Sự nguy hiểm khi ăn phải nấm độc

Bình luận

Ngày 3/6, Bệnh viện (BV) Đa khoa vùng Tây Nguyên (tỉnh Đắk Lắk) đang điều trị tích cực cho các bệnh nhân ngộ độc sau khi ăn phải nấm độc hái từ rẫy. Bộ Y tế cũng đã có những hướng dẫn cách nhận diện các loại nấm độc để người dân đề phòng.

Ăn phải nấm độc, nhiều người phải nhập viện cấp cứu

Theo báo cáo của Trung tâm Y tế huyện Lắk (TTYT) tỉnh Đắk Lắk, khoảng 18h ngày 2/6, tại nhà ông Y.S.Ê. (trú tại buôn Jun, thị trấn Liên Sơn, huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk), nhóm 7 người lớn đã ăn lẩu cùng nấm không rõ loại được hái trong rẫy.

Sau khi ăn, cả 7 người đều xuất hiện tình trạng đau đầu, nôn ói nên được người nhà đưa vào nhập viện tại TTYT huyện Lắk.

Do tình trạng ngộ độc nặng nên 3 trong 7 bệnh nhân đã được TTYT huyện Lắk chuyển lên BV Đa khoa vùng Tây Nguyên để cấp cứu.

Riêng 4 bệnh nhân nhẹ hơn hiện đang được tiếp tục điều trị tại TTYT huyện Lắk.

Untitled

Bệnh nhân nghi bị ngộ độc nấm đang được điều trị tại BV Đa khoa vùng Tây Nguyên.

Theo bác sĩ CKII Huỳnh Thị Đoan Dung - Phó Trưởng khoa phụ trách Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc BV Đa khoa vùng Tây Nguyên, ngày 3/6, bệnh viện tiếp nhận 3 bệnh nhân là Y.S.Ê. (SN 1989), Y.T.B.D. (SN 1998) và Y.L.S. (SN 2008) được chuyển từ TTYT huyện Lắk lên trong tình trạng đau bụng, buồn nôn, nôn ói, đau đầu, chóng mặt với chẩn đoán ngộ độc nấm không rõ loại.

Trong 3 bệnh nhân nhập viện, có bệnh nhân bị tổn thương gan, tổn thương thận nên đang được tích cực theo dõi, điều trị.

Bộ Y tế khuyến cáo cách phân biệt các loại nấm độc

Theo Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), so với các loại ngộ độc khác thì ngộ độc nấm xảy ra ít hơn về số ca, nhưng tỷ lệ tử vong lại rất cao.

Theo thống kê, trên thế giới hiện nay có trên 10.000 loài nấm đã được xác định danh tính, trong đó có hàng trăm loại nấm độc. Những loại nấm có đủ mũ, phiến, cuống, vòng và bao gốc hầu hết là nấm độc.

Một số loài nấm có thể có hàm lượng độc tố thay đổi theo mùa, trong quá trình sinh trưởng (nấm non hay nấm trưởng thành), trong môi trường đất đai thổ nhưỡng khác nhau. Vì vậy, có thể gặp trường hợp ăn cùng 1 loại nấm nhưng có lúc bị ngộ độc, có lúc không. 

Đối với nấm có họ hàng gần nhau thường rất khó phân biệt theo hình dạng, màu sắc bên ngoài, ngay cả đối với các nhà chuyên môn.

Vì vậy, việc xác định loài chủ yếu phải nghiên cứu tiêu bản nấm dưới kính hiển vi và phân biệt theo đặc điểm của bào tử nấm.

Cục An toàn thực phẩm cho rằng, việc thu hái nấm mọc tự nhiên để ăn phải rất thận trọng, tốt nhất là không hái nấm mọc hoang về ăn để phòng tránh ngộ độc nấm độc cho bản thân và những người trong gia đình.

Cục An toàn thực phẩm cũng chỉ ra các dấu hiệu nhận diện nấm độc như sau:

- Nấm có đủ: mũ, phiến nấm, cuống, vòng cuống và bao gốc thường là nấm độc.

- Bên trong thân cây nấm mầu hồng nhạt, mũ nấm mầu đỏ có vẩy trắng, sợi nấm phát sáng trong đêm là nấm độc

- Bộ phận độc nằm trong toàn bộ thể quả nấm (mũ, phiến, vòng, cuống, bao gốc nấm), độc tố thay đổi theo mùa, trong quá trình sinh trưởng của nấm, trong môi trường đất đai, khí hậu.

Bên cạnh đó, Cục An toàn thực phẩm cũng chỉ ra một số quan niệm sai lầm về nấm độc như:

- Nấm độc thường có màu sặc sỡ vì trên thực tế có những loại nấm cực độc như nấm tán trắng có bề ngoài màu trắng sữa nên nhiều người dễ nhầm lẫn với các loại nấm ăn được. Cách cơ bản để phân biệt nấm độc tán trắng với các loại nấm trắng ăn được không hề đơn giản, ngay cả với các nhân viên y tế cũng như người giàu kinh nghiệm.

- Nấm bị sâu bọ ăn là nấm không độc: Thực tế, các loài nấm độc đều có thể bị kiến, sâu bọ, ốc sên ăn.

- Thử cho động vật (gà, chó, chuột...) ăn trước, nếu sau 1 - 2 giờ động vật không chết hoặc không bị ngộ độc là nấm không độc: Điều này chỉ đúng đối với một số loài nấm tác dụng nhanh, còn đối với các loài nấm gây chết người thường có tác dụng chậm (12 - 24 giờ mới có triệu chứng đầu tiên) nên không thể nhận biết ngay và động vật chỉ chết sau ăn nấm 4 - 5 ngày. 

- Thử nấm bằng đũa, thìa, dây truyền... làm bằng bạc nếu thấy đổi màu xám đen thì là nấm độc: Đây là điều sai lầm vì các loại độc tố của nấm không tác dụng đối với bạc nên không gây đổi màu.

Nam doc

Người dân cẩn trọng khi ăn nấm hái từ tự nhiên - ảnh minh họa

Các chuyên gia cũng cho biết, nếu có dấu hiệu ăn phải nấm độc, người dân cần sơ cứu theo hình thức sau:

- Gây nôn (bằng biện pháp cơ học): Trong vòng vài giờ sau ăn nấm (tốt nhất trong giờ đầu tiên) nếu bệnh nhân là người trên 2 tuổi, tỉnh táo, chưa nôn nhiều. Cho bệnh nhân uống nước và gây nôn.

- Uống than hoạt: liều 1gam/kg cân nặng người bệnh.

- Cho người bệnh uống đủ nước, tốt nhất là dùng oresol.

- Nhanh chóng đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất.

- Nếu người bệnh hôn mê, co giật: cho người bệnh nằm nghiêng.

- Nếu người bệnh thở yếu, ngừng thở: hà hơi thổi ngạt hoặc hô hấp nhân tạo bằng các phương tiện cấp cứu có tại chỗ.

- Không tự về nhà trong 1-2 ngày đầu kể cả khi các biểu hiện ngộ độc ban đầu đã hết.

- Ngộ độc nấm loại biểu hiện muộn cần được điều trị tại các cơ sở y tế có phương tiện hồi sức tích cực tốt.

- Cần lưu ý là khi bị ngộ độc nấm, tuyệt đối không được cho bệnh nhân uống các loại thuốc có rượu vì rượu sẽ làm chất độc của nấm ngấm rất nhanh vào máu, làm tăng hiệu lực của độc tố trong cơ thể.

Phạm Sinh

Bạn đang xem bài viết Sự nguy hiểm khi ăn phải nấm độc tại chuyên mục Dinh Dưỡng của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].