Nhiều phụ huynh cho trẻ chơi iPad, iPhone và các loại điện thoại thông minh khác vì muốn 'trẻ sớm làm chủ được công nghệ'.
Một số phụ huynh thì cho rằng việc cho trẻ tiếp xúc sớm với điện thoại thông minh là cơ hội tốt cho trẻ học hỏi.
Tuy nhiên, chuyên gia Viện nghiên cứu nhi khoa thủ đô của Trung Quốc chỉ ra rằng, những năm gần đây, số lượng trẻ em đến khám do các vấn đề về ngôn ngữ, thị lực và sự phát triển xương ngày càng gia tăng, trong đó phần lớn trẻ có hiện tượng sử dụng đồ điện tử quá nhiều.
Chuyên gia kiến nghị, thiết bị điện tử không phải ‘bảo mẫu’, không thể thay thế cho những người thân trong gia đình.
Trẻ dưới 3 tuổi không nên tiếp xúc với thiết bị điện tử. Trẻ từ 3 tuổi trở lên cần hạn chế thời gian sử dụng.
Dưới đây là những tác hại của việc sử dụng thiết bị điện tử đối với trẻ nhỏ theo nghiên cứu của Viện nghiên cứu nhi khoa thủ đô Trung Quốc.
1. Trẻ cận thị sớm hoặc cận nặng
Ngoài các yếu tố di truyền, việc sử dụng đồ điện tử trong thời gian dài có thể dẫn đến tình trạng cận thị ở trẻ em.
Vì mắt của trẻ đang trong thời kỳ phát triển, chơi máy tính bảng, điện thoại cảm ứng nhiều rất dễ bị tổn thương, dễ bị cận thị.
Điều này được chứng minh rất rõ khi tỷ lệ trẻ em ở các thành phố và các trung tâm bị cận thị cao hơn nhiều trẻ em ở các vùng nông thôn.
Nếu không biết kiểm soát thời gian sử dụng có thể khiến cho tình trạng cận thị nặng thêm.
Nhiều phụ huynh khi cho con chơi điện thoại hoặc máy tính còn giảm độ sáng của màn hình, điều này càng làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới thị lực của trẻ.
Vì thế, trẻ em dưới 3 tuổi nên hạn chế tối đa việc sử dụng đồ điện tử, vì khoảng thời gian này là khi thị lực của bé phát triển nhanh nhất.
Sau 3 tuổi, có thể tiếp xúc dần với điện thoại, máy tính, TV nhưng nên hạn chế thời gian, mỗi lần xem TV chỉ nên xem không quá 20 phút.
2. Khiến xương và cơ thoái hóa nhanh hơn
Chủ nhiệm khoa xương khớp nhi thuộc Viện nghiên cứu nhi khoa thủ đô chỉ ra rằng, theo thống kê và nghiên cứu liên quan, việc sử dụng thiết bị điện tử quá nhiều gây ảnh hưởng đến sự phát triển xương và cơ bắp.
Theo thực tế lâm sàng cho thấy, không ít trẻ em do sử dụng đồ điện tử quá nhiều gây đau mỏi vai, gáy, đau mỏi tay.
Khi sử dụng đồ điện tử lâu, trẻ sẽ có xu hướng cúi đầu và giữ một tư thế khá lâu, dễ gây đau cơ cổ, dây chằng, từ đó dễ dẫn đến các bệnh về đốt sống cổ và thoái hóa xương khớp.
Một lời khuyên cho các bận phụ huynh là hãy nghĩ ra các giải pháp giúp trẻ ít chú ý đến các thiết bị điện tử hơn, nhằm giảm bớt thời gian sử dụng và mong muốn được sử dụng của trẻ. Đồng thời hạn chế thời gian khi trẻ sử dụng.
3. Làm chậm quá trình phát triển ngôn ngữ, cảm xúc, trí tuệ
Theo lời chuyên gia, có nhiều ca trẻ em bị chậm nói đồng thời có vấn đề về cảm xúc, trí tuệ.
‘Gần đây số lượng trẻ em gặp vấn đề này ngày càng nhiều, đặc biệt là trẻ từ 2 đến 7 tuổi’.
Sự phát triển ngôn ngữ ở trẻ chịu ảnh hưởng rất nhiều bởi quá trình giao tiếp với người khác.
Việc sử dụng đồ điện tử sẽ làm giảm bớt sự giao tiếp giữa bé và bố mẹ, đồng thời cảm xúc cũng chịu ảnh hưởng không tốt.
Trẻ cần tiếp xúc với con người thật, thiên nhiên thật mới được cọ xát để trưởng thành, do đó thiết bị điện tử tiện ích thế nào cũng không thể thay cha mẹ dạy dỗ trẻ cách giao tiếp, kỹ năng sống…
Phụ huynh nên dành thời gian chơi và trò chuyện với trẻ để trẻ phát triển khả năng ngôn ngữ cũng như trau dồi tình cảm.
Có thể dành thời gian đưa trẻ ra ngoài với các hoạt động ngoài trời, dạy trẻ quan sát và giúp trẻ tiếp xúc với thế giới xung quanh, giúp trẻ phát triển trí tưởng tượng.
Những hoạt động bổ ích này sẽ giúp trẻ hoạt động một cách toàn diện cả về thể chất lẫn tinh thần, giúp trẻ nâng cao thể lực, giải trí lành mạnh.
Ái LinhBạn đang xem bài viết Nghiên cứu mới: Smartphone, iPad khiến trẻ chậm nói, giảm thị lực, thoái hóa xương tại chuyên mục Sống khỏe của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].