Theo phong tục của người Việt, trong ngày Tết Đoan Ngọ mùng 5/5, các gia đình sẽ chuẩn bị một số món ăn truyền thống để giết sâu bọ. Bởi quan niệm từ bao đời, chỉ có những món này mới giúp loại bỏ sâu bọ trong cơ thể.
Thông thường, vào buổi sáng ngày Tết Đoan Ngọ, người ta sẽ súc miệng rồi ăn rượu nếp để sâu bọ trong cơ thể say rồi ăn thêm hoa quả để giết chúng hoàn toàn sau đó mới ăn sáng.
Vậy ngày Tết Đoan Ngọ ăn gì mới đúng phong tục? Dưới đây là một vài gợi ý dành cho bạn.
>> Mâm cỗ cúng Tết Đoan Ngọ mùng 5/5 gồm những gì?
Hoa quả mùa hè
Vì Tết Đoan Ngọ diễn ra vào tháng 5, đúng mùa hè thế nên người ta sử dụng các loại quả này để cúng và ăn trong ngày mùng 5 tháng 5.
Một số loại hoa quả được chọn là: Vải, mận, đào, quất hồng bì, dưa hấu, dứa....
Tại một số địa phương của miền Bắc, người ta còn có thêm 1 chút lạc luộc.
Cơm rượu nếp cẩm/nếp cái
Một trong những món ăn không thể thiếu trong ngày Tết Đoan Ngọ chính là cơm rượu nếp cẩm.
Người Việt xưa tin rằng, ăn cơm rượu nếp cẩm ngay sau khi vừa ngủ dậy sẽ giết sâu bọ cực kỳ tốt.
Món cơm rượu nếp có vị thơm ngọt rất đặc trưng, chỉ cần ăn 1 - 2 thìa rượu nếp là được. Bạn cũng không nên ăn rượu nếp quá nhiều bởi nó có tính nóng, ăn lúc đói dễ bị say.
Thịt vịt
Có thể bạn chưa biết, thịt vịt chính là món ngon nhất định phải thưởng thức ngày Tết Đoan Ngọ, nhất là với người miền Trung và miền Nam.
Theo quan niệm của người xưa, thịt vịt có tính mát, ngọt, làm tăng năng lực, bồi bổ cơ thể cho người lao lực nhiều. Không chỉ vậy, vịt còn có thể giải độc mụn sưng, hạ nhiệt.
Thời điểm diễn ra Tết Đoan Ngọ cũng là lúc vịt bắt đầu vào mùa béo, thịt ngon và không có mùi hôi. Chính bởi vậy mà các gia đình thường mua vịt về ăn vào ngày này.
Bánh tro
Cùng với cơm rượu nếp, bánh tro là món ăn truyền thống không thể thiếu của người dân ở một số vùng của miền Bắc, Nam Trung Bộ và Nam Bộ.
Loại bánh này còn được gọi với nhiều tên khác nhau như: Bánh ú, bánh gio, bánh âm.
Bánh được làm từ gạo nếp ngâm nước tro và gói bằng lá chuối, nhân bánh đậu xanh hoặc không nhân, khi ăn chấm với mật.
Người ta tin rằng, ăn bánh tro vào ngày Tết Đoan Ngọ sẽ giúp tiêu tan hết bệnh tật trong người.
Chè kê
Tại một số địa phương nhất là Huế, vào ngày Tết Đoan Ngọ, người ta thường nấu chè kê ăn kèm bánh đa (bánh tráng mè).
Kê dẻo thơm, cay cay đặc trưng của gừng tươi ăn kèm bánh tráng mè giòn tan tạo nên một món ngon ngày Tết Đoan Ngọ không thể bỏ qua.
Tết Đoan Ngọ là một trong những ngày lễ Tết truyền thống ở Việt Nam. Tết Đoan Ngọ được tổ chức vào ngày mùng 5/5 âm lịch.
Tết Đoan Ngọ là cái Tết chung của một số nước chịu ảnh hưởng văn hóa Trung Quốc. Tuy nhiên, ở Việt Nam, Tết Đoan ngọ còn mang những ý nghĩa khác biệt.
Hằng năm cứ đến mồng 5 tháng 5 (âm lịch) dân ta lại tổ chức ăn Tết Đoan ngọ. Tết Đoan ngọ còn gọi là Tết Đoan dương.
Đoan ngọ là bắt đầu giữa trưa (Đoan: mở đầu, Ngọ: giữa trưa) còn dương là mặt trời, là khí dương, Đoan dương có nghĩa là bắt đầu lúc khí dương đang thịnh.
Mai HươngBạn đang xem bài viết Tết Đoan Ngọ mùng 5/5 ăn gì để giết sâu bọ? tại chuyên mục Xã hội của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].