Cúm là dạng cảm nặng, thường xảy ra đột ngột. Triệu chứng có thể gặp bao gồm: sốt, đau đầu, mệt, đau cơ, ho, đau họng. Cúm có thể gây ra một số biến chứng như viêm phổi. Một vài biến chứng có thể đe dọa tính mạng.
Những đối tượng dễ bị biến chứng khi mắc cúm là người già trên 65 tuổi; trẻ em nhỏ hơn 5 tuổi; người đang có bệnh suyễn, bệnh tim, ung thư; phụ nữ mang thai.
Theo khuyến cáo của bác sĩ Phạm Thanh Hoàng, Giảng viên Bộ môn Sản Đại học Y Dược TP HCM, Bệnh viện Từ Dũ, phụ nữ trong thời kỳ mang thai có nguy cơ bị biến chứng của cúm tăng lên.
Nguyên nhân là do những thay đổi bình thường của hệ miễn dịch trong thai kỳ làm cho người mang thai dễ bị biến chứng của cúm. Bà bầu bị tăng những biến chứng của thai kỳ như chuyển dạ sinh non, sinh non nếu bạn bị cúm. So với người không mang thai thì người mang thai bị nhiễm cúm phải nhập viện nhiều hơn và tỉ lệ tử vong cũng cao hơn.
Do đó, để phòng ngừa cúm và những biến chứng nguy hiểm của cúm thì việc tiêm vaccine phòng bệnh đóng vai trò quan trọng. Tất cả mọi người (trên 6 tháng tuổi) bao gồm người mang thai và cho con bú nên tiêm ngừa cúm mỗi năm.
Nếu đang mang thai, bà bầu nên được tiêm ngừa sớm trong mùa cúm (từ tháng 10 đến tháng 5). Chị em có thể tiêm ngừa vào mọi thời điểm khi mang thai. Nếu đang bị những bệnh lý có thể làm tăng biến chứng của cúm như suyễn hay bệnh tim, chị em nên tiêm ngừa trước khi mùa cúm bắt đầu.
Hiện có 2 loại vaccine cúm là dạng tiêm và dạng xịt mũi. Dạng tiêm chứa virus cúm dạng bất hoạt, nó không thể gây bệnh. Dạng tiêm có thể được tiêm ngừa cho phụ nữ mang thai ở bất kỳ thời điểm nào trong thai kỳ. Dạng xịt mũi chứa virus sống, dạng này không nên dùng cho phụ nữ mang thai. Nhưng có thể dùng sau sinh, ngay cả khi đang cho bé bú.
Vaccine cúm kích hoạt hệ miễn dịch tạo ra kháng thể chống lại virus cúm. Kháng thể di chuyển trong máu. Nếu kháng thể nhận ra virus cúm, chúng "bám vào" để phá hủy virus cúm bằng các phần khác của hệ miễn dịch. Cần khoảng 2 tuần để cơ thể tạo được kháng thể bảo vệ sau khi bạn được tiêm ngừa.
Với một số loại vaccine, kháng thể có thể tồn tại nhiều năm. Nhưng virus gây cúm có thể thay đổi mỗi năm. Kháng thể được tạo ra từ lần tiêm vaccine năm nay có thể không có tác dụng bảo vệ chống lại virus cúm trong năm kế tiếp. Do vậy, vaccine cúm cũng được cập nhật mỗi năm. Để bảo vệ hoàn toàn, bạn cần tiêm cúm mỗi năm.
Vaccine cúm làm một lúc 2 nhiệm vụ, bảo vệ bạn và em bé của bạn. Không thể tiêm ngừa cúm cho bé khi bé dưới 6 tháng tuổi. Khi bạn được tiêm ngừa cúm trong thai kỳ, kháng thể từ cơ thể bạn truyền qua cho bé, bảo vệ bé chống lại virus cúm cho đến khi bé được tiêm ngừa lúc 6 tháng tuổi.
Nhiều chị em lo lắng việc tiêm vaccine sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe. Điều này không đáng lo ngại, bởi vaccine được phát triển với những tiêu chuẩn an toàn cao nhất. Hơn nữa, vaccine đã được sử dụng trong nhiều năm trên hàng triệu thai phụ và không gây ra các vấn đề trong thai kỳ cũng như dị tật thai.
Hầu hết tác dụng phụ của vaccine thường là nhẹ, như là đau nơi chích, sốt nhẹ, thường tự hết sau 1 đến 2 ngày. Phản ứng hay tác dụng phụ nghiêm trọng thường hiếm.
Làm gì khi đang mang thai bị cúm?
Nếu nghĩ mình đang bị cúm khi mang thai, bà bầu nên liên hệ với bác sĩ sản phụ khoa ngay để được tư vấn và hướng dẫn cách điều trị. Các triệu chứng cúm có thể:
- Sốt hay cảm giác bị sốt
- Ớn lạnh
- Đau nhức cơ
- Đau đầu
- Mệt
- Ho hay đau họng
- Chảy nước mũi
(Bài viết được dịch từ trang thông tin dành cho bệnh nhân của Hiệp hội Sản phụ khoa Hoa kỳ)
Bác sĩ Phạm Thanh Hoàng/Bệnh viện Từ DũBạn đang xem bài viết Tại sao bà bầu dễ bị biến chứng của cúm? tại chuyên mục Sống khỏe của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].