Sốt cao kéo dài, suy đa tạng... chỉ vì vết cắn của ve chó, bọ chét

Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung Ương từng nhiều lần tiếp nhận các bệnh nhân với biểu hiện sốt cao đột ngột kéo dài, người đau nhức… chỉ vì vết cắn của các loài kí sinh trùng khu trú trên động vật. Điều đáng nói, những bệnh nhân này, dù trước đó đã đi khám chữa nhiều nơi nhưng không tìm đúng bệnh.

Chỉ một vết côn trùng cắn có thể mắc bệnh sốt mò, sốt Q... hiếm gặp

Chỉ một vết côn trùng cắn có thể mắc bệnh sốt mò, sốt Q... hiếm gặp

Bệnh nhân nam N.T.R (62 tuổi, Đồng Tâm, Hai Bà Trưng, Hà Nội) xuất hiện tình trạng sốt cao 40 độ, sốt nóng kèm gai rét, sốt liên tục uống thuốc hạ sốt không đỡ, kèm theo đau đầu, đau mỏi người, không ho, không khó thở. Bệnh nhân khám bác sĩ tư được chỉ định sốt virus, cho đơn điều trị nhưng không đỡ. Lâu dần, người bệnh rơi vào trạng thái ý thức lơ mơ. Khi bệnh nhân nhập viện Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung Ương, ông R. bắt đầu xuất hiện thêm hạch vùng bẹn, nách.

Qua quá trình thăm khám, bác sĩ nhận thấy ông R. có vết đốt ở nách trái. Theo kết quả xét nghiệm máu, chụp Xquang phổi… bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân sốt nhiễm mò.

Ngoài ra, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới tiếp nhận bệnh nhân L.T.T. (46 tuổi, Tương Mai, Hoàng Mai) cũng trong biểu hiện sốt cao đột ngột, hoa mắt chóng mặt, không nôn, không ho. Theo tiền sử, người này đã tự điều trị tại nhà không đỡ. Sau đó vào viện Nhiệt đới, sau tham khám, xét nghiệm bệnh nhân được chẩn đoán sốt Ricketsia.

Theo GS. TS Nguyễn Văn Kính – Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung Ương cho biết: Các bệnh Richkettsia, sốt mò… phổ biến ở Việt Nam nhưng chẩn đoán khó khăn do biểu hiện lâm sàng bệnh không điển hình, hạn chế trong máy móc xét nghiệm.

“Trong khi đó, bệnh gây ra hậu quả nặng nề nếu chẩn đoán và điều trị muộn. Nếu như ở nước ngoài, đặc biệt ở các nước châu Á khác đặc biệt quan tâm tới nhóm bệnh này thì ở Việt Nam, có rất ít nghiên cứu, có chăng, chỉ dừng lại ở một số luận án” - Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung Ương chia sẻ.

Trước thực trạng cần thiết nghiên cứu về nhóm bệnh Richkettsia, sốt mò, sốt Q… Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung Ương đã khởi động Dự án “Nghiên cứu điều tra bệnh Richkettsia, sốt mò, sốt Q tại bệnh viện và cộng đồng trên toàn quốc – HACIRD”. Dự án được Trung tâm nghiên cứu Y khoa Hải Quân Hoa Kỳ tài trợ kinh phí. 

GS. TS Nguyễn Viết Tiến – Thứ trưởng Bộ Y tế phát biểu trong “Hội nghị triển khai Nghiên cứu điều tra bệnh Richkettsia, sốt mò, sốt Q tại bệnh viện và cộng đồng trên toàn quốc – HACIRD”, ngày 19/4, tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung Ương nhấn mạnh vai trò, tầm ý nghĩa quan trọng của dự án.

“Nghiên cứu có thể cung cấp các thông tin về tình hình bệnh và các dự báo vùng nguy cơ phục vụ việc xây dựng các giải pháp y tế công cộng trong phòng ngừa dịch bệnh’ – GS. TS Nguyễn Viết Tiến nhấn mạnh. 

Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến phát biểu tại Hội nghị

Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến phát biểu tại Hội nghị

GS. TS Nguyễn Văn Kính chia sẻ thêm, bệnh Rickettsia là một bệnh do nhiễm vi khuẩn Rickettsia. Bọ chét, chấy rận sẽ truyền bệnh khi chúng cắn đốt con người. Nếu chúng ta gãi vết cắn sẽ làm xước da và cho phép vi khuẩn xâm nhập vào máu. Khi ở trong máu, các vi khuẩn sẽ sinh sản và phát triển. Bệnh có các triệu chứng nhức đầu, sốt, ớn lạnh, phát ban. 

“Với sốt mò, nó là bệnh thường gặp ở nông thôn Việt Nam, thuộc bệnh truyền nhiễm cấp tính. Căn bệnh này có thể gây tổn thương nội mạc các mạch máu nhỏ với biểu hiện vết loét do mò đốt, phát ban, sưng hạch. Diễn biến lâm sàng phức tạp bởi các biến chứng nội tạng.

Bệnh sốt Q biểu hiện triệu chứng giống bệnh cúm. Ở Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp mắc sốt Q bao giờ. Tuy nhiên, theo nghiên cứu, bệnh có thể khỏi sau vài tuần mà không cần điều trị hay trở thành mạn tính nếu kéo dài trên 5 – 6 tháng. Ở dạng kéo dài, nó có thể có viêm gan dạng y hạt, viêm não màng não, viêm nội tâm mạc.

Nguồn nhiễm bệnh sốt Q chủ yếu là các gia súc có sừng như cừu, bò, dê, chó, mèo… Ve là nguồn truyền vi khuẩn trong thiên nhiễn giữa các loài gặm nhấm, chim và truyền mầm bệnh dọc qua các đời sau.

Những động vật nhiễm mầm bệnh như mèo.. thải vi khuẩn qua phân, nước tiểu, sữa, nhau thai là những yếu tố truyền sang người và giữa súc vật.

Người bệnh tiếp xúc trực tiếp da, thịt, phân của vật bị bệnh hoặc người lây bệnh, hít phải bụi chứa vi khuẩn có thể mắc bệnh. Hầu hết mọi người có thể tự khỏi nhưng nếu trở nặng, bệnh dẫn đến tổn thương đa cơ quan như gan, thận, tim, phổi và não”, GS. TS Nguyễn Văn Kính cho biết.

Theo bác sĩ khuyến cáo, để phòng chống nhóm bệnh này, người dân cần cải thiện vệ sinh môi trường, dùng thuốc diệt côn trùng. Ngoài ra, nên có phương pháp bảo vệ bằng việc thoa kem chống côn trùng…

Hồng Ngọc

Tin liên quan

từ khóa Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO Bất động sản- Tài chính