Sốt xuất huyết ở trẻ nguy hiểm thế nào, cha mẹ cần chăm sóc ra sao để con chóng khỏe?

Trẻ em là đối tượng dễ bị muỗi tấn công nên có nguy cơ mắc sốt xuất huyết cao. Hơn nữa, với sức đề kháng kém nên trẻ dễ bị các biến chứng nặng khi mắc bệnh. Vậy cha mẹ cần chăm sóc trẻ ra sao để con sớm khỏe?

Sốt xuất huyết ở trẻ nguy hiểm thế nào?

Theo các chuyên gia nhi khoa, sốt xuất huyết ở trẻ em có biểu hiện ở nhiều dạng khác nhau và diễn biến phức tạp. Sự khởi phát của bệnh thường khá đột ngột và diễn biến bệnh nhanh chóng từ nhẹ đến nặng qua ba giai đoạn như sau:

- Ở giai đoạn sốt (từ ngày thứ nhất đến ngày thứ 4): Trẻ có biểu hiện sốt cao liên tục trong 4 - 5 ngày, kém đáp ứng với thuốc hạ sốt. Trẻ còn nhỏ thì bứt rứt, quấy khóc. Trẻ lớn hơn thì đau đầu, cảm thấy chán ăn, buồn nôn, biểu hiện da sung huyết, đau cơ khớp, nhức ở hai hố mắt, chảy máu chân răng hoặc chảy máu cam.

Sốt xuất huyết ở trẻ rất nguy hiểm, nếu không được xử trí kịp thời trẻ có thể bị sốc, rối loạn đông máu, suy đa tạng. Ảnh minh họa

Sốt xuất huyết ở trẻ rất nguy hiểm, nếu không được xử trí kịp thời trẻ có thể bị sốc, rối loạn đông máu, suy đa tạng. Ảnh minh họa

- Giai đoạn nguy hiểm: Sau giai đoạn sốt, trẻ tiến vào giai đoạn nguy hiểm của bệnh, thường rơi vào khoảng ngày thứ 3 - 7 sau khi mắc bệnh. Ở giai đoạn này, trẻ có thể còn sốt hoặc hết sốt. Tuy nhiên, trẻ sẽ mệt hơn, lử đử, li bì, ăn kém, tiểu ít; phát ban xuất huyết toàn thân. Các biểu hiện xuất huyết như chảy máu cam, chảy máu chân răng, xuất huyết dưới da, hành kinh số lượng nhiều ồ ạt (ở trẻ gái), xuất huyết nội tạng (đi ngoài phân đen), xuất huyết não (co giật, hôn mê). Ngoài ra, trẻ có thể có biểu hiện thoát dịch như dịch ổ bụng (đau bụng, chướng bụng, tức bụng), dịch màng phổi (ho tăng, tức ngực, khó thở) , mạch nhanh, huyết áp tụt hoặc kẹt…

- Giai đoạn phục hồi: Sau giai đoạn nguy hiểm khoảng 48 - 72 giờ là giai đoạn phục hồi. Lúc này, trẻ hết sốt, tình trạng cải thiện nhiều, trẻ tỉnh táo hơn, đỡ mệt, ăn ngon hơn, tiểu nhiều, ban xuất huyết dưới da bay dần, đỡ và hết đau bụng. Khi xét nghiệm máu thấy số lượng bạch cầu tăng lên nhanh, số lượng tiểu cầu dần trở về mức bình thường, nhưng thường chậm hơn so với bạch cầu.

Cha mẹ cần lưu ý, sốt xuất huyết ở trẻ rất nguy hiểm, một trong những biến chứng nguy hiểm là trẻ bị sốc, với biểu hiện gồm ba tình trạng suy giảm: giảm tri giác, giảm thân nhiệt và giảm huyết áp. Nếu không phát hiện xử trí kịp thời trẻ dễ đi vào sốc, rối loạn đông máu, suy đa tạng.

Do đó, khi trẻ sốt không rõ nguyên nhân cần đưa trẻ đến bệnh viện thăm khám để được chẩn đoán đúng bệnh và điều trị đúng cách.

Cha mẹ cần chăm sóc trẻ bị sốt xuất huyết ra sao để con chóng khỏe?

Phần lớn các trường hợp trẻ em bị sốt xuất huyết đều có thể được điều trị tại nhà. Sau khi thăm khám cho trẻ, bác sĩ sẽ tư vấn hướng dẫn các chăm sóc theo dõi trẻ tại nhà và theo dõi phát hiện các biến chứng sớm nếu có.

Cha mẹ cần cho trẻ uống thuốc hạ sốt đúng loại, đúng liều lượng, đúng thời gian theo chỉ định của bác sĩ. Ảnh minh họa

Cha mẹ cần cho trẻ uống thuốc hạ sốt đúng loại, đúng liều lượng, đúng thời gian theo chỉ định của bác sĩ. Ảnh minh họa

Cha mẹ cần biết cách chăm sóc trẻ sốt tại nhà, cho trẻ uống thuốc hạ sốt đúng loại, đúng liều, đúng thời gian theo hướng dẫn của bác sĩ.

Bên cạnh việc cho trẻ uống thuốc theo đúng hướng dẫn, cha mẹ cần cho trẻ uống nhiều nước, khuyến khích ăn thức ăn lỏng dễ tiêu, theo dõi lượng nước tiểu của trẻ (tiểu nhiều, nước tiểu trong) để biết là bé được bù đủ dịch.

Cha mẹ cần nắm được các dấu hiệu cảnh báo để đưa trẻ khám ngay như chảy máu cam, chảy máu chân răng, phát ban tăng dần, tiểu ít, trẻ mệt không chịu chơi, ăn uống kém, đau bụng, đi ngoài phân đen, hành kinh số lượng nhiều hơn bình thường trong giai đoạn bị bệnh… Tái khám theo hẹn của bác sĩ để làm xét nghiệm kiểm tra theo dõi (thường đến hết 7 ngày của bệnh hoặc ít nhất 48 giờ sau khi hết sốt.

Ngoài ra, để phòng tránh sốt xuất huyết ở trẻ em cần tránh cho trẻ bị muỗi đốt, kiểm soát côn trùng trung gian truyền bệnh như diệt loăng quăng, muỗi trưởng thành, loại bỏ ổ chứa nước đọng trong và  quanh khu vực sinh sống.

Theo khuyến cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, hiện nay dịch sốt xuất huyết ở Hà Nội đang trong giai đoạn cao điểm hay còn gọi là đỉnh dịch. Trong tuần vừa qua (tính đến 14/11), số mắc sốt xuất huyết trên địa bàn thành phố lên tới trên 1.340 trường hợp, tăng 2,3% so với tuần trước đó, đồng thời ghi nhận thêm 83 ổ dịch mới tại 12 quận, huyện… 

Đáng chú ý là kết quả giám sát điều tra xử lý ca bệnh, ổ dịch sốt xuất huyết trong 3 tuần gần đây cho thấy, chỉ số BI (chỉ số điều tra số dụng cụ chứa nước có loăng quăng, muỗi vằn) tại một số nơi cao vượt ngưỡng. Thậm chí có nơi, chỉ số BI cao gấp hơn 2 lần yếu tố nguy cơ bùng phát dịch bệnh sốt xuất huyết. 

Nhiều người cho rằng, muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết chỉ sinh sản ở môi trường ao tù, nước bẩn nên lơ là dọn dẹp, vệ sinh những vật dụng chứa nước sạch ngay trong chính ngôi nhà mình. Đây là hiểu biết sai lầm mà người dân cần phải thay đổi để phòng, chống sự lây lan của dịch bệnh sốt xuất huyết hiện nay. 

Để phòng chống sốt xuất huyết, mỗi người dân cần tự ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường, tích cực diệt muỗi, bọ gậy, loăng quăng mọi lúc, mọi nơi và có biện pháp phòng tránh muỗi đốt như nằm màn khi ngủ…

An An

Tin liên quan

từ khóa Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO Bất động sản- Tài chính