Việt Nam: Tết Trung thu là Tết Thiếu nhi
Ở Việt Nam, ngày 15/8 Âm lịch là ngày Tết Trung thu, còn có tên gọi khác là Tết Thiếu nhi. Vào ngày này, trẻ em thường được người lớn tặng đồ chơi như đèn ông sao, mặt nạ, được ăn bánh dẻo, bánh nướng, được phá cỗ, trông trăng và xem múa lân, múa sư tử, múa rồng,...
Ở nhiều nơi, Trung thu là dịp mở cuộc thi cỗ, thi làm bánh của các bà, các cô. Các trường cũng tổ chức cho các em biểu diễn văn nghệ.
Dù là dịp tết lớn nhưng theo quy định thì Trung thu không phải ngày được nghỉ, người lao động và học sinh vẫn phải đi làm, đi học bình thường.
Hàn Quốc: Tết Trung thu là ngày hướng về tổ tiên
Tết Trung thu ở Hàn Quốc gọi là Chuseok hay Hangawi (Lễ tạ ơn), là lễ hội lớn nhất trong năm và là kỳ nghỉ lễ kéo dài 3 đến 5 ngày từ ngày 15 tháng 8 âm lịch.
Người hàn Quốc rất coi trọng Tết Trung thu. Đây là ngày họ hướng về tổ tiên, tỏ lòng tôn kính và biết ơn. Vì thế cả gia đình sẽ chuẩn bị mâm cúng tổ tiên tròn đầy và đi tảo mộ để tỏ lòng biết ơn.
Đặc biệt trong ngày Tết Trung thu tại Hàn Quốc là một điệu múa mà tất cả người dân nước này sẽ cùng múa dịp Trung thu, đó là điệu múa Ganggangsullae. Không phân biệt già trẻ gái trai, tất cả sẽ quây thành vòng tròn lớn nhảy múa dưới ánh trăng rằm.
Trung Quốc: Tết Trung thu là tiết đoàn viên
Tết Trung thu ở Trung Quốc là ngày vô cùng đặc biệt. Trước đêm Trung Thu, mọi người trong gia đình, dù sống nơi đâu cũng đều quay về đoàn tụ với ông bà cha mẹ ăn bữa cơm đoàn viên, đó là ý nghĩa “song viên”, nên cũng gọi là ”Tiết Đoàn Viên”.
Bánh Trung thu của người Trung Quốc gắn với một huyền thoại. Vào thế kỷ XIV, người ta trao nhau những chiếc bánh kếp có đính kèm những mảnh giấy viết “Tiêu diệt người Mông Cổ vào ngày 15 của tháng thứ 8”. Đó là thông điệp bí mật từ lãnh đạo phiến quân Chu Nguyên Chương kêu gọi người Trung Quốc lật đổ vua cai trị người Mông Cổ thời nhà Nguyên (1279-1368).
Mặc dù mỗi vùng trên đất nước này lại có những phong tục đón tết Trung thu khác nhau, thế nhưng đa số đều giữ nguyên phong tục thưởng trà ngắm trăng, treo đèn lồng đỏ hay thả đèn hoa đăng đã tồn tại từ lâu đời.
4. Nhật Bản: Tôn vinh mặt trăng trong mùa thu
Otsukimi, nghĩa là “ngắm trăng”. Lễ hội truyền thống này được du nhập vào Nhật từ 1.000 năm trước. Đối với người dân đất nước mặt trời mọc, đây là lễ hội nhằm tôn vinh mặt trăng trong mùa thu, thời điểm trăng tròn nhất.
Nhật Bản không còn sử dụng lịch âm, nhưng Tết Trung thu hàng năm vẫn được tổ chức rầm rộ. Trong dịp lễ, người Nhật vừa ngắm trăng tròn, vừa thưởng thức những món ăn truyền thống, đặc biệt là bánh Tsukimi dango - bánh nếp nhỏ xinh và tròn trịa tượng trưng cho vầng trăng trên trời.
Trong ngày Tết Trung thu ở Nhật Bản, trẻ em cũng được cha mẹ sắm cho những chiếc đèn lồng cá chép để tham gia vào hội rước đèn. Đèn lồng cá chép ở Nhật tượng trưng cho lòng can đảm, nhất là đối với các bé trai.
Hoàng Nguyên (t/h/)Bạn đang xem bài viết Tết Trung thu ở các nước châu Á khác nhau như thế nào? tại chuyên mục Cuộc sống Muôn màu của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].