng có thêm thông tin thực tế, hữu ích, góp phần đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng chống HIV-AIDS và tệ nạn xã hội trên địa bàn tỉnh.
Công tác truyền thông được tác động mạnh mẽ dẫn tới những hiểu biết đúng đắn trong cộng đồng khi mọi người đều coi việc phòng chống HIV/AIDS là trách nhiệm và nghĩa vụ của toàn xã hội, của từng gia đình và mỗi cá nhân. Mỗi người dân có ý thức trang bị cho mình đầy đủ những kiến thức về phòng, chống HIV/AIDS; thường xuyên tham gia các buổi tuyên truyền về các tệ nạn xã hội; thanh niên có lối sống lành mạnh, tự chủ trong các mối quan hệ với bạn bè; không sa vào những tệ nạn xã hội như ma túy, mại dâm nhằm góp phần đẩy lùi đại dịch HIV/AIDS....
Hưởng ứng ngày Thế giới phòng chống HIV/AIDS (1/12) và Tháng hành động Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS, ngày 30/11, Quỹ chăm sóc sức khỏe AIDS Hoa Kỳ phối hợp với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, Bệnh viện A Thái Nguyên tổ chức tặng quà cho bệnh nhân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn đang điều trị ARV tại phòng khám ngoại trú của Bệnh viện A Thái Nguyên.
Theo đó, 30 suất quà đã được trao cho các các gia đình, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn đang điều trị ARV. Ngoài ra, 10 trẻ em không may nhiễm HIV, có hoàn cảnh gia đình khó khăn, đang điều trị tại Bệnh viện cũng được tặng xe đạp mới (ảnh). Tổng trị giá trị các phần quà tặng là trên 44 triệu đồng.
Các phần quà là nguồn động viên vô cùng ý nghĩa với các gia đình, bệnh nhân HIV trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân nói chung và đặc biệt là người nhiễm HIV nói riêng.
Thái BìnhBạn đang xem bài viết Thái Nguyên có nhiều hoạt động thiết thực để phòng chống HIV/AIDS tại chuyên mục Nhịp sống Gia Đình của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].