Chỉ có trẻ con mới háo hức khi Tết về, vì chúng chưa đến tuổi phải lo nghĩ về cuộc sống. Càng lớn lên, con người ta càng sợ Tết.
Vì Tết đến là thời khắc phải đối diện với hàng trăm thứ dồn lên vai, lên đầu. Độc thân còn nhẹ nhõm, chứ nếu đã lập gia đình, thì Tết giống như địa ngục, đặc biệt là với phụ nữ.
Trong cuộc sống hôn nhân gia đình, người phụ nữ thường ôm trách nhiệm quan tâm đến lễ nghĩa. Khổ thay, lễ nghĩa không chỉ có thể bộc bạch bằng miệng.
Muốn lễ nghĩa thì phải có tiền. Tiền ít là lễ nghĩa ít, tiền nhiều ắt lễ nghĩa nhiều. Mà chỉ có tiền thôi cũng chưa xong. Còn phải có lời nói, có hành động. Vậy thì, lễ nghĩa đòi hỏi phải có tâm, có sức và cả có tiền.
Giữ lễ nghĩa nghe tưởng chừng đơn giản, nhưng đấy là khi phụ nữ chỉ lễ nghĩa với một người, hoàn toàn dễ xoay sở và kiểm soát.
Nhưng sau khi kết hôn, phụ nữ phải lễ nghĩa với rất nhiều người. Tết đến là thời khắc mà tiền ra ào ào, thời giờ thì hạn hẹp, đừng nói rảnh rỗi đi làm mái tóc đi sơn bộ móng, thậm chí thời gian đắp mặt nạ còn không có.
Ngoài công việc cận Tết thường dồn dập và dày đặc, người phụ nữ trong gia đình phải tranh thủ thời gian để bắt đầu sắm sửa trong nhà.
Đồ trưng Tết, bánh mứt đãi khách, đồ ăn dự trữ trong ít nhất 3 ngày Tết. Để biết nên dự trữ thực phẩm gì, người vợ cần lên thực đơn, sau đó phân loại ra món nào nấu để sẵn, bảo quản làm sao cho không hư.
Những gia đình hay có khách ghé thăm, thì khâu này càng cực hơn. Vì vậy mà cận Tết, người phụ nữ trong gia đình cứ xoay như chong chóng ngoài chợ và siêu thị.
Lo xong thực phẩm, bắt đầu đến vật dụng trong nhà. Cuối năm rồi, cái gì nên thay mới thì phải thay mới. Mua thêm ít chậu bông để trưng cho có màu sắc.
Trái cây dâng lên ông bà, nén nhang cũng phải cao cấp hơn một tí. Chỉ việc chạy hết cửa hàng này đến cửa hàng khác là gần như “tắt thở”, chồng thì chỉ biết “sai đâu đánh đó”, nào có nghĩ nhiều như vợ.
Vật dụng xong thì đến quần áo, giày dép mới. Mua trước cho con cái, rồi đến chồng. Dư dả tí thì mua cho bản thân, còn không dư thì lôi đồ cũ ra mà mặc lại, dăm ba ngày Tết cần gì màu mè.
Xong trong gia đình nhỏ, là tính đến đại gia đình. Biếu quà Tết gì cho cha mẹ hai bên, mua sao cho cân bằng đừng tị nạnh cũng là cả vấn đề.
Quà thì phải đi kèm bao lì xì, đủ bộ như vậy mới vui nhà vui cửa. Nếu còn ông bà, thì lại thêm phần cho ông bà. Rồi anh chị em, cô dì chú bác, Tết đến không ít thì nhiều cũng phải có chút gì đem biếu cho có gọi là tấm lòng.
Rồi đến tính toán xem lì xì cho ai, từ trên xuống dưới, tất thảy đều phải chừa sẵn tiền, bao lì xì cũng luôn phải sẵn sàng.
Chuẩn bị Tết đến giai đoạn này thì hầu như cả chồng lẫn vợ rơi vào tình trạng “sạch túi”, tiền lương tiền thưởng bay vèo hết, thậm chí âm qua cả tiền tiết kiệm.
Nhưng mọi thứ vẫn chưa kết thúc. Sau khi đầu bù tóc rối làm hết những việc trên, người phụ nữ trong gia đình bắt đầu lăn lộn dọn dẹp nhà cửa.
Không đơn giản là lau cái nhà, quét cái sân, mà phải tổng vệ sinh không sót một ngóc ngách nào, như thể đào cái nhà lên rồi xây lại vậy. Oằn mình như thế, nhà nhỏ cũng hai ba ngày mới xong, nhà lớn thì cả tuần. Cực vậy mà chả dám mướn dịch vụ dọn dẹp, vì các chi phí khác đã ngốn sạch túi tiền mất rồi.
Các mùng Tết, các ông cứ việc ngồi trên bàn cụng ly chúc xuân, cánh đàn bà thì vật lộn dưới bếp, hết nấu ăn rồi dọn rửa, liên tục ngày này qua ngày khác.
Đầu năm đầu tháng đã phải cực khổ nai lưng ra làm lụng, chỉ có thể là người phụ nữ mà thôi!
Thanh TâmBạn đang xem bài viết Tết đến, phụ nữ có gia đình chỉ mong ước được trở về những ngày độc thân tại chuyên mục Sống chậm của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].